Trung Quốc muốn “rải” căn cứ trên toàn cầu

Thứ bảy, 05 Tháng 9 2020 07:14 (GMT+7)
Trung Quốc đang tìm cách thiết lập mạng lưới hậu cần quân sự tại nhiều quốc gia, đặc biệt ở những khu vực lân cận Ấn Độ nhằm tăng cường tiềm lực quân đội và mở rộng phạm vi hoạt động của lực lượng viễn chinh.
Tàu chở quân nhân Trung Quốc khởi hành đi căn cứ ở Djibouti. Ảnh: Xinhua
Tàu chở quân nhân Trung Quốc khởi hành đi căn cứ ở Djibouti. Ảnh: Xinhua
 
Hồi tháng 3, hình ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc đã âm thầm cơi nới căn cứ hải ngoại đầu tiên của họ ở Djibouti. Theo giới quan sát, nơi đây đóng vai trò như tiền đồn do thám hoạt động của Mỹ và phục vụ chiến lược bao vây Ấn Ðộ. Trong báo cáo thường niên về sự phát triển quân sự và an ninh Trung Quốc 2020 trình Quốc hội Mỹ mới đây, Lầu Năm Góc cho biết Bắc Kinh tiếp tục lên kế hoạch lập thêm căn cứ tại Pakistan, Sri Lanka và Myanmar để tăng cường khả năng hỗ trợ lực lượng hải quân, không quân và mặt đất.
 
Cùng với 3 quốc gia láng giềng Ấn Ðộ, cường quốc châu Á còn muốn đặt cơ sở hậu cần quân sự tại Thái Lan, Singapore, Indonesia, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất, Kenya, Seychelles, Tanzania, Angola và Tajikistan. Trung Quốc cũng có thể đã đàm phán với Namibia, Vanuatu và quần đảo Solomon. Lầu Năm Góc lưu ý trọng tâm trong kế hoạch của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) chính là tuyến liên lạc từ đại lục đến eo biển Hormuz, châu Phi và các đảo Thái Bình Dương.
 
Theo cơ quan quốc phòng Mỹ, Bắc Kinh đã nhận ra việc duy trì quan hệ ổn định lâu dài với quốc gia chủ nhà là hết sức quan trọng cho sự thành công của các cơ sở hậu cần quân sự. Vì vậy, phương hướng tiếp cận của PLA có thể bắt đầu từ việc xem xét những địa điểm khác nhau, tiếp cận nhiều quốc gia nhưng sau đó chỉ xúc tiến đàm phán đầu tư hạ tầng, thỏa thuận thăm viếng quân sự, tiến tới xây dựng căn cứ với những nước đóng vai trò thiết yếu trong điều chỉnh hoạt động quân sự của Trung Quốc.
 
Tương tự, Bắc Kinh cũng đang sử dụng sáng kiến “Vành đai, Con đường” (BRI) để củng cố chiến lược trẻ hóa quốc gia, thông qua kế hoạch mở rộng các nút giao thông và thương mại trên toàn cầu; hỗ trợ sự phát triển và hội nhập kinh tế sâu rộng với những nước nằm ngoài tuyến BRI và xa hơn về phía Tây -Nam nhằm đảm bảo sự ổn định, giảm thiểu mối đe dọa dọc biên giới.
 
Trước đây, nhiều học giả Trung Quốc khẳng định căn cứ ở nước ngoài giúp nước này triển khai lực lượng và hỗ trợ kịp thời khi nảy sinh xung đột quân sự, gởi đi thông điệp ngoại giao, thay đổi chính trị, thúc đẩy hợp tác song phương, đa phương và công tác huấn luyện. Ngoài những mục tiêu này, Lầu Năm Góc cảnh báo các cơ sở quân sự tiềm năng trên toàn cầu của PLA một khi phát triển và thành hình, mạng lưới này sẽ cho phép Trung Quốc mở rộng khả năng giám sát tình báo, can thiệp quân sự và giành lợi thế trong những chiến dịch đối phó Mỹ.
 
* Palau giục Mỹ lập căn cứ
 
Trong chuyến thăm Palau hồi tuần rồi, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper cáo buộc Trung Quốc đang “gây ảnh hưởng xấu” và có nhiều hoạt động khiến khu vực Thái Bình Dương bất ổn. Sau đó, Tổng thống Palau Tommy Remengesau trong bức thư tay gửi tới Bộ trưởng Esper đã bày tỏ hoanh nghênh quân đội Mỹ đến xây dựng căn cứ quân sự chung ở đảo quốc nhỏ bé này.
 
Theo đó, Palau sẵn sàng cung cấp các căn cứ trên đất liền, bến cảng và sân bay. Ngoài ra, Tổng thống Remengesau còn gợi ý Washington triển khai lực lượng đến đây để hỗ trợ tuần tra khu bảo tồn biển có diện tích gần bằng Tây Ban Nha.
 
Nằm trong khu vực “nóng” mà chính quyền Tổng thống Donald Trump đang muốn đẩy lùi ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc, Palau là quốc gia độc lập nhưng không có quân đội. Thay vào đó, Mỹ có quyền tiếp cận và chịu trách nhiệm bảo vệ đảo quốc này theo Hiệp ước Liên kết Tự do (COFA). Dù vậy, quân đội Mỹ lại không có lực lượng đóng quân thường trực tại đây. “Chúng ta nên sử dụng COFA để thiết lập sự hiện diện quân sự thường trực của Mỹ ở Palau” - Tổng thống Remengesau nhấn mạnh.
 
MAI QUYÊN - (baocantho.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Thế Giới