Ngoại trưởng Nga Lavrov (giữa) cùng 2 người đồng cấp Armenia Mnatsakanyan (phải) và Azerbaijan Bayramov hôm 9-10 tại Mát-Xcơ-va. Ảnh: Bộ Ngoại giao Nga
Cuộc đàm phán cấp cao đầu tiên giữa Armenia và Azerbaijan diễn ra hôm 9-10 tại Mát-xcơ-va do ngoại trưởng 2 nước dẫn đầu với sự góp mặt của Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov. Sau 10 giờ đàm phán căng thẳng giữa lúc chiến sự tại Nagorno-Karabakh vẫn tiếp diễn, Ngoại trưởng Armenia Zohrab Mnatsakanyan và người đồng cấp Azerbaijan Jeyhun Bayramov đã thống nhất kế hoạch ngừng bắn 4 điểm. Trong đó, các bên tham chiến sẽ ngưng các hành động thù địch trên cơ sở nhân đạo nhằm trao đổi tù binh và thu gom thi thể dưới tiêu chí do Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế thiết lập. Armenia và Azerbaijan đồng thời cam kết đàm phán xây dựng hiệp ước hòa bình bền vững trong khuôn khổ Nhóm Minsk thuộc Tổ chức An ninh và hợp tác châu Âu (OSCE).
►Vai trò duy nhất của Nga
Kết quả cuộc đàm phán trên được Ngoại trưởng Nga Lavrov công bố trong buổi họp báo sáng 10-10 nhưng không có sự hiện diện của 2 lãnh đạo ngoại giao Armenia và Azerbaijan. Ông Lavrov đặc biệt nhấn mạnh Yerevan và Baku sẽ bắt đầu “các cuộc đàm phán thực chất với mục đích đạt được giải pháp hòa bình sớm nhất có thể”.
Trước khi 2 ông Mnatsakanyan và Bayramov đến Mát-xcơ-va đàm phán theo lời mời của Tổng thống Nga Vladimir Putin, các nhà ngoại giao Nga, Pháp và Mỹ trong vai trò đồng chủ tịch Nhóm Minks đã có những nỗ lực trung gian hòa giải tại Geneva (Thụy Sĩ) mà không có đại diện của Armenia tham dự. Trong khi đó, từ tối 8-10, Ðiện Kremlin cho biết sau một loạt cuộc điện đàm với Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan và Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev, Tổng thống Putin kêu gọi chấm dứt các hành động thù địch ở Nagorny-Karabakh để trao đổi tù binh và thi thể những người thiệt mạng. Hãng CNN trước đó nhận định rằng Nga là nước duy nhất có thể giúp ngăn chặn cuộc xung đột vũ trang hiện nay giữa 2 quốc gia từng thuộc Liên Xô cũ.
Nếu được thực thi, thỏa thuận ngừng bắn giữa Yerevan và Baka đánh dấu một thành quả ngoại giao lớn của ông Putin và nước Nga, quốc gia có hiệp ước an ninh với Armenia nhưng đồng thời vẫn vun đắp quan hệ nồng ấm với Azerbaijan. Ðã có những lo ngại cuộc xung đột vũ trang tại Nagorno-Karabakh sẽ biến thành cuộc chiến toàn diện có thể lôi kéo Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và thậm chí Iran vào cuộc. Theo New York Times, Tổng thống Putin đã cảnh báo Nga có thể tuân thủ hiệp ước an ninh chung với Armenia nếu chiến sự tại Nagorny-Karabakh lan rộng.
►Thổ Nhĩ Kỳ muốn vào Nhóm Minks
Mối quan hệ chiến lược với Thổ Nhĩ Kỳ cũng là yếu tố quan trọng giúp Nga thúc đẩy Azerbaijan ngồi vào bàn đàm phán với Armenia. Hãng tin AP vì thế đánh giá lệnh ngừng bắn ở Nagorno-Karabakh có thể cho phép Nga ngăn chặn tham vọng của Thổ Nhì Kỳ mở rộng tầm ảnh hưởng vào “sân sau” truyền thống của Mát-xcơ-va mà không làm tan rã mối quan hệ chiến lược đầy thực dụng với Ankara.
Azerbaijan là quốc gia đồng minh gần gũi, lại có quan hệ chủng tộc với Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên Ankara trực tiếp can dự vào cuộc xung đột vũ trang ở Nagorno-Karabakh, vùng lãnh thổ nằm cách Thổ Nhĩ Kỳ khoảng 60km. Không chỉ ủng hộ về mặt chính trị, Thổ Nhĩ Kỳ được cho hỗ trợ vũ khí tiên tiến cho Azerbaijan, trong đó có chiến đấu cơ không người lái và hệ thống rocket.
Cuộc chiến tại Nagorno-Karabakh trong giai đoạn 1991-1994 đã làm khoảng 30.000 người thiệt mạng, gần 1 triệu người chạy lánh nạn và kết thúc bằng một thỏa thuận ngừng bắn mong manh, nhiều lần bị vi phạm. Thỏa thuận đó có vai trò quan trọng của Nhóm Minks do OSCE thành lập năm 1992. Nhóm này ra đời nhằm thúc đẩy đàm phán hòa bình giải quyết cuộc xung đột giữa Azerbaijan và Armenia về Nagorno-Karabakh.
Trong thỏa thuận ngừng bắn vừa đạt được, cả Armenia và Azerbaijan đều cam kết duy trì đàm phán hòa bình trong khuôn khổ Nhóm Minks. Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ muốn tham gia với tư cách đồng chủ tịch nhóm cùng với Nga, Pháp và Mỹ. Nếu ý nguyện của Ankaka không được đáp ứng, dư luận lo ngại lệnh ngừng bắn khó thực thi và tiến trình đàm phán hòa bình cho Nagorno-Karabakh cũng khó tạo đột phá.
Nagorno-Karabakh là vùng lãnh thổ tự tuyên bố độc lập năm 1992 với thủ đô là Stepanakert nhưng không được quốc tế công nhận, kể cả Armenia. Khu vực này nằm sâu trong phía Tây Nam và chiếm 20% lãnh thổ của Azerbaijan, nhưng có đa số dân cư là người gốc Armenia sinh sống và muốn sáp nhập vào Armenia. Ngân sách của vùng lãnh thổ này phụ thuộc vào sự đóng góp của cộng đồng ngưởi Armenia ở
bên ngoài.
Phía Armenia hôm 9-10 cho biết từ khi nổ ra xung đột tại Nagorno-Karabakh hôm 27-9, nước này có 367 binh sĩ và 22 dân thường thiệt mạng. Azerbaijan không tiết lộ thiệt hại về quân sự, chỉ cho biết nước này có 31 dân thường thiệt mạng và 178 người khác bị thương. Đây là cuộc xung đột tồi tệ nhất ở Nagorno-Karabakh kể từ năm 1994.
KIẾN HÒA - (baocantho.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)