Khẩu trang y tế ngập tràn đại dương

Chủ nhật, 13 Tháng 12 2020 15:49 (GMT+7)
Khẩu trang giữ vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn sự lây lan của đại dịch COVID-19 nhưng đồng thời đang tạo ra mối đe dọa rất lớn đối với môi trường khi một ước tính cho thấy đã có hơn 1,56 tỉ chiếc khẩu trang được thải ra đại dương chỉ trong năm nay.
Cần 450 năm mới phân hủy hết
Ông Gary Stokes cùng với số khẩu trang được nhặt tại một bờ biển. Ảnh: OceansAsia
Ông Gary Stokes cùng với số khẩu trang được nhặt tại một bờ biển. Ảnh: OceansAsia
 
Báo cáo mới đây của tổ chức bảo vệ môi trường OceansAsia (Hong Kong) cho biết số khẩu trang nói trên sẽ tạo ra 4.680-6.240 tấn rác thải nhựa trên biển. Đáng lo ngại, số khẩu trang này sẽ mất tới 450 năm mới có thể bị phân hủy và có tác động tiêu cực đối với hệ sinh thái và động vật biển, bởi chúng có thể giải phóng vi nhựa khi phân hủy.
 
Teale Phelps Bondaroff, Giám đốc nghiên cứu của OceansAsia đồng thời là tác giả chính của báo cáo, lo ngại số khẩu trang nói trên chỉ là phần nổi của tảng băng trôi. “4.680-6.240 tấn khẩu trang chỉ là một phần nhỏ trong con số ước tính từ 8-12 triệu tấn nhựa được thải vào đại dương chúng ta mỗi năm” - Bondaroff  cho hay.
 
Được biết, thành phần chính của khẩu trang dùng một lần là nhựa nhiệt dẻo polypropylene, loại nhựa có nguồn gốc từ nhiên liệu hóa thạch và khẩu trang là loại vật dụng không thể tái chế. “Do khẩu trang dùng một lần như khẩu trang N95 hay khẩu trang y tế được chế tạo bằng nhiều loại vật liệu khác nhau cùng với nhiều loại kim loại khó tách rời, chúng không thích hợp để tái chế hoặc bỏ vào thùng tái chế để tránh làm ô nhiễm các món đồ tái chế khác” - Bộ trưởng Môi trường Hong Kong Wong Kam-sing giải thích.
 
Do đó, OceansAsia kêu gọi mọi người chuyển sang sử dụng khẩu trang tái sử dụng, yêu cầu chính phủ các nước triển khai chính sách khuyến khích sử dụng loại khẩu trang này; phát triển các giải pháp thay thế bền vững đối với khẩu trang nhựa sử dụng một lần. Song, đây được xem là nhiệm vụ đầy khó khăn, bởi một cuộc khảo sát về đeo khẩu trang do trang web so sánh tài chính Finder.com thực hiện hồi tháng 9 cho thấy, khẩu trang y tế dùng một lần là loại phổ biến nhất khi mà 47% người trưởng thành sở hữu ít nhất một chiếc dù chính phủ các nước cũng như giới chức y tế ủng hộ việc sử dụng khẩu trang vải, vốn có thể giặt và tái sử dụng nhiều lần.
 
Hiện một số công ty đang nghiên cứu sản xuất khẩu trang bằng vật liệu bền vững hoặc có thể phân hủy sinh học nhằm giúp giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa.
 
Bùng nổ rác thải nhựa mùa COVID
 
Theo Gary Stokes, Giám đốc hoạt động của OceansAsia, tiêu thụ đồ nhựa, đặc biệt là bao bì nhựa, gia tăng đáng kể kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát trong bối cảnh một số biện pháp nhằm cắt giảm tiêu thụ nhựa, như lệnh cấm sử dụng túi nhựa một lần bị trì hoãn hoặc tạm dừng. Đơn cử như tại Ý, nhu cầu mua quýt đóng gói đầu tháng 3 tăng 111% so với cùng kỳ năm trước. Còn tại Hong Kong, một ước tính cho thấy người dân xứ Cảng Thơm đã thải ra 101 triệu bộ dụng cụ ăn nhựa và hộp đựng thực phẩm dùng một lần vào tháng 4 khi các nhà hàng buộc phải hạn chế hoặc ngưng phục vụ tại chỗ.
 
Ông Stokes cho biết ô nhiễm rác thải nhựa mỗi năm giết chết khoảng 100.000 động vật có vú ở biển và rùa, hơn một triệu loài chim biển, một lượng lớn các loài cá, động vật không xương sống cũng như các loài động vật khác; tác động tiêu cực đến nghề đánh bắt cá và ngành du lịch, đồng thời gây thiệt hại cho nền kinh tế toàn cầu lên đến 13 tỉ USD mỗi năm.
 
Ngoài ra, ô nhiễm rác thải nhựa cũng gây tổn hại đến sức khỏe con người, bởi chất độc từ nhựa đi vào thịt và nội tạng của cá nhưng cá lại là món khoái khẩu của con người.
 
HOÀNG NAM - (baocantho.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Thế Giới