Mỹ, Trung “đụng độ” ngoại giao vaccine

Chủ nhật, 31 Tháng 1 2021 07:09 (GMT+7)
Các quốc gia Trung Đông và Bắc Phi đang phân vân nên chọn vaccine COVID-19 do Hãng dược Pfizer (Mỹ) phát triển hay do Sinopharm (Trung Quốc) bào chế.
Cạnh tranh quyết liệt
Nhân viên y tế Israel chuẩn bị tiêm vaccine do Pfizer phát triển cho người dân. Ảnh: AFP
Nhân viên y tế Israel chuẩn bị tiêm vaccine do Pfizer phát triển cho người dân. Ảnh: AFP
 
Những ngày gần đây, Chính phủ Israel đã công bố tài liệu cho thấy sự hợp tác của nước này với Pfizer trong chiến dịch tiêm chủng. Theo đó, hơn 25% trong số 9 triệu dân Israel đã được tiêm chủng vaccine COVID-19 do Pfizer phát triển. Đổi lại, Israel cung cấp cho hãng dược xứ cờ hoa dữ liệu về tính hiệu quả cũng như tác dụng phụ tiềm ẩn của vaccine dựa trên các chỉ số về tuổi tác và tiền sử bệnh.
 
Sự hợp tác sâu rộng trên không có gì đáng ngạc nhiên khi Israel là đồng minh chiến lược chính của Mỹ tại khu vực. Ngoài ra, Nhà nước Do Thái cũng đã đặt mua hàng triệu liều vaccine do một hãng dược khác của Mỹ là Moderna phát triển.
 
Các quốc gia khác ở Trung Đông như Saudi Arabia, Qatar, Kuwait và Oman cũng đặt mua một lượng lớn vaccine của Pfizer. Trong khi đó, các nước Iraq, Jordan, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Bahrain thì chọn vaccine của cả Pfizer và Sinopharm. Đặc biệt, vaccine của Sinopharm cũng được các đồng minh Mỹ khác tại khu vực như Ai Cập và Morocco đặt mua. Giới phân tích cho rằng sự hợp tác này có thể là nhằm mở đường cho việc thành lập các trung tâm sản xuất và phân phối vaccine của Trung Quốc ở Trung Đông và Bắc Phi.
 
Trung Quốc trở mình nhờ ông Trump?
 
Theo Yahia Zoubir, chuyên gia về quan hệ giữa Trung Quốc và thế giới Arab, quyết định mua vaccine của nước nào phụ thuộc vào nhiều yếu tố, gồm giá cả và yêu cầu bảo quản. Trong khi vaccine của Pfizer cần được bảo quản ở nhiệt độ âm 70°C, vaccine của Sinopharm lại chỉ cần bảo quản ở nhiệt độ từ 2-8°C.
 
Tuy nhiên, yếu tố chính trị đóng vai trò quan trọng không kém. Kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã “tự cô lập”, trong khi Trung Quốc lại thúc đẩy “ngoại giao y tế” một cách tích cực và hợp tác hơn.
 
Theo đó, Bắc Kinh xuất khẩu hàng triệu chiếc khẩu trang và quần áo bảo hộ sang Trung Đông, Bắc Phi và nhiều nơi khác, cung cấp máy thở, thậm chí tổ chức các cuộc hội thảo trực tuyến với các cơ quan y tế của nhiều quốc gia. “Ngày nay, với con đường tơ lụa mới, Trung Quốc cũng sẽ có một con đường tơ lụa y tế. Y tế đang trở thành một phần trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc, cho phép nước này mở rộng quan hệ đối tác tại khu vực chiếm một nửa lượng dầu nhập khẩu của Bắc Kinh” - ông Zoubir cho biết.
 
Jonathan Fulton, chuyên gia về quan hệ Trung Quốc - Trung Đông tại Đại học Zayed (UAE), cho biết các đồng minh và đối tác của Mỹ đang chịu nhiều áp lực không hợp tác với Trung Quốc trong vấn đề vaccine.
Tuy nhiên, việc Bắc Kinh nhanh chóng trở mình từ “nạn nhân” bị chỉ trích che giấu dịch bệnh  sang “đối tác đáng tin cậy” của các nước trong khu vực chính là “nhờ” sự lúng túng của Mỹ trong việc phản ứng trước đại dịch, cũng như việc Washington hầu như vắng bóng trong cuộc đua ngoại giao vaccine, chủ yếu là do chính sách “Nước Mỹ trên hết” của ông Trump.
 
Anh, Nga, Ấn “chia phần”
Tham gia vào cuộc đua ngoại giao vaccine ở Trung Đông và Bắc Phi còn có Anh, Nga và Ấn Độ. Trong khi vaccine AstraZeneca do Đại học Oxford (Anh) điều chế được nhiều quốc gia trong khu vực tin dùng, Nga cũng đang đẩy mạnh quảng bá vaccine Sputnik V. Algeria, đồng minh lâu năm của Nga, đã mua vaccine Sinopharm và Sputnik V, bởi có giá rẻ hơn vaccine do phương Tây sản xuất dù độ tin cậy cho đến nay vẫn còn là nghi vấn. 
 
Trong khi đó, Iran từ chối mua vaccine của phương Tây và cho biết sẽ tin dùng vaccine của Ấn Độ, Trung Quốc hoặc Nga, đồng thời tự điều chế vacccine trong bối cảnh Cộng hòa Hồi giáo đang bị COVID-19 ảnh hưởng nặng nề nhất khu vực.
TRÍ VĂN - (baocantho.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Thế Giới