Thành công của bóng đá Việt Nam đã giúp các cầu thủ nhận được những phần thưởng xứng đáng. Trong ảnh: Các cầu thủ đội tuyển bóng đá nam Việt Nam ăn mừng bàn thắng. Ảnh: QUANG MINH
Niềm vui chiến thắng
Không tính năm 2003 là nước chủ nhà và dẫn đầu bảng xếp hạng huy chương thì kể từ năm 2009, thể thao Việt Nam mới có hai lần đứng thứ hai trên bảng xếp hạng huy chương sau khi chúng ta giành được 98 Huy chương vàng, 85 Huy chương bạc và 104 Huy chương đồng ở SEA Games 30 tổ chức tại Phi-li-pin vừa qua. Thành tích này là rất ấn tượng bởi năm 2009 ở Viêng-chăn (Lào), chúng ta chỉ giành được 83 Huy chương vàng, 75 Huy chương bạc, 57 Huy chương đồng và đứng sau Thái-lan. Nổi bật nhất chính là việc lần đầu bóng đá Việt Nam toàn thắng ở SEA Games khi giành cả hai Huy chương vàng, trong đó đội U22 có Huy chương vàng đầu tiên của nam sau năm lần thất bại ở trận chung kết, còn đội tuyển nữ vượt qua Thái-lan để dẫn đầu với sáu lần vô địch.
Nhờ vậy, trong và sau SEA Games 30, bóng đá Việt Nam đã nhận được “cơn mưa” thưởng bằng tiền mặt và hiện vật. Tính đến nay, số tiền thưởng dành cho đội U22 Việt Nam là khoảng 15 tỷ đồng (cả tiền mặt và hiện vật), trong khi đội tuyển nữ là 22 tỷ đồng cùng một số hiện vật và dịch vụ từ các đơn vị, cá nhân. Nên nói thêm, đó là chưa kể mức thưởng theo quy định của Nhà nước.
Một chút chạnh lòng nếu VĐV của các bộ môn khác, dù đó là bơi với 10 Huy chương vàng, điền kinh với 16 Huy chương vàng, vật với 12 Huy chương vàng, nhìn vào số tiền thưởng dành cho bóng đá nhưng thực tế không hoàn toàn như vậy. Theo Nghị định số 152/2018/NĐ-CP ngày 7-11-2018 của Chính phủ quy định một số chế độ đối với huấn luyện viên (HLV), VĐV thể thao trong thời gian tập trung tập huấn, thi đấu, mức thưởng dành cho một Huy chương vàng tại SEA Games là 45 triệu đồng, Huy chương bạc là 25 triệu đồng, Huy chương đồng là 20 triệu đồng. Trong trường hợp VĐV hoặc đội tuyển phá kỷ lục SEA Games sẽ được nhận thêm 20 triệu đồng nữa. Vì thế, nếu tính con số 98 Huy chương vàng, 85 Huy chương bạc và 104 Huy chương đồng ở SEA Games 30, đoàn thể thao Việt Nam sẽ nhận được gần 25 tỷ đồng.
Ngoài ra, các VĐV còn được thưởng nóng 25 triệu đồng, tám triệu đồng và hai triệu đồng cho mỗi tấm Huy chương vàng, bạc, đồng ngay tại SEA Games 30. Bên cạnh đó là tiền thưởng của các địa phương, ngành cho HLV, VĐV của mình giành được huy chương. Tất cả mang đến một khoản thu nhập đáng kể cho những con người đã làm rạng danh đất nước trên đấu trường khu vực, cũng như là sự ghi nhận những nỗ lực mà họ bỏ ra trên sàn tập, sàn đấu.
Có điều, vấn đề đặt ra ở đây là tại sao hàng chục doanh nghiệp, cá nhân sẵn sàng tặng tiền mặt, hiện vật cho mỗi tấm huy chương, cho các đội tuyển, cá nhân VĐV mà lại không đầu tư vào thể thao, quan tâm nhiều hơn đến cuộc sống của VĐV.
Nỗi lo hiện tại
Đằng sau SEA Games hay những giải đấu mang tầm châu lục, thế giới luôn là nỗi lo lớn về sự phát triển bền vững của thể thao Việt Nam. Với VĐV, sự nghiệp thi đấu của họ thường không dài, trong khi SEA Games phải hai năm mới diễn ra một lần, ASIAD (Đại hội thể thao châu Á) và Ô-lim-pích là bốn năm diễn ra một lần. Nếu chỉ tính SEA Games thì khoảng thời gian giữa hai kỳ đại hội là hơn 700 ngày để các HLV, VĐV tập luyện, đổ mồ hôi, nước mắt, thậm chí là máu, và chờ đến thời điểm thi đấu, cơ hội giành huy chương. Điều đáng nói là không phải ai trong số 856 VĐV ở 43 môn cũng giành được huy chương, chưa nói đến Huy chương vàng hay phá kỷ lục SEA Games.
Quay trở lại với câu hỏi tại sao hàng chục doanh nghiệp, cá nhân không sẵn sàng đầu tư vào thể thao nhiều hơn, quan tâm đến cuộc sống của VĐV thì việc ngành thể thao năm nào cũng trong tình trạng thiếu ngân sách đã khiến chúng ta không thể duy trì và nâng cao thành tích của VĐV hơn nữa. Thí dụ ở bóng đá nữ, đằng sau số tiền thưởng 22 tỷ đồng cho thành tích ở SEA Games là mức lương “công nhân” của mỗi cầu thủ khi họ trở về thi đấu ở giải vô địch quốc gia hằng năm. Nghĩa là nếu không có SEA Games, thật khó để họ sống được bằng nghề, khi tổng số trận đấu mỗi năm của bóng đá nữ chỉ khoảng 20 trận.
Không có gì ngạc nhiên khi bóng đá nữ Việt Nam hiện đang giữ vị trí số 1 khu vực Đông - Nam Á, với sáu Huy chương vàng SEA Games và ba lần vô địch AFF Cup, chúng ta chưa một lần dự World Cup. Để so sánh, bóng đá nữ Thái-lan có hai lần dự World Cup. Như vậy có thể thấy rằng, nếu cuộc sống của các cầu thủ nữ còn nhiều khó khăn, Việt Nam sẽ khó cải thiện được chất lượng thi đấu và đạt thành tích tốt hơn ngoài khu vực.
Hay như trường hợp của VĐV bắn súng Hoàng Xuân Vinh, người đã giành một Huy chương vàng, một Huy chương bạc tại Ô-lim-pích 2016 ở Bra-xin. Sau khi nhận được số tiền thưởng rất lớn là hơn năm tỷ đồng, thành tích của anh đi xuống kể từ đó. Nguyên nhân là ba năm qua hay trong nhiều năm như vậy, bắn súng Việt Nam vẫn trong cảnh tập chay, thiếu đạn, chưa có được một trường bắn đạt tiêu chuẩn quốc tế. Đây cũng chính là tình trạng chung của nhiều môn thể thao khi nhà tập cũ, trang thiết bị không đủ, điều kiện tập luyện không bảo đảm, dẫn đến ảnh hưởng việc nâng cao trình độ và công tác đào tạo lứa VĐV trẻ.
Vì thế, bên cạnh sự quan tâm của Nhà nước, địa phương, thể thao Việt Nam cũng rất cần các doanh nghiệp, cá nhân dành thời gian, công sức đầu tư vào thể thao. Bởi thể thao không chỉ rèn luyện, nâng cao sức khỏe, tầm vóc, thể lực người Việt Nam, mà còn giúp quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới. Những vất vả, hy sinh của các HLV, VĐV sẽ không thành công trọn vẹn nếu thiếu sự hỗ trợ về mặt tinh thần, vật chất của Nhà nước, xã hội và trên tất cả là vì một nền thể thao phát triển bền vững, không chỉ biết trông vào tiền thưởng.
“Đến thời điểm này, Việt Nam mới có bốn VĐV đạt chuẩn tham dự Ô-lim-pích 2020, trong đó có kình ngư Nguyễn Huy Hoàng, VĐV thể dục dụng cụ Lê Thanh Tùng. Vì vậy, mục tiêu có 20 VĐV đến được Ô-lim-pích Tô-ki-ô là hết sức khó khăn”.
HOÀNG QUỐC VINH
Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao I, Tổng cục Thể dục - Thể thao
MẠNH HÀO - (nhandan.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)