Giám đốc điều hành Olympic Tokyo 2020 Toshiro Muto, sáng 17-7 đã xác nhận với hãng tin Reuters về việc 1 ca dương tính với SARS-CoV-2 được phát hiện tại Làng Thế vận (khu phức hợp gồm 21 tòa nhà và 3.800 căn hộ phục vụ việc lưu trú của 18.000 VĐV, HLV của các đoàn). Ông Toshiro Muto không nói rõ đây là thành viên của đoàn nào nhưng sự xuất hiện của ca mắc này chắc chắn sẽ làm tăng thêm nỗi lo về việc lây nhiễm, trong bối cảnh các đoàn quốc tế lần lượt đến Nhật Bản và gia nhập Làng Thế vận trong vài ngày tới.
Trước đó ít ngày, ngay tại khách sạn ở TP Hamamatsu phía Tây Nam Tokyo, nơi trú ngụ của đoàn thể thao Brazil, lực lượng y tế đã phát hiện 7 nhân viên của khách sạn có kết quả dương tính với SARS-CoV-2 trong quy trình xét nghiệm thường xuyên tại đây. Tất nhiên, 31 thành viên của đoàn thể thao Brazil luôn trong trạng thái "bong bóng bảo vệ" của khách sạn, tách biệt với mọi khách khác để không bị lây nhiễm.
Trưởng Ban Tổ chức Olympic Tokyo Seiko Hashimoto và Giám đốc Làng Thế vận Saburo Kawabuchi trong ngày khánh thành làng Ảnh: REUTERS
Đây mới chỉ là 2 trong số các trường hợp có thể được nâng lên thành lời cảnh báo dành cho 205 đoàn thể thao quốc tế tham dự Olympic Tokyo (diễn ra từ ngày 23-7 đến 8-8-2021). Dù đã phải dời hoãn 1 năm vì dịch bệnh bùng phát trên toàn cầu nhưng cho đến thời điểm hiện tại, đại đa số người dân Nhật Bản đã biểu thị thái độ không đồng tình với việc tổ chức kỳ đại hội này trên quê hương họ.
Theo thống kê của trang web World In Our Data, chỉ có khoảng 31% dân số Nhật đã được tiêm ít nhất 1 mũi vắc-xin ngừa Covid-19. Vì vậy, họ lo ngại việc gần 20.000 người đổ đến Tokyo thời điểm này sẽ làm căng thẳng thêm sức chịu đựng của hệ thống y tế Nhật Bản. Thậm chí, hôm 12-7 vừa qua, toàn thủ đô Tokyo đã được đặt vào tình trạng khẩn cấp lần thứ 4 và kéo dài đến ngày 22-8. Điều này đồng nghĩa với việc trong suốt thời gian diễn ra Olympic, thủ đô Tokyo sẽ phải chịu các biện pháp hạn chế và nếu tình hình được cải thiện, nó sẽ chỉ được dỡ bỏ 2 ngày trước khi diễn ra Paralympic Tokyo.
Đó là lý do để lần thứ 2 Olympic quay lại Tokyo sau 57 năm, người dân nước chủ nhà sẽ không được phép vào sân tại hầu hết các địa điểm thi đấu. Lệnh cấm này cũng đã được áp dụng với khán giả nước ngoài, khiến Olympic Tokyo 2020 trở thành sự kiện đặc biệt nhất trong lịch sử. Chính quyền kêu gọi người dân theo dõi Olympic qua truyền hình, VĐV khi đạt thành tích sẽ không được phép bắt tay, ôm hôn đồng nghiệp cũng như đối thủ, phải tự đeo huy chương trong khi bản thân phải đeo khẩu trang trong suốt buổi lễ… Đó là những nét mới hết sức đặc thù của kỳ thế vận hội này.
Có thể xem đây là các giải pháp khả dĩ nhằm hạn chế tối đa nguy cơ dịch bệnh xảy ra ở Olympic Tokyo, khác hẳn với những gì cả thế giới được chứng kiến về việc hàng vạn khán giả được vào sân tại Euro 2020 mới đây. Đa số các môn thể thao tranh tài tại Olympic đều theo thể thức đối kháng, các VĐV phải tiếp xúc trực tiếp trong khoảng thời gian dài, chưa kể một số môn như bóng chuyền, bóng bàn phải diễn ra trong không gian hẹp của nhà thi đấu, kể cả phải sử dụng điều hòa nhiệt độ, vốn được xem là môi trường rất dễ phát tán virus. Vì thế, nếu chẳng may xuất hiện một ca mắc, sẽ rất khó để khoanh vùng kịp thời và ngăn chặn.