Thêm nhiều kỹ thuật cao điều trị hiếm muộn

Thứ hai, 30 Tháng 7 2018 14:28 (GMT+7)
Nhằm nâng cao hiệu quả điều trị cho các cặp vợ chồng muộn con, Bệnh viện (BV) Phụ sản TP Cần Thơ đã liên tiếp triển khai nhiều kỹ thuật cao, đáp ứng nhu cầu không chỉ của người dân địa phương mà ở cả các tỉnh ĐBSCL.

Bác sĩ Nguyễn Phan Vinh tư vấn cho khách hàng các biện pháp hỗ trợ sinh sản. 

Suốt 10 năm mòn mỏi mong con, vợ chồng chị D.Th.Th.H (32 tuổi, ở tỉnh Hậu Giang) mới trọn niềm vui nhờ sự hỗ trợ của các bác sĩ BV Phụ sản TP Cần Thơ. Chị H. kể, cưới nhau khi tuổi còn trẻ, 2 năm sau anh chị mới tính đến chuyện sinh con. Nhưng không như ý muốn, hơn 1 năm mà hai vợ chồng không có tin vui. Thế là anh chị tìm uống thuốc nam thuốc bắc, nhưng vẫn không có kết quả. Cuối cùng, anh chị lên BV Từ Dũ để thăm khám. Tuy nhiên, qua một năm uống thuốc vẫn không có kết quả, bác sĩ tư vấn anh chị nên can thiệp điều trị. Lúc đó hai vợ chồng còn trẻ, không đủ điều kiện kinh tế nên hoãn lại. Đến năm 2015, qua các phương tiện thông tin đại chúng, anh chị biết BV Phụ sản TP Cần Thơ có thực hiện điều trị thụ tinh trong ống nghiệm (TTTON) hiệu quả nên tìm đến. Cùng với sự đồng hành của các y bác sĩ BV, sau 2 lần chuyển phôi thất bại, đến năm 2017, anh chị đạt ý nguyện. Kết quả, tháng 6-2018, chị H. hạ sinh bé trai 3,2kg khỏe mạnh. Niềm hạnh phúc của anh chị cũng là niềm vui của các y bác sĩ tận tâm trên hành trình “tìm con” cho đôi vợ chồng hiếm muộn.

Thạc sĩ – bác sĩ Nguyễn Phan Vinh, Phó Trưởng Khoa Hiếm muộn, BV Phụ sản TP Cần Thơ cho biết, niềm hạnh phúc của các cặp vợ chồng được điều trị thành công là động lực để tập thể khoa nỗ lực nhiều hơn trong công tác chuyên môn. Kết quả đáng ghi nhận hơn cả trong 6 tháng đầu năm 2018, tỷ lệ điều trị thành công cho các cặp vợ chồng đạt khoảng 50%, tăng 15% so với tỷ lệ trung bình chung trong thời gian từ năm 2010 đến năm 2017. Theo bác sĩ Nguyễn Phan Vinh, thành công nổi bật đó nhờ vào việc BV chú trọng nâng cao chất lượng chuyên môn, đặc biệt, thường xuyên triển khai nhiều kỹ thuật cao. Cuối năm 2017, BV triển khai Ngân hàng tinh trùng, hỗ trợ điều trị cho các cặp vợ chồng có nguyên nhân hiếm muộn chủ yếu do người chồng. Những trường hợp này, qua các xét nghiệm tinh dịch đồ, cho thấy tinh trùng yếu, ít hoặc không có, bệnh nhân có nhu cầu xin tinh trùng thì sẽ được thực hiện tại khoa. Tuy nhiên, để tiếp cận được dịch vụ này, đòi hỏi điều kiện là cặp vợ chồng phải vận động được một người hiến tinh trùng để bù vào lượng tinh trùng Ngân hàng xuất ra.

Thực tế điều trị vô sinh tại Khoa Hiếm muộn BV Phụ sản TP Cần Thơ, rất nhiều bệnh nhân có nhu cầu được hỗ trợ từ Ngân hàng tinh trùng. Nếu như trước đây, người bệnh phải lên tuyến trên thì hiện nay với Ngân hàng tinh trùng tại Khoa Hiếm muộn, các cặp vợ chồng thuận lợi hơn rất nhiều trong việc tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ điều trị hiếm muộn toàn diện. Lợi ích khác từ Ngân hàng tinh trùng, đó là giúp lưu trữ tự thân tinh trùng, cho trường hợp những người chồng không thể có mặt thường xuyên đồng hành cùng vợ trong quá trình can thiệp điều trị hoặc người chồng mắc bệnh, cần trữ trước tinh trùng phòng hờ trường hợp vợ muốn thực hiện TTTON. Mới đây, Khoa Hiếm muộn thực hiện thành công một ca trữ mẫu vào Ngân hàng tinh trùng cho người chồng phải đi nước ngoài công tác lâu dài. Đến thời điểm hợp lý, theo kế hoạch, người vợ sẽ đến lấy mẫu tinh trùng trữ, tiêm vào buồng tử cung để thực hiện TTTON.

Một kỹ thuật khác góp phần nâng cao hiệu quả điều trị hiếm muộn, tạo bước đột phá cho Khoa Hiếm muộn là kỹ thuật nuôi cấy phôi ngày 5. Quy trình TTTON thường quy, việc nuôi cấy phôi chỉ kéo dài khoảng 2- 3 ngày, tính từ ngày vợ và chồng lấy trứng và tinh trùng cho thụ tinh với nhau, bắt đầu nuôi đến ngày thứ 3. Hiện nay, các trung tâm điều trị hiếm muộn thường nuôi cấy phôi tới ngày 2, tối đa ngày 3, sau đó kết thúc việc nuôi và chuyển phôi vào buồng tử cung hoặc đem trữ phôi chờ thời điểm thích hợp để chuyển. Một số trung tâm điều trị hiếm muộn lớn trong nước và thế giới tiếp tục nuôi phôi tới ngày 5. Muốn làm được điều này đòi hỏi phải có quy trình nghiêm ngặt, với phòng lab đạt điều kiện chuẩn về môi trường, được kiểm soát chất lượng ổn định đảm bảo việc nuôi cấy thành công, vì chỉ cần sơ sót nhỏ việc nuôi cấy sau ngày 3 sẽ thất bại.

Khoa Hiếm muộn đã đầu tư rất nhiều thiết bị hiện đại cũng như mỗi ngày kiểm tra chất lượng không khí chặt chẽ, xử lý ngay lập tức khi có sự cố. Nếu như phôi nuôi ngày 2 rồi chuyển thì tỷ lệ thành công đạt từ 35-40%, ngày 3 khoảng 45-50% thì việc nuôi cấy phôi ngày 5 cho tỷ lệ thai của lần chuyển phôi đó rất cao, tới 70% cho một lần chuyển. Có thể thấy, kỹ thuật nuôi cấy phôi ngày 5 là lựa chọn tốt cho các cặp vợ chồng, vừa giảm số lần chuyển phôi, vừa giảm chi phí và thời gian điều trị. Theo bác sĩ Vinh, sau khi triển khai từ giữa tháng 6-2018, khoa đã thực hiện nuôi cấy phôi ngày 5 cho 3 trường hợp, kết quả bước đầu cho thấy, chất lượng phôi cấy rất tốt.

Không dừng lại ở những kết quả đạt được, những tháng cuối năm 2018, Khoa Hiếm muộn tiếp tục triển khai thêm hai lĩnh vực nổi bật là Ngân hàng phôi và nam khoa. Ngân hàng phôi, mở ra cơ hội cho các cặp mà người chồng có tinh trùng rất yếu hoặc không có tinh trùng, đồng thời người vợ có chất lượng trứng rất kém hoặc không có trứng, khả năng sinh sản của họ là không có. Bên cạnh đó, lĩnh vực nam khoa sẽ được triển khai sớm, tập trung điều trị các bệnh lý nam khoa, điển hình là hai kỹ thuật chọc hút mào tinh (PESA) và phân lập mô tinh hoàn để lấy tinh trùng (TESE).

Nguồn: THU SƯƠNG - (baocantho.com.vn)
T/h: Tuyết Băng - (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Ngành Bệnh viện - Thiết bị Y tế