Do chậm trễ trong khâu đấu thầu nên tình trạng thiếu thuốc, thiếu vật tư, trang thiết bị y tế tại nhiều địa phương, nhiều bệnh viện trên cả nước, thậm chí ở bệnh viện tuyến trung ương, đến nay vẫn chưa được giải quyết triệt để.
Mới đây nhất, báo chí tiếp tục phản ánh tình trạng thiếu túi đựng máu ở Cần Thơ; nhiều bệnh nhân có BHYT ở tỉnh Bình Phước phải tự mua bông băng, kim tiêm. Ngoài ra, nhiều bệnh viện ở các tỉnh, thành phía Nam thiếu thuốc thiết yếu điều trị bệnh tay chân miệng, thiếu vắc-xin...
Bệnh viện thiếu thuốc điều trị, nhiều người bệnh phải tự bỏ tiền túi mua thuốc. Ảnh minh hoạ
Trước thông tin này, ông Lê Thành Công, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính (Bộ Y tế), cho biết thời gian qua, Nghị định 07, Nghị quyết 30 của Chính phủ và Thông tư 14 của Bộ đã tháo gỡ được nhiều vướng mắc trong đấu thầu vật tư, trang thiết bị tại các cơ sở y tế, nhất là với những vật tư, trang thiết bị có nhiều cấu hình và mức giá khác nhau.
Đại diện Bộ Y tế thừa nhận hiện nay có lúc, có nơi vẫn thiếu thuốc, vật tư là do tâm lý e ngại sau những vụ việc vi phạm về đấu thầu. "Ngày 31-12-2023, Nghị quyết 30 của Chính phủ hết hiệu lực, chúng ta sẽ chuyển sang áp dụng Luật đấu thầu mới có hiệu lực thi hành từ 1-1-2024, trong đó đã quy định nhiều hình thức mua sắm vật tư trang thiết bị. Chúng tôi đang phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để triển khai. Bộ Y tế đã gia hạn giấy phép đăng ký lưu hành đến năm 2024 đối với nhiều loại thuốc để đảm bảo nguồn thuốc đầu vào cho đơn vị cung ứng" - ông Công nói.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ngày 27-10, ông Lê Thanh Dũng, Giám đốc Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc quốc gia (Bộ Y tế), cho biết đối với các thuốc thuộc danh mục đấu thầu tập trung cấp quốc gia giai đoạn từ 1-9-2022 đến 31-8-2024 có kết quả trúng thầu, đến nay không xảy ra tình trạng thiếu thuốc, đảm bảo cung ứng đầy đủ tới các cơ sở y tế.
Đây là các thuốc generic nhóm 1, nhóm 2 và biệt dược có giá trị và số lượng sử dụng lớn, chủ yếu là các loại thuốc kháng sinh, tim mạch, thuốc điều trị ung thư, thuốc điều trị tiểu đường, thuốc kháng virus ARV.
Năm 2022 và đầu năm 2023, Hội đồng đàm phán giá đã đàm phán thành công đối với 64 thuốc biệt dược gốc với tỉ lệ giảm giá trung bình đạt 14,23% so với giá trúng thầu tại các cơ sở y tế trước đó (tương đương 2.035 tỉ đồng), thời gian thực hiện thỏa thuận cung ứng thuốc đến cuối năm 2024.
Ông Lê Thanh Dũng khẳng định đảm bảo cung ứng đủ thuốc tới các cơ sở y tế
Về việc cơ sở y tế thiếu thuốc có phải do nguyên nhân Bộ Y tế chậm có kết quả đấu thầu tập trung và đàm phán giá, ông Dũng cho biết Trung tâm chỉ tổ chức đấu thầu đối với các thuốc generic nhóm 1, nhóm 2 của 32 hoạt chất trong tổng số 1.226 hoạt chất thuộc danh mục thuốc đấu thầu. Tổng số thuốc đấu thầu tập trung quốc gia chiếm gần 17% tỉ trọng thuốc đang sử dụng tại các cơ sở y tế. Vì vậy, phần lớn nhu cầu các thuốc phục vụ công tác điều trị được thực hiện bởi đơn vị mua sắm tập trung cấp địa phương hoặc do cơ sở y tế tự tổ chức đấu thầu.
"Với các thuốc generic nhóm 3,4,5 có cùng hoạt chất, nồng độ, hàm lượng sẽ do cơ sở y tế địa phương tự tổ chức đấu thầu. Khi địa phương hoàn tất đấu thầu, cơ sở y tế sẽ căn cứ vào đó để mua sắm, sử dụng. Tuy nhiên, có những địa phương chưa triển khai xong các công việc thuộc nhiệm vụ của mình, dẫn đến thiếu thuốc, vật tư"- ông Dũng giải thích.
Ông Dũng cho biết việc sử dụng các thuốc thuộc danh mục đấu thầu tập trung cấp quốc gia đến nay tương đối thấp (đạt 19-24% tổng số thuốc trúng thầu, tùy từng khu vực), nguyên nhân do mô hình bệnh tật, số lượng bệnh nhân có sự thay đổi sau đại dịch.
Danh mục thuốc đấu thầu tập trung cấp quốc gia là những thuốc có tỉ trọng sử dụng lớn về giá trị hoặc số lượng tại các cơ sở y tế trên cả nước và có thời gian hiệu lực dài (24 tháng). Theo ông Lê Thanh Dũng, kết quả đấu thầu tập trung sẽ góp phần giúp ổn định tình hình cung ứng thuốc tại các địa phương, đặc biệt có ý nghĩa đối với các thuốc có số lượng nhu cầu sử dụng lớn như: Thuốc kháng sinh, tiêu hóa, tim mạch và thuốc điều trị bệnh tiểu đường.