Mất ngủ - biểu hiện nguy hiểm của bệnh trầm cảm

Thứ ba, 13 Tháng 11 2018 10:37 (GMT+7)
Dân gian có câu “Ăn được ngủ được là tiên...”. Điều đó cho thấy việc ăn uống, ngủ nghỉ vô cùng quan trọng. Nhất là giấc ngủ, nếu không ngủ đủ, ngủ ngon, dễ khiến con người suy nhược cơ thể, thậm chí ảnh hưởng tâm thần kinh, nhất là bệnh trầm cảm, nguy cơ dẫn đến tự tử.

Cô Ph. Th. B., 57 tuổi, ở tỉnh Vĩnh Long, bị chứng mất ngủ khoảng một năm trước. Đó là giai đoạn vô cùng khó khăn khi ban đêm cô khó ngủ, ban ngày lại cảm thấy buồn thẫn thờ, không thiết chuyện ăn uống, bỏ bê công việc nhà, ngay cả nói chuyện với người thân cô cũng không muốn. Suốt ngày cô nằm ủ rũ, sức khỏe dần suy kiệt, nhiều lúc cô muốn chết đi để khỏi làm khổ lụy chồng con. Người thân khuyên lơn, chồng đưa cô đi nhiều nơi chữa trị, từ BV huyện đến các BV tiếng tăm ở TP Hồ Chí Minh, nhưng hầu hết kết quả thăm khám đều cho thấy thể chất cô không phát hiện gì bất thường. Trị tây y không hết, cô lại lại chuyển sang đông y, nhưng bệnh tình không thuyên giảm. May thay, gần đây, một BV ở Cần Thơ nghi ngờ cô có vấn đề về sức khỏe tâm thần, chuyển cô đến BV Tâm thần TP Cần Thơ điều trị. Sau một tháng đáp ứng thuốc, cô B. kể: “Bệnh 10 phần giờ chỉ còn 1, 2 phần thôi. Tôi đã biết ăn ngon, ngủ được trở lại và không còn muốn chết nữa, vì thấy người thân ai cũng thương mình, cớ gì đâu lại hủy hoại bản thân”.

Bác sĩ thăm khám cho người bệnh mất ngủ do trầm cảm. 

Bác sĩ CKI Thiều Quang Hùng, Phó Giám đốc BV Tâm thần TP Cần Thơ cho biết, đây là một trong những trường hợp bệnh nhân trầm cảm có ý định tự tử với dấu hiệu mất ngủ. Thống kê 9 tháng năm 2018 của BV, tiếp nhận hơn 700 bệnh nhân mất ngủ; gần 1.500 bệnh nhân trầm cảm và hơn 1.000 bệnh nhân trầm cảm có triệu chứng loạn thần. Phần lớn bệnh nhân trầm cảm thường có rối loạn giấc ngủ. Ngoài ra, mất ngủ còn làm nặng thêm các bệnh lý khác.

Theo bác sĩ Hùng, mất ngủ có thể khiến tình trạng trầm cảm trầm trọng thêm, là nguyên nhân dẫn đến tự sát. Theo một số kết quả nghiên cứu về vấn đề tự sát, cho thấy, 1% bệnh nhân trầm cảm ở giai đoạn đầu tiên trong 12 tháng có nguy cơ tự sát và 15% bệnh nhân chết do tự sát nếu bệnh tái phát lần thứ hai. Có thể thấy, giữa mất ngủ, trầm cảm và tự sát có mối liên hệ với nhau, do vậy, người có rối loạn giấc ngủ, cần được xác định nguyên nhân để có hướng điều trị thích hợp.

Giấc ngủ vô cùng quan trọng. Giấc ngủ tốt bao gồm hai yếu tố là thời gian ngủ và chất lượng giấc ngủ. Thời gian ngủ ban đêm trung bình từ 6 – 8 tiếng và sau một giấc ngủ sâu, người ngủ dậy cảm thấy khỏe khoắn, tràn đầy năng lượng cho ngày làm việc mới. Nhưng khi có người khó đi vào giấc ngủ, trằn trọc, chập chờn trong giấc ngủ, thời gian ngủ không đủ,… khiến sáng hôm sau cảm thấy mệt mỏi, uể oải, tinh thần suy nhược thì đó chính là những dấu hiệu của rối loạn giấc ngủ.

Ban ngày cơ thể hoạt động, tiêu tốn nhiều năng lượng thì giấc ngủ giúp tái tạo lại năng lượng đã mất; khi ngủ đủ giấc, giấc ngủ sâu, thời gian ngủ giúp các tế bào nơ-ron thần kinh già cỗi lão hóa được thay thế bằng những nơ-ron mới. Do vậy, khi có giấc ngủ ngon, quá trình ghi nhớ của chúng ta được tốt hơn. Còn khi bị rối loạn giấc ngủ, lâu ngày dẫn đến thể trạng mệt mỏi, uể oải, kèm các dấu hiệu như chóng mặt, choáng váng, suy nhược cơ thể. Nguy hại hơn, mất ngủ sẽ là yếu tố thúc đẩy các bệnh lý tiềm ẩn trong cơ thể, gồm các bệnh lý mãn tính như tim mạch, tiểu đường, rối loạn tiền đình, cao huyết áp,… Mất ngủ lâu dài sẽ dẫn đến hội chứng quên, rối loạn trí nhớ, đặc biệt là những bệnh tâm thần bùng phát như bệnh trầm cảm, tâm thần phân liệt. Trong thực tế, nhiều người mất ngủ thường có tình trạng lạm dụng thuốc ngủ mà không có chỉ định của bác sĩ hoặc lạm dụng các chất kích thích như rượu bia để tìm đến giấc ngủ.

Tình trạng mất ngủ ở bệnh nhân trầm cảm thường kết hợp một số triệu chứng cơ thể như nhức đầu, mệt mỏi, hồi hộp, táo bón, đau dạ dày,… kèm theo rối loạn giấc ngủ. Các bệnh nhân thường tìm tới các bác sĩ chuyên khoa khác điều trị, sau một thời gian không giảm thì mới đến với bác sĩ tâm thần. Sau khi bác sĩ tiến hành điều trị nguyên nhân trầm cảm thì vấn đề mất ngủ cũng nhanh chóng được kiểm soát.

Bác sĩ Thiều Quang Hùng khuyên, để đảm bảo chất lượng cuộc sống tinh thần, tránh những nguyên nhân gây mất ngủ chính là hạn chế những lo âu, stress, căng thẳng hàng ngày gây sang chấn tâm lý. Tránh lạm dụng chất kích thích, gây nhiều nguy cơ tổn hại sức khỏe cả về thể chất và tinh thần. Thực hiện lối sống lành mạnh, có chế độ ăn uống đảm bảo đầy đủ dinh dưỡng, nghỉ ngơi hợp lý.

Bác sĩ Thiều Quang Hùng còn khuyến cáo, mọi người cần “vệ sinh giấc ngủ”, là yêu cầu cần thiết trong việc điều trị rối loạn giấc ngủ. Đó chính là giữ gìn vệ sinh phòng ngủ, không gian ngủ thoáng đãng, êm đềm, với ánh sáng êm dịu, có đủ không khí, tránh tiếng ồn. Phòng ngủ là nơi riêng tư, chỉ giành để ngủ, tránh coi ti-vi, ăn uống trên giường ngủ. Khi đã mất ngủ, tránh những điều gây chú ý đến tâm lý ngủ như điện thoại di động, đồng hồ,… Đồng thời, chọn môn thể dục nhẹ nhàng để luyện tập hàng ngày, như thiền, yoga; tránh tập những môn hoạt động nặng cần nhiều sức lực. Khi mất ngủ, nên đến bác sĩ chuyên khoa tâm thần để được tư vấn và điều trị sớm, đạt hiệu quả. Quá trình điều trị phải chịu sự tư vấn và chỉ định theo toa của bác sĩ chuyên khoa, đảm bảo các thuốc điều trị không gây nghiện, nguy hại cho người bệnh về lâu dài.

Nguồn: THU SƯƠNG - (baocantho.com.vn)
T/h: Tuyết Băng - (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Ngành Bệnh viện - Thiết bị Y tế