Bạn đọc Nguyễn Thị Phương Anh, nữ, 37 tuổi, quận 5, TP HCM, hỏi: Chào bác sĩ, 2 chân tôi nổi nhiều mạch máu vằn vện, đặc biệt là mặt trong khu vực gần cổ chân, đùi… Đồng thời dạo này tôi rất hay bị chuột rút khi ngồi lâu, đứng lâu và có khi đi lại nhiều cũng bị. Chuột rút cũng lâu hết hơn bình thường. Có khi tôi còn có cảm giác chân mình nặng, sưng. Tôi đọc báo thấy có thể triệu chứng đó là tĩnh mạch có vấn đề, thậm chí có thể dẫn đến tắc mạch chết người. Xin bác sĩ cho hỏi tôi có thể bị gì, nên đi khám chuyên khoa nào?
Bác sĩ chuyên khoa II Trương Quang Anh Vũ, Trưởng phòng Kế Hoạch Tổng hợp, Bệnh viện Thống Nhất, trả lời:
Chào chị, như những triệu chứng mà chị mô tả, chị đã bị suy giãn tĩnh mạch chân. Các tĩnh mạch chân có hệ thống van 1 chiều cho phép máu tĩnh mạch lưu thông về tĩnh mạch chủ dưới, về tâm nhĩ phải của tim. Khi hệ thống van tĩnh mạch chân bị suy yếu, máu sẽ ứ trệ lại ở các tĩnh mạch sâu và và tĩnh mạch nông của chân. Lâu ngày sẽ làm giãn các tĩnh mạch chân.
Máu ứ trệ ở các tĩnh mạch chân làm tăng áp lực thủy tĩnh trong lòng tĩnh mạch, gây thoát dịnh từ lòng mạch vào mô kẽ gian bào, gây cảm giác nặng ở chân, đau chân như vọp bẻ hoặc nặng hơn gây phù chân. Đặc biệt là khi đứng hoặc đi lại nhiều. Khi tĩnh mạch giãn lớn, máu ứ trệ nhiều dễ tạo lập huyết khối, có thể gây thuyên tắc tĩnh mạch chân, thuyên tắc động mạch phổi, rất nguy hiểm.
Các yếu tố thuận lợi gây suy giãn tĩnh mạch chân bao gồm công việc buộc phải giữ lâu 1 tư thế ví dụ như đứng liên tục, đi lại nhiều, tuổi tác, mang thai, mang giày cao gót thường xuyên…
Chị có thể đi khám chuyên khoa tim mạch để được khám và siêu âm Doppler mạch máu chân. Từ đó bác sỹ sẽ đánh giá chính xác và tư vấn điều trị cho chị kỹ hơn. Thường có thể dùng thuốc có thể dùng thuốc (Daflon), mang vớ vớ đặc biệt cho người suy giãn tĩnh mạch chân giúp máu về tim dễ hơn, giảm ứ trệ. Nghỉ ngơi, giảm đứng, đi lại lâu. Nằm nghỉ nên gác chân cao. Về việc vận động, tập luyện, bác sĩ sẽ hướng dẫn phù hợp với tình trạng hiện thời của chị.
Khi tĩnh mạch giãn lớn, đau chân nhiều, nên phẫu thuật rút bỏ tĩnh mạch chân bị giãn.