Cắt dạ dày chữa bệnh béo phì

Thứ năm, 13 Tháng 6 2019 09:42 (GMT+7)
Dù phẫu thuật cắt dạ dày có thể giúp giảm cân nhanh chóng nhưng không phải bệnh nhân nào béo phì cũng được chỉ định phương pháp này

Trong 10 năm qua, Bệnh viện (BV) Việt Đức (Hà Nội) đã phẫu thuật chữa béo phì cho 400 bệnh nhân.

Tăng cân không phanh

Sáng 12-6, một nữ bệnh nhân 40 tuổi (quốc tịch Anh) đã tìm đến BV Việt Đức để được tư vấn chữa béo phì. Cách đây 3 năm, chị nặng 60 kg nhưng đến nay cân nặng lên gần 100 kg. Nhiều tháng nay, chị không dám lên bàn cân. Mất tự tin trong công việc kèm theo tình trạng thoái hóa vai gáy, khó thở... nên chị lên mạng tìm kiếm các thông tin để chữa bệnh béo phì.

Vài ngày trước, các bác sĩ (BS) BV Trung ương Quân đội 108 cũng đã chỉ định phẫu thuật nội soi cắt dạ dày để điều trị bệnh béo phì cho một trường hợp tương tự. Đó là chị N.H.A (32 tuổi, ở Hà Nội) tăng cân chóng mặt do mê đồ ăn nhanh, đặc biệt là ăn xúc xích và uống trà sữa.

Từ chỗ cao 1,6 m, nặng 48 kg, chị A. tăng lên 63 kg và chỉ sau một mùa hè tăng vọt tới 93 kg. Gặp hàng loạt vấn đề về sức khỏe, A. phải vào BV điều trị. Sáu ngày sau ca phẫu thuật, cân nặng của A. đã giảm được 6 kg và sau hơn 2 tháng, giảm 19 kg. Sức khỏe bệnh nhân tốt, tinh thần vui vẻ, tự tin hơn.

Trước đó, một nữ bệnh nhân 48 tuổi (quốc tịch Đức) cũng được chỉ định mổ nội soi chữa bệnh giảm béo. Hơn 10 năm, chị chỉ nặng 44 kg nhưng sau khi sinh con thứ 2, chị tăng cân không kiểm soát được. Tại thời điểm "cầu cứu" BS, người phụ nữ này đã nặng gần 100 kg trong khi chỉ cao khoảng 1,5 m.

Cắt dạ dày chữa bệnh béo phì - Ảnh 1.

Phẫu thuật cắt dạ dày giảm béo cho bệnh nhân ở Bệnh viện Trung ương quân đội 108

"Mỗi bữa, tôi phải tính toán từng lượng tinh bột, miếng trái cây để sau đó còn tiêm thuốc trị tiểu đường. Nhịn ăn thì ngất xỉu vì đói còn ăn nhiều thì đường huyết tăng" - nữ bệnh nhân chia sẻ.

Tình trạng béo phì không chỉ khiến cơ thể chị bị rối loạn chuyển hóa, máu nhiễm mỡ, huyết áp cao, viêm khớp mà cách đây 2 năm, chị lại phát hiện thêm bệnh tiểu đường. Bệnh chồng bệnh khiến chị bị stress nặng. Chị quyết định trở về Việt Nam, đến BV Việt Đức để được tư vấn điều trị giảm béo. Sau phẫu thuật tạo hình dạ dày khoảng 2 tháng, nữ bệnh nhân đã giảm gần 20 kg, tình trạng đường huyết cũng ổn định. Thay vì phải uống thuốc 2 lần/ngày và tiêm nhưng vẫn không kiểm soát được đường huyết thì nay chị chỉ phải uống thuốc 1 lần/ngày.

Giảm cảm giác đói

Theo BS Bùi Thanh Phúc, Khoa Phẫu thuật cấp cứu tiêu hóa BV Việt Đức, trong hơn 10 năm qua, đã có gần 400 bệnh nhân được phẫu thuật chữa bệnh béo phì.

Béo phì không chỉ khiến người bệnh khó khăn trong đi lại, sinh hoạt mà còn đi kèm các bệnh tiểu đường, huyết áp, trầm cảm, vô sinh, thoái hóa khớp, cột sống… Trước khi có chỉ định phẫu thuật cắt dạ dày, nhiều người đã áp dụng đủ phương pháp, từ thể dục tới giảm ăn, dùng thuốc giảm cân nhưng đều vô vọng. Có những bệnh nhân nhập viện trong tình trạng béo phì nghiêm trọng, cân nặng tới 180 kg nhưng sau phẫu thuật khoảng 4 tháng đã giảm được hơn 40 kg và sau 1 năm giảm còn khoảng 70-80 kg.

Với phẫu thuật thu nhỏ dạ dày, bệnh nhân sẽ được chỉ định nội soi tạo hình dạ dày ống đứng (bỏ đi 2/3 dạ dày theo chiều dọc) để giảm nhu cầu ăn uống, giảm cảm giác đói.

PGS-TS Nguyễn Anh Tuấn - Phó Viện trưởng Viện Phẫu thuật tiêu hóa, Chủ nhiệm Khoa Phẫu thuật ống tiêu hóa BV Trung ương Quân đội 108 - cho biết phẫu thuật nội soi thu nhỏ dạ dày hình ống nhằm mục đích loại bỏ hoàn toàn vùng phình vị lớn, nơi tiết ra hormone tạo cảm giác thèm ăn, tạo cảm giác đói; đồng thời loại bỏ khoảng 70%-80% dạ dày phía bờ cong lớn, tạo ra một ống dạ dày hẹp với thể tích khoảng 150-200 ml. Phẫu thuật này làm mất cảm giác thèm ăn, nhanh chóng đạt được cảm giác no và thỏa mãn với một lượng thức ăn nhỏ. Năng lượng nạp vào ít đi, bệnh nhân sẽ giảm cân ổn định sau mổ. 

Bất đắc dĩ mới phẫu thuật

Theo các BS, đây là phương pháp giảm béo để chữa bệnh chứ không nhằm mục đích làm đẹp nên không phải ai cũng được chỉ định phẫu thuật cắt dạ dày.

BS Phúc cho biết phương pháp tạo hình dạ dày ống đứng đều kén bệnh nhân và chỉ áp dụng với những trường hợp như người quá béo, có nguy cơ phát sinh nhiều bệnh hoặc những bệnh nhân béo phì nhưng không thể giảm cân bằng các phương pháp khác hoặc kèm theo một bệnh lý khác mới. Phương pháp này hạn chế áp dụng với người dưới 18 tuổi.

Dù có thể giảm cân nhanh gấp 10 lần so với các phương pháp giảm cân thông thường nhưng sau khi cắt dạ dày, bệnh nhân ăn nhanh, uống nhanh có thể bị nôn. Việc cắt dạ dày cũng khiến lượng thức ăn nạp vào buộc phải giảm theo và dạ dày không thể hồi phục.

Bài và ảnh: Ngọc Dung - (nld.com.vn)
T/h: Thùy Giang - (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Ngành Bệnh viện - Thiết bị Y tế