Mang trong mình căn bệnh tan máu từ nhỏ khiến người luôn xanh xao, mệt mỏi, sự sống mong manh; thế nhưng, cô gái Lâm Thị Tuyết Nghi vẫn không bị số phận làm gục ngã. Tin Nghi trúng tuyển Trường cao đẳng Y dược Pasteur cơ sở tại TP.HCM khiến cả Trường THPT Lê Anh Xuân (Mỏ Cày Bắc, Bến Tre) hân hoan. Cả gia đình, làng xóm và bè bạn, thầy cô đều vui cho cô gái nhỏ đầy nghị lực.
Tuy nhiên, nỗi lo về tiền ăn học, trang trải những ngày tháng xa nhà, cuộc sống không ai chăm sóc những lúc Nghi bệnh mệt lại khiến gia đình lo lắng.
Nghi thường giúp mẹ những lúc rảnh rỗi. Ảnh: Tuổi Trẻ.
Năm 2011, Nghi được phát hiện mắc hội chứng bệnh tan máu bẩm sinh (Thalassemia). Em hay chóng mặt, buồn nôn, người xanh xao gầy còm, bác sĩ nói em phải được truyền máu mới sống được. Thế là tháng nào cũng vậy, gia đình đưa Nghi đến Bệnh viện Truyền máu huyết học TP.HCM để truyền máu.
Gia đình Nghi ở ấp Tân Thuận, xã Tân Phú Tây, huyện Mỏ Cày Bắc vốn nghèo khó, chẳng có đất canh tác mà chỉ ‘ăn nhờ ở đậu’ trên đất của nhà thờ Tân Phó. Cha em bị thoát vị đĩa đệm nên công việc làm thuê mướn cũng chẳng được bao hôm. Tất cả tiền kiếm được ông đều dành truyền máu cho con, chẳng còn đồng nào chữa bệnh cho mình. Chính vì thế, chân ông ngày càng nặng, một bên còn bị teo cơ.
Mẹ Nghi - Bà Nguyễn Mộng Thu làm nghề chằm lá dừa nước dùng lợp nhà và chuốt cọng lá dừa bán cho cơ sở bó chổi. Bà cho biết, tiền gia đình kiếm được chẳng đủ ăn, mỗi lần con gái đi truyền máu lại vay mượn khắp nơi. Nhiều khi mượn tiền không có, bà phải vay vàng đi bán để chữa bệnh cho con.
Từ khi gia đình được cấp sổ hộ nghèo, thẻ BHYT vào năm 2013, chi phí truyền máu không phải chi trả, thế nhưng tiền xét nghiệm và thuốc bố mẹ em vẫn phải bỏ ra mỗi lần hơn 1 triệu đồng. Ảnh: Tuổi Trẻ.
Để tiết kiệm chi phí đi lại, lần nào bà cũng chở con gái trên chiếc xe máy cũ kỹ. Ngày Nghi còn nhỏ, hay ngủ gục, mỗi lần chở con bà phải lấy dây buộc con vào thắt lưng để con khỏi ngã.
Thương con bệnh tật yếu ớt, bà Thu nhiều lần khuyên con nghỉ học để giữ sức khỏe. Thế nhưng, Nghi nhất quyết muốn đi học. Em tâm sự: “Em cố gắng học để sau này có việc làm nuôi sống, chữa bệnh cho bản thân và phụ giúp cha mẹ đã vất vả vì em”.
Nhiều ngày đi học, Nghi không thể đạp xe đến trường, bà Mộng Thu phải nhờ bạn bè con hoặc tự mình đưa đón. Từ khi gia đình được cấp sổ hộ nghèo, thẻ BHYT vào năm 2013, chi phí truyền máu không phải chi trả, thế nhưng tiền xét nghiệm và thuốc bố mẹ em vẫn phải bỏ ra mỗi lần hơn 1 triệu đồng.
Có sổ hộ nghèo, mẹ em vay Ngân hàng chính sách chuộc vàng trả người thân. Không có đất canh tác, việc làm thuê bập bõm nên gia đình vẫn chưa trả được nợ ngân hàng.
Chia sẻ về em Nghi, thầy Nguyễn Minh Tâm, giáo viên chủ nhiệm lớp 12/1 cho biết: “Nghi rất ngoan, lễ phép, luôn mạnh mẽ vượt qua bệnh tật. Em rất chăm học, đến trường đều đặn, học hành nghiêm túc. Mỗi tháng, em chỉ xin nghỉ dung 2 ngày để đi truyền máu trên TP.HCM”.
Bà Thu trăn trở: "Tuyết Nghi đỗ tốt nghiệp THPT, trúng tuyển trường y là niềm vui lớn của gia đình nhưng rồi đó là nỗi lo tiền ăn ở, học phí suốt 3 năm học, khi mà học phí nhập học gia đình chạy vay chỉ mới đủ đóng trước 4/7 triệu đồng”.
Biết hoàn cảnh gia đình Nghi, nhà thờ Tân Phó đồng ý cắt cho phần đất gia đình Nghi đang ở nhờ để chính quyền địa phương tiến hành xây dựng nhà tình thương.