Mới đây, Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TP.HCM) tiếp nhận bệnh nhi L.T.B. (12 tuổi, ngụ tại quận Phú Nhuận, TPHCM) bị chấn thương đầu gối, rách sụn chêm. Theo người nhà cho biết, trước đó khoảng 3 tháng cậu bé trong một lần chơi bóng rổ với bạn cậu bé bị ngã gây đau khớp gối phải. Thời điểm đó gia đình chỉ nghĩ rằng con bị chấn thương phần mềm nên mua thuốc về điều trị tại nhà.
Khoảng 1 tuần sau, khớp gối không còn đau nhưng cậu phải đi khập khiễng. Khoảng 10 ngày sau khi không còn đi khập khiễng cậu bé lại tiếp tục chơi thể thao thì phát hiện đầu gối phải phát ra tiếng kêu lạo xạo khi di chuyển. Gần đây khi thấy đầu gối phải đau nhiều hơn, chân phải teo nhỏ hơn chân trái thì gia đình mới hốt hoảng đưa con vào viện.
Bệnh nhi được chỉ định phẫu thuật nội soi rách sụn chêm khớp gối.
BS-CK2 Lê Phước Tân, Trưởng khoa Bỏng Chỉnh hình cho biết, kết quả hình ảnh chụp MRI cháu bé bị rách sụn chêm ngoài, kèm dị dạng sụn chêm hình đĩa bẩm sinh. Bác sĩ nhận định cháu bé bị rách sụn chêm lớn, không thể điều trị nội khoa nên buộc phải phẫu thuật.
Qua hội chẩn, bệnh nhi được chỉ định phẫu thuật nội soi khớp gối xâm lấn tối thiểu để tạo hình lại sụn chêm ngoài. Mục đích của việc phẫu thuật nhằm loại bỏ triệt để tình trạng chấn thương để giúp cậu bé phục hồi tốt, tìm lại khả năng vận động và chơi thể thao bình thường. Ca phẫu thuật diễn ra thuận lợi, sau phẫu thuật bệnh nhi hồi phục tốt.
Theo các bác sĩ, khớp gối là vị trí chịu áp lực bởi toàn bộ trọng lượng của cơ thể. Lớp sụn chêm ở đầu gối đóng vai trò phân phối lực đều ra khớp gối, tạo sự vững chắc và giảm xóc khi cơ thể di chuyển, vận động mạnh. Ngoài ra, lớp sụn có nhiệm vụ phân bố hoạt dịch bôi trơn và dinh dưỡng sụn khớp nhằm đảm bảo khớp gối hoạt động trơn tru, không gây kẹt bao khớp và màng hoạt dịch gây đau.
Rách sụn chêm ngoài là chấn thương thường gặp khi chơi thể thao, vận động mạnh.
Khi sụn chêm bị rách, có nghĩa là mọi chức năng trên đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng gây đau, khó chịu khi vận động. Rách sụn chêm là chấn thương phổ biến ở người hay chơi thể thao hoặc xảy ra do tai nạn giao thông.
Theo các bác sĩ, rách sụn chêm kích thước nhỏ không gây đau, ít ảnh hưởng tới vận thì có thể điều trị bằng thuốc chống viêm, giảm phù nề kết hợp chườm đá và băng chun gối, hạn chế vận động.
Với trường hợp rách sụn lớn cần phẫu thuật để loại bỏ triệt để vùng tổn thương, tránh ảnh hưởng tới khả năng vận động về lâu dài.
Các bác sĩ khuyến cáo, cha mẹ không nên chủ quan khi thấy con chơi thể thao hay bị té ngã gây đau nhức ở chân kéo dài. Rất có thể vết thương nhỏ là báo hiệu của chấn thương nghiêm trọng nếu không chữa trị kịp thời có thể gây biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng đến vận động và sự phát triển hệ cơ, xương của trẻ trong tương lai.