Bác sĩ gia đình: Khó
Thực hiện mô hình phòng khám BSGĐ, Bộ Y tế đã xây dựng Đề án “Xây dựng và phát triển mô hình phòng khám BSGĐ giai đoạn 2013-2020”. Ở giai đoạn I (2013-2015) có 8 tỉnh, thành phố tham gia đề án; trong đó, ở khu vực ĐBSCL có TP Cần Thơ. Theo bác sĩ Cao Minh Chu, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Cần Thơ, sau 5 năm thực hiện Đề án, đến nay Cần Thơ có 63/82 trạm y tế và 6 phòng khám tư nhân triển khai mô hình. Thành phố hiện có 106 BSGĐ và ngành đã cấp 69 chứng chỉ hành nghề BSGĐ. 63 Trạm y tế đã nhập liệu vào phần mềm quản lý hồ sơ sức khỏe cá nhân trên 996.000 người, đạt tỷ lệ 99,8%; tổng số người dân được khám và lập hồ sơ quản lý sức khỏe là 398.725 người. Tuy nhiên, thực hiện mô hình BSGĐ vẫn chậm; năng lực khám, chữa bệnh, trình độ công nghệ thông tin của cán bộ ở trạm y tế chưa đáp ứng yêu cầu, chưa liên thông tất cả các cơ sở khám chữa bệnh ở các tuyến và y tế ngoài công lập; chưa kết nối với hệ thống tiêm chủng quốc gia; chưa có quy định về kết cấu chi phí công nghệ thông tin trong giá dịch vụ y tế để duy trì hoạt động này.
Bác sĩ gia đình Bùi Trần Trí Sỹ khám bệnh cho trẻ tại Trạm y tế phường Tân Hưng, quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ.
Lãnh đạo Sở Y tế TP Cần Thơ kiến nghị Bộ Y tế sớm bổ sung cụ thể giá và nguồn chi trả cho các dịch vụ cơ bản, như: chi phí lập và theo dõi hồ sơ sức khỏe; lập hồ sơ theo dõi, quản lý sức khỏe người cao tuổi; vệ sinh môi trường. Cần quy định kết cấu chi phí công nghệ thông tin trong giá dịch vụ y tế để giúp duy trì hoạt động này; cấp mã định danh y tế cho người dân; ban hành chuẩn, định dạng, cấu trúc dữ liệu phục vụ kết nối, liên thông giữa các phần mềm; quy định nội dung thông tin cần thiết về tình trạng sức khỏe của người bệnh trao đổi giữa các phần mềm; hỗ trợ tập huấn triển khai, vận hành và sử dụng các phần mềm.
Còn tại Cà Mau, Sở Y tế tỉnh đã chọn 2 xã điểm và chỉ đạo huyện chọn ít nhất 2 xã điểm triển khai mô hình phòng khám BSGĐ. Riêng huyện U Minh triển khai toàn huyện. Trong quá trình thực hiện gặp rất nhiều khó khăn, khi người dân đăng ký khám bảo hiểm y tế ở bệnh viện tỉnh, về trạm y tế xã khám bệnh và lập hồ sơ thì bảo hiểm xã hội chưa chấp nhận thanh toán mà yêu cầu có giấy chuyển tuyến; ở tuyến xã chỉ được thanh toán 50% chi phí test nhanh đường huyết.
Theo lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Trà Vinh, người dân chưa có lòng tin với trạm y tế; bệnh nhân đến tuyến huyện hoặc tỉnh điều trị. Bệnh viện tỉnh tự chủ kinh phí, sợ giảm nguồn thu nên không mặn mà chuyển bệnh về trạm y tế. Sở Y tế các tỉnh kiến nghị Bộ Y tế nên mở rộng danh mục thuốc tại trạm y tế, do người bệnh mắc các bệnh mạn tính như đái tháo đường, tăng huyết áp... thường kèm theo các bệnh lý khác; trong khi danh mục thuốc tại trạm y tế không đủ đáp ứng.
Đấu thầu tập trung: mỗi nơi mỗi kiểu!
Không chỉ mô hình BSGĐ gặp khó mà công tác đấu thầu tập trung thuốc, vật tư y tế, trang thiết bị, mỗi tỉnh làm mỗi kiểu. Theo lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Đồng Tháp, công tác đấu thầu ở tỉnh được chia ra nhiều đơn vị khác nhau. Thuốc và các biệt dược gốc, thuốc generic do Sở Y tế đấu thầu tập trung cho toàn tỉnh. Còn vật tư y tế tiêu hao, hóa chất giao cho Bệnh viện trung tâm; dược liệu, vị thuốc y học cổ truyền giao cho Bệnh viện Y học cổ truyền; vắc - xin, sinh phẩm giao cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh. Sở Y tế thiếu nhân lực nên khi đấu thầu tập trung phải tận dụng cán bộ ở các đơn vị y tế trực thuộc, làm từng đợt, làm tháng này qua tháng kia. Khó khăn về xác định nhóm thuốc, nhà thầu tham gia không đủ... Tỷ lệ trúng thầu thấp, chỉ từ 62% đến 84%, từ đó phải đấu thầu các đợt tiếp theo.
Lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Tiền Giang phát biểu về mô hình Trung tâm mua sắm công ngành y tế.
Tại tỉnh An Giang, trước đây thuốc, trang thiết bị được đấu thầu tập trung tại Sở Y tế, các đơn vị y tế trực thuộc cử người tham gia, mỗi năm làm 2-3 đợt; một đợt kéo dài vài tháng. Năm nay, Sở Y tế giao cho bệnh viện đa khoa tỉnh đấu thầu và sắp tới giao cho các đơn vị tuyến tỉnh đảm đương. Chủ trương của tỉnh cố gắng đấu thầu qua mạng 100%, nhưng rất khó vì có cả ngàn mặt hàng thuốc.
Trong các địa phương vùng ĐBSCL, tỉnh Tiền Giang đã hình thành Trung tâm mua sắm công ngành y tế vào năm 2017, Trung tâm có chức năng thực hiện đấu thầu thuốc, vật tư y tế, thiết bị y tế, cung cấp dịch vụ tư vấn đấu thầu khác, tham mưu trong lĩnh vực xây dựng cơ bản... Trước đây, đấu thầu tại Sở Y tế, phòng nghiệp vụ dược làm công tác đấu thầu, nên không có nhiều thời gian thanh tra, kiểm tra, làm công tác quản lý nhà nước... Khi có Trung tâm mua sắm công ngành y tế thì rất thuận tiện. Theo Sở Y tế tỉnh Tiền Giang, về công tác đấu thầu, Thông tư giữa các ban, ngành, bộ, các vụ, cục còn chồng chéo, do những vật tư y tế có những đặc điểm riêng khác với hàng hóa thông thường. Khi đấu thầu mua hóa chất cho thiết bị y tế, hóa chất của hãng đang sử dụng máy thì không trúng, mà trúng hãng khác, nên gặp khó khăn trong việc sử dụng và bảo hành máy...
Về đấu thầu trong lĩnh vực y tế ở TP Cần Thơ, ông Nguyễn Phước Tồn, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết, Sở đã đấu thầu tập trung thuốc hơn mười năm nay; thống nhất một giá, một hội đồng thầu trong địa bàn thành phố, không tốn nhân lực. Từ xét thầu đến có kết quả mất khoảng 2 tháng. Một đơn vị y tế cử từ 1-3 người tham gia; trong khi nếu mỗi đơn vị y tế tự đấu thầu, tốn kém nhân lực hơn rất nhiều. Trong quá trình đấu thầu tập trung tại Sở, các đơn vị y tế cử người trực tiếp tham gia vì đây là hàng hóa đặc thù, đơn vị sử dụng mới biết chính xác nhu cầu mình cần gì.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Phước Tồn cũng cho biết, về đấu thầu, địa phương rất khó. Hiện nay, trung tâm mua sắm quốc gia chỉ đấu thầu 150 mặt hàng số lượng lớn, trong khi thuốc điều trị lên đến vài ngàn mặt hàng. Đề nghị, thuốc sản xuất trong nước, thuốc nhập khẩu, Bộ Y tế duyệt giá kê khai, niêm yết trên hộp thuốc, thống nhất giá trúng thầu không cao hơn giá này hoặc trung ương đấu thầu tất cả các mặt hàng, thống nhất một giá, kết thúc đấu thầu tại các địa phương.
Từ thực trạng này, các địa phương ĐBSCL kiến nghị Bộ Y tế nên tổ chức hội nghị chuyên đề đấu thầu trong ngành y tế có sự tham dự của các bộ, ngành, thống nhất ban hành quy định riêng, liên tịch cho mua sắm tài sản công, đầu thấu trong lĩnh vực y tế do đây là hàng hóa đặc thù. Về trung tâm mua sắm công ngành y tế như tỉnh Tiền Giang đã làm, Bộ Y tế làm đầu mối xây dựng thông tư liên tịch với Bộ Nội vụ để tránh tình trạng tỉnh nào muốn thành lập trung tâm phải xin ý kiến Bộ Nội vụ.