Châu Đốc tập trung phòng, chống sốt xuất huyết

Thứ tư, 11 Tháng 9 2019 07:47 (GMT+7)
“Sốt xuất huyết (SXH) là bệnh lưu hành ở Việt Nam thường tăng cao vào mùa mưa. Hiện nay, SXH đang bước vào cao điểm nên các cas mắc SXH ở Châu Đốc liên tục tăng và diễn biến phức tạp. Từ đầu năm đến cuối tháng 8-2019, toàn thành phố ghi nhận 108 cas mắc SXH (so cùng kỳ năm trước tăng 62 cas), trong đó tháng 7 và 8 tăng vượt đường dự báo dịch. Địa phương có số mắc cao, như: phường Vĩnh Mỹ, Châu Phú B, Châu Phú A, Núi Sam” - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế TP. Châu Đốc Lâm Thành Tứ cho biết.

Từ đầu năm đến nay, Trung tâm Y tế TP. Châu Đốc phối hợp 7 xã, phường trên địa bàn đã tổ chức 5 chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng. Đồng thời, tuyên truyền người dân thường xuyên vệ sinh xung quanh khu vực nhà ở, lật úp các đồ sinh hoạt có nước đọng, thả cá vào dụng cụ chứa nước sinh hoạt… “Số cas mắc SXH tăng cao do thời tiết thay đổi, một phần do ý thức của người dân trong công tác phòng, chống SXH chưa cao. Mặc dù biết nguyên nhân gây bệnh là do muỗi truyền nhưng một số người dân không chủ động, mà lại trông chờ vào Trạm Y tế, các đoàn thể địa phương đến diệt lăng quăng; khi có bệnh thì đề nghị đến phun xịt muỗi. Mặt khác, một trong những cái khó trong công tác phòng, chống SXH tại địa phương là lực lượng tham gia phòng, chống dịch không ổn định, thường xuyên thay đổi nên kỹ năng diệt lăng quăng chưa “chuyên nghiệp” - bác sĩ Lê Hoàn Vinh, Trưởng khoa Kiểm soát bệnh tật, HIV/AIDS, Trung tâm Y tế TP. Châu Đốc băn khoăn.

Theo bác sĩ Nguyễn Thị Kim Liên, Khoa Nhi Bệnh viện Đa khoa khu vực tỉnh (TP. Châu Đốc), tháng 7 và tháng 8-2019, số cas bệnh nhân mắc SXH tăng cao, không chỉ có bệnh nhân trên địa bàn TP. Châu Đốc mà còn có của các huyện, thị xã khác chuyển tuyến, nằm điều trị tại bệnh viện. Điển hình, bệnh nhân Nguyễn Đăng Khôi (8 tuổi, ngụ xã Khánh An, An Phú) là một trong những bệnh nhi nhập viện do bị SXH đã vào sốc ngày thứ 4 của bệnh. Sau khi nhập viện, bé được điều trị chống sốc, truyền dịch 2 ngày mạch đã ổn định, bé đòi ăn. “Con vào bệnh viện được mấy cô, chú y, bác sĩ điều trị tích cực, nay con đã bớt nhức đầu, con khỏe nhiều”- bé Nguyễn Đăng Khôi cho biết.

Chủ động diệt muỗi, lăng quăng để phòng, chống sốt xuất huyết hiệu quả

Theo Phó Giám đốc Trung tâm Y tế TP. Châu Đốc Lâm Thành Tứ, đang vào mùa mưa nên khả năng dịch SXH bùng phát. Trước tình trạng trên, Trung tâm Y tế TP. Châu Đốc đã tham mưu UBND thành phố tăng cường hoạt động Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch, tổ chức triển khai có hiệu quả công tác phòng, chống SXH; tham mưu chính quyền địa phương triển khai thường xuyên các chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy tại cộng đồng… Đồng thời, ban hành kế hoạch phòng, chống SXH trên địa bàn và chỉ đạo khối điều trị, dự phòng, trạm y tế chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị, phương tiện cấp cứu… Thực hiện đúng “Quy định về hướng dẫn chẩn đoán, điều trị SXH Dengue” của Bộ Y tế nhằm giảm tỷ lệ tỷ vong tại các cơ sở điều trị. Đồng thời, chẩn đoán ban đầu độ chính xác cao giúp giảm tải cho công tác xử lý ổ bệnh tuyến xã. Tăng cường giám sát bệnh, chủ động thực hiện điều tra dịch tễ cas bệnh, củng cố và kiện toàn đội chống dịch cơ động, chủ động dự báo dịch… Song song đó, đa dạng hóa các hình thức truyền thông thông qua hệ thống đài truyền thanh, truyền hình thành phố, truyền thanh các xã, phường. Đẩy mạnh cổ động trực quan, như: pa-nô, áp-phích, tờ rơi, tờ gấp và qua các đội tuyên truyền lưu động. Trong đó chú trọng đổi mới nội dung và phương pháp tuyên truyền phong phú, hấp dẫn, dễ hiểu để người dân dễ tiếp thu.

Tăng cường công tác phối hợp giữa các ngành trong công tác phòng, chống dịch trên tất cả các lĩnh vực về công tác giám sát chặt chẽ, báo cáo tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng, chống. Đồng thời, huy động các đoàn thể xã hội tham gia vào công tác phòng, chống dịch bệnh tại địa bàn dân cư. Tuy nhiên, để công tác phòng, chống dịch hiệu quả không chỉ có ngành y tế, mà cần có sự tham gia tích cực của mọi người, mọi nhà. Bác sĩ Lâm Thành Tứ lưu ý: “Trước tình hình dịch SXH diễn biến phức tạp, cách phòng, chống bệnh tốt nhất vẫn là người dân cần chủ động diệt lăng quăng, muỗi, ngăn ngừa muỗi đốt. Một điều cần lưu ý, người bị nhiễm SXH có thể bị bệnh nhiều lần, vì vậy người dân không được chủ quan. Cần xét nghiệm máu nếu sốt cao liên tục trong 3 ngày để sớm phát hiện, điều trị SXH hiệu quả”.

THU THẢO - (baoangiang.com.vn)
T/h: Bích Ngân (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Ngành Bệnh viện - Thiết bị Y tế