Vượt qua gian khó
"Con cháu bệnh, gia đình tôi đều đưa đến BV Nhi đồng TP Cần Thơ khám, chữa bệnh. Bởi BV Nhi đồng TP Cần Thơ là địa chỉ tin cậy, nơi gởi gắm sức khỏe, tính mạng của những trẻ thơ"- bà Nguyễn Thị Hiền, ngụ thị trấn Kinh Cùng, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang, cho biết. Để có được sự tin cậy này, đội ngũ y bác sĩ, nhân viên BV liên tục nỗ lực và học tập nâng cao y đức, giỏi chuyên môn, góp phần chăm sóc sức khỏe, điều trị cho bệnh nhi vùng ĐBSCL.
Những năm đầu mới thành lập, BV tọa lạc trên diện tích hơn 5.800m2 và chỉ có 150 giường, với 9 khoa, 50 nhân viên, trong đó trình độ đại học chỉ được 8 người... Cơ sở vật chất thiếu vốn, không đáp ứng yêu cầu khám và chữa bệnh cho trẻ. Năm 2016, BV được chuyển về cơ sở mới xây dựng với quy mô 500 giường bệnh, diện tích trên 4,3ha, tổng kinh phí trên 921 tỉ đồng. Theo Bộ Y tế, đây là BV chuyên khoa nhi có cơ sở vật chất khang trang, hiện đại nhất vùng ĐBSCL; không chỉ phục vụ khám chữa bệnh cho trẻ em TP Cần Thơ mà còn trở thành BV tuyến trên của khoa nhi thuộc các BV tỉnh, thành ở khu vực Tây Nam bộ.
Cơ sở vật chất mới, trang thiết bị hiện đại đã tạo động lực cho đội ngũ thầy thuốc triển khai nhiều kỹ thuật mới. Thêm một thuận lợi nữa khác, BV cũng là BV vệ tinh của BV Nhi đồng 1, TP Hồ Chí Minh (giai đoạn 2016-2020). Năm 2018, BV triển khai 57 kỹ thuật, năm 2019 đã triển khai 76 kỹ thuật và đang chuẩn bị triển khai thêm 35 kỹ thuật. Hiện tại, BV đã độc lập các kỹ thuật chuyên sâu ở nhi, như: lọc máu, thay máu; nội soi chẩn đoán tai mũi họng, đường tiêu hóa; phẫu thuật nội soi thoát vị hoành, nuôi thành công trẻ sơ sinh nặng cực nhẹ cân non tháng (800 gram)... Trong năm 2018 và những tháng đầu năm 2019, dù dịch bệnh sốt xuất huyết và tay chân miệng gia tăng ở khu vực, lượng bệnh nhi nhập viện điều trị tăng nhưng đội ngũ thầy thuốc nỗ lực điều trị, cứu sống được nhiều trường hợp nguy kịch, không xảy ra tử vong.
Từ những bước cải tiến chất lượng đã được nhìn nhận, BV được đánh giá đạt mức 4/5 (trên 80 tiêu chí của Bộ Y tế quy định) và tỷ lệ người bệnh hài lòng đạt 80%. Số bệnh nhi đến khám, điều trị ngày càng tăng và số giường bệnh giao liên tục tăng. Đến năm 2019, BV được giao chỉ tiêu 600 giường bệnh nhưng thực tế kê 927 giường. Lưu lượng bệnh nhi khám ngoại trú trung bình 2.000 lượt/ngày và điều trị nội trú 700 - 900 bệnh nhi/ngày.
Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ.
Phát triển chuyên sâu
Theo bác sĩ Trần Văn Dễ, Giám đốc BV, để phát triển y tế chuyên sâu cần 3 điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân lực. Hiện nay, BV đã nhận được 2/3 thiết bị trong danh mục thiết bị dự án BV 500 giường. Trong đó, quý I- 2019, BV đã tiếp nhận các thiết bị hiện đại, gồm: Hệ thống chụp cắt lớp vi tính 128 lát cắt (CT scan), thiết bị phẫu thuật nội soi tai mũi họng, phẫu thuật tiêu hóa nhi, phẫu thuật chấn thương chỉnh hình, cưa xương điện, hệ thống phẫu thuật nội soi chuẩn HD, nội soi dạ dày tá tràng ống mềm, nội soi phế quản; thiết bị cấp cứu, như: Máy thở NCPAP, monitoring 7 thông số, giường hồi sức cấp cứu đa năng, máy tiệt trùng nhiệt độ thấp plasma dung tích > 150ml...
Sở Y tế TP Cần Thơ đang tiếp tục mua và cấp trong năm 2019 - 2020 số thiết bị còn lại cho BV. Mặc dù cơ sở vật chất khang trang, nhưng BV cũng gặp khó khăn, do nguồn nhân lực trẻ, đa số là bác sĩ trẻ chưa có chứng chỉ hành nghề. Một số khoa như chẩn đoán hình ảnh, nội tim mạch... thiếu bác sĩ có trình độ chuyên môn sâu. Để giải quyết khó khăn này, BV đang tích cực gởi nhân sự đi đào tạo ở TP Hồ Chí Minh. Do BV quá tải, nên Ban Giám đốc động viên người ở nhà choàng gánh, thay nhau đi học.
Nhân viên Khoa Sơ sinh đang tích cực điều trị cho các cháu.
Theo lộ trình đến năm 2020, BV bước vào tự chủ tài chính chi thường xuyên. Hằng năm, ngân sách thành phố cấp BV 30 tỉ đồng, còn hiện nay BV tự lo khoản này. Theo bác sĩ Trần Văn Dễ, để bù vào khoản ngân sách cấp, BV đưa dịch vụ xuống các khoa, phòng, hình thành khu điều trị theo yêu cầu (ở lầu 9). Đồng thời, tăng cường triển khai kỹ thuật mới để tăng nguồn thu và giảm tỷ lệ bệnh nhi phải chuyển viện lên tuyến trên. Về lâu dài, BV xây dựng khu khám chữa bệnh theo yêu cầu trên diện tích 500m2, cao 4 tầng từ nguồn xã hội hóa.
Mới đây, trong buổi làm việc với cán bộ chủ chốt BV, Bí thư Thành ủy Trần Quốc Trung yêu cầu BV tiếp tục tăng cường giáo dục y đức và phát triển theo hướng chuyên sâu. Trong đó, nhân lực giữ vai trò quyết định. Vì thế, bên cạnh hỗ trợ của thành phố, Ban Giám đốc BV phải tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ, động viên các thầy thuốc đi học, triển khai các kỹ thuật mới. Bí thư Thành ủy cũng ủng hộ chủ trương xã hội hóa xây dựng khu khám bệnh 4 tầng. Bởi hiện BV xây dựng 500 giường nhưng thực kê 927 giường. Khi cao điểm dịch bệnh, vẫn có tình trạng 2-3 cháu/giường bệnh. Việc triển khai khu khám chữa bệnh sẽ đáp ứng nhu cầu của người dân và tăng nguồn thu cho BV. Ban Giám đốc cần định hướng xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ, có hỗ trợ cho cán bộ, nhân viên y tế đi học ở TP Hồ Chí Minh để tiếp cận các kỹ thuật mới ở các BV tuyến trên.
Nhân viên y tế chuẩn bị chụp CT 128 lát cho bệnh nhân.
Trong Đề án BV vệ tinh giai đoạn 2, BV Nhi đồng TP Cần Thơ tiếp tục tiếp nhận 15 kỹ thuật mới bao gồm các gói kỹ thuật về sơ sinh, phẫu thuật nhi, bệnh lý tiêu hóa, bệnh lý hô hấp, bệnh lý về thận, tai mũi họng và kỹ thuật xét nghiệm. Đến thời điểm này, việc thực hiện đề án sẽ thuận lợi hơn do BV có đủ trang thiết bị để tiếp nhận kỹ thuật mới, vừa được phân bổ kinh phí đào tạo. Theo bác sĩ Trần Văn Dễ, về lâu dài, BV nỗ lực quyết tâm triển khai can thiệp tim mạch nhi, phẫu thuật tim hở, thành lập trung tâm hồi sức sơ sinh, Trung tâm lọc máu nhi... Đó là những tiền đề thuận lợi để BV từng bước trở thành BV nhi khoa chuyên khoa sâu chất lượng cao khám chữa bệnh cho trẻ em hiện đại nhất ĐBSCL.