Khi nhận thấy triệu chứng đột quỵ, người thân nên đưa bệnh nhân đến ngay BV có đơn vị điều trị đột quỵ. Trong ảnh: Bác sĩ BV Đa khoa TP Cần Thơ thăm khám cho người bệnh đột quỵ.
Bà Huỳnh Thị Ngọc T., vợ của ông Nguyễn Phước H. (50 tuổi, ở quận Bình Thủy), vẫn còn hoảng sợ khi nhớ lại thời điểm 3 tháng trước, khi chồng bà đi công chuyện về nhà, than với vợ là mệt trong người, lên võng nằm nghỉ. Thấy ông nằm thiêm thiếp hơn nửa giờ mà chưa dậy, bà T. lay gọi chồng nhưng ông H. không nói chuyện được, chỉ ú ớ, sùi bọt mép. Người thân lập tức đưa ông H. nhập viện cấp cứu tại Bệnh viện (BV) Đa khoa TP Cần Thơ. Các bác sĩ chẩn đoán ông bị đột quỵ và thực hiện điều trị bằng phương pháp tiêm thuốc tiêu sợi huyết.
Bà Ngọc T. tâm sự: “Bác sĩ nói ông ấy may mắn được đưa đến BV ngay khi phát hiện triệu chứng bệnh nên được cấp cứu kịp thời, đạt hiệu quả. Sau 3 tháng điều trị, đến nay, sức khỏe ông nhà tôi gần như hồi phục hoàn toàn, không để lại di chứng”.
Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Hân, bác sĩ điều trị ở Đơn nguyên đột quỵ, thuộc Khoa Hồi sức tích cực chống độc (ICU), BV Đa khoa TP Cần Thơ cho biết, bệnh nhân Nguyễn Phước H. là một trong gần 20 bệnh nhân đột quỵ được điều trị bằng thuốc tiêu sợi huyết, từ tháng 4 năm nay, khi BV thành lập Đơn nguyên đột quỵ và triển khai phương pháp này.
Bệnh lý đột quỵ não là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ hai, chỉ sau ung thư và là nguyên nhân hàng đầu gây tàn phế. Theo thống kê của các tổ chức y tế, 10 năm trở lại đây, bệnh liên tục gia tăng và đang có xu hướng trẻ hóa dần. Đột quỵ nhồi máu não cấp tính là tình trạng tắc nghẽn cục bộ, cấp tính của động mạch não.
Do vậy, xử trí cấp cứu các trường hợp nhồi máu não chính là phải tái thông dòng máu bị tắc càng sớm càng tốt trong những giờ đầu, trên nguyên tắc “thời gian là não”. Điều trị tiêu huyết khối đường tĩnh mạch bằng Alteplase hiện nay được y học thế giới khuyến nghị như một phương pháp chuẩn; tuy nhiên, số lượng bệnh nhân đột quỵ nhồi máu não tiếp cận phương pháp điều trị này còn quá ít.
Hiện trên địa bàn TP Cần Thơ có 4 trung tâm điều trị đột quỵ, trong đó có BV Đa khoa TP Cần Thơ. Bác sĩ Ngọc Hân chia sẻ, BV Đa Khoa Cần Thơ thành lập Đơn nguyên đột quỵ, triển khai phương pháp điều trị thuốc tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch, là một trong những biện pháp điều trị đặc hiệu đầu tiên để bảo tồn việc tái tưới máu não bằng cách ly giải cục máu đông. Phương pháp này giúp bệnh nhân có cơ hội hồi phục hơn 40%. Nhiều trường hợp người bệnh được hồi phục ngay sau điều trị, cũng có những trường hợp cho thấy hiệu quả trong vòng 3 tháng sau điều trị. Bên cạnh đó, kết hợp tập vật lý trị liệu thì tỷ lệ hồi phục cao hơn.
Nhiều công trình nghiên cứu ghi nhận, đột quỵ thường xảy ra ở người trong độ tuổi trung niên. Bệnh tăng vọt từ sau tuổi 50, thường gặp ở nam giới, nguy cơ cao với người có tiền căn cao huyết áp, đái tháo đường, tiền sử hút thuốc lá, uống nhiều bia, rượu. Bên cạnh đó, nhiều áp lực tinh thần từ công việc, môi trường sống cũng là những nguy cơ khiến tỷ lệ bệnh ngày càng gia tăng. Một số triệu chứng điển hình của bệnh lý đột quỵ nhồi máu não cấp mà người nhà có thể nhận biết: nói khó, miệng méo, yếu liệt tay chân… Người nhà cần đưa người bệnh đến ngay BV có đơn vị đột quỵ để kịp thời gian “vàng”, trước 4,5 giờ đầu sau khởi phát bệnh.
Cùng với sự ra đời của Đơn nguyên đột quỵ, nhóm các bác sĩ Khoa Hồi sức tích cực chống độc BV Đa khoa TP Cần Thơ thực hiện đề tài nghiên cứu về “Đánh giá kết quả điều trị tiêu sợi huyết tĩnh mạch ở bệnh nhân nhồi máu não cấp trong 4,5 giờ sau khởi phát tại khoa Hồi sức tích cực - chống độc BV Đa khoa TP Cần Thơ 2019”.
Qua đó, nhằm đánh giá cũng như khảo sát một số yếu tố liên quan đến tính hiệu quả của việc điều trị tiêu sợi huyết ở bệnh nhân nhồi máu não cấp. Đồng thời, nêu cao ý nghĩa của việc tuyên truyền, giáo dục nhân viên y tế, người dân phát hiện sớm đột quỵ cấp, đưa người bệnh đến cơ sở y tế có đơn vị điều trị đột quỵ trong thời gian vàng.
Bài, ảnh: THU SƯƠNG - (baocantho.com.vn)
T/h: Bích Ngân (dongbang.vn)