Việc ứng dụng CNTT trong khám, chữa bệnh BHYT giúp người bệnh giảm được thủ tục hành chính. (Ảnh: NGUYỄN QUỐC)
Đột phá trong ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành y tế
Theo vị tư lệnh ngành y tế, sự chuyển đổi về nhận thức và cả hệ thống chính trị đã vào cuộc rất quyết liệt đã làm nên kết quả ban đầu trong việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực y tế. Năm 2019, Bộ trưởng Bộ Y tế phê duyệt Đề án phát triển công nghệ thông tin y tế thông minh giai đoạn 2019 -2025; Tiếp tục triển khai Đề án thí điểm hệ thống lưu trữ và truyền tải hình ảnh (PACS) không in phim tại 15 bệnh viện, Hệ thống quản lý thông tin tiêm chủng Quốc gia được triển khai đến tất cả các điểm tiêm chủng trên toàn quốc. Hệ thống quản lý thông tin bệnh truyền nhiễm bằng phần mềm tại 1.761 xã, phường, thị trấn của 33 tỉnh, thành phố.
Ngành y tế cũng phát triển hệ thống tư vấn khám, chữa bệnh từ xa, bệnh án điện tử và tích cực thực hiện Đề án ứng dụng công nghệ thông tin tại trạm y tế xã, phường giai đoạn 2018-2020, hoàn thiện phần mềm hồ sơ sức khỏe điện tử, hiện đã được áp dụng tại trên 15 tỉnh, thành phố. Ngày 12-11, Bộ trưởng Y tế cũng đã ban hành Quyết định 5349 phê duyệt Kế hoạch triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hiện đại hóa hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử, Bộ Y tế đã xây dựng phần mềm thống kê y tế điện tử và triển khai ở 13 tỉnh; phần mềm cổng thông tin y tế và một số hệ thống thông tin khác làm cơ sở hình thành y tế số; Duy trì ổn định hoạt động của 51 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4, 100% các dịch vụ hành chính công được cung cấp ở mức độ 2, triển khai cơ chế một cửa quốc gia. Tính đến hết tháng 10, Bộ Y tế đã triển khai 10 trong số 24 thủ tục hành chính trên Cổng thông tin một cửa quốc gia theo kế hoạch năm 2019.
Việc ứng dụng công nghệ thông tin, bảo đảm hạ tầng kỹ thuật để tăng cường quản lý, nâng cao chất lượng dịch vụ, ngành y tế đặt ra mục tiêu hướng tới sự hài lòng của người dân trong lĩnh vực hành chính công, lĩnh vực khám, chữa bệnh, phòng bệnh, nâng cao sức khỏe và trong các trường đào tạo nhân lực y, dược. Đây cũng là nền tảng để triển khai thanh toán điện tử đối với các dịch vụ hành chính công, thanh toán viện phí và học phí thông qua thanh toán điện tử.
Với sự quan tâm, chỉ đạo, đầu tư của Đảng và Nhà nước, sự phối hợp của các bộ, ngành và địa phương, với sự nỗ lực của toàn ngành, việc ứng dụng CNTT y tế ở các đơn vị, địa phương đã có bước phát triển mạnh mẽ. Bộ Y tế đã ban hành bộ mã danh mục dùng chung áp dụng trong quản lý khám bệnh, chữa bệnh và thanh toán BHYT (Phiên bản số 6) sử dụng tại trên 12 nghìn cơ sở y tế. Bộ cũng hướng dẫn các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trích chuyển dữ liệu lên Cổng Tiếp nhận dữ liệu thuộc Hệ thống thông tin giám định BHYT của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, triển khai đào tạo cho nhân viên các cơ sở y tế. Từ đó nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng quỹ BHYT, quản lý cung ứng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh. "Đến nay,100% các bệnh viện trên toàn quốc đã triển khai hệ thống thông tin bệnh viện, công nghệ thông tin đã được ứng dụng rộng rãi trong khám, chữa bệnh, đón tiếp người bệnh, bước đầu một số bệnh viện đã ứng dụng bệnh án điện tử, bệnh viện không giấy tờ, bệnh viện không phim...", Bộ trưởng nói.
99,5% các cơ sở khám, chữa bệnh kết nối liên thông với BHXH
Đánh giá về thành tựu ba năm triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý khám, chữa bệnh và thanh toán BHYT và Chỉ thị về hành vi chống lạm dụng, trục lợi quỹ bảo hiểm y tế, ông Trần Quý Tường, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Bộ Y tế cho biết, đến nay 100% bệnh viện đã ứng dụng công nghệ thông tin trong khám chữa bệnh và triển khai phần mềm quản lý thông tin bệnh viện; 92,3% bệnh viện triển khai ứng dụng phần mềm quản lý thông tin xét nghiệm; 86,2% bệnh viện triển khai phần mềm quản lý điều hành như văn bản điện tử, thư điện tử.
Phần mềm quản lý khám chữa bệnh BHYT luôn cập nhật các văn bản hướng dẫn hiện hành, văn bản mới về chi phí khám chữa bệnh, danh mục kỹ thuật được áp dụng BHYT, giúp nhân viên y tế dễ dàng trong việc chỉ định y khoa, hạn chế rủi ro do bị xuất toán từ BHYT. Đã có 99,5% các cơ sở khám chữa bệnh tại 63 tỉnh/thành phố trên cả nước khám chữa bệnh BHYT đã kết nối liên thông với hệ thống giám định của BHXH Việt Nam.
Việc liên thông dữ liệu khám chữa bệnh BHYT với BHXH cho phép đánh giá tình hình sử dụng dịch vụ y tế trên toàn quốc và kiểm soát việc cung ứng dịch vụ y tế cho người bệnh, bảo đảm quỹ của người tham gia BHYT được sử dụng tiết kiệm, hiệu quả. Qua quản lý trên hệ thống giám định, các giám định viên nắm được các loại thuốc, xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh, vật tư y tế và dịch vụ kỹ thuật các cơ sở KCB đã sử dụng cho người bệnh BHYT.
Tại bệnh viện đầu ngành về lĩnh vực ung bướu như Bệnh viện K, việc ứng dụng CNTT trong khám chữa bệnh BHYT đem lại lợi ích lớn. Với việc cập nhật bộ mã danh mục dùng chung phục vụ cho việc quản lý khám chữa bệnh và thanh toán BHYT; Thực hiện việc gửi dữ liệu điện tử khám chữa bệnh và dữ liệu đề nghị thanh toán BHYT theo Thông tư 48/2017/TT-BYT; Triển khai phần mềm quản lý bệnh viện, phần mềm đồng bộ hệ thống quản lý chẩn đoán hình ảnh, hệ thống xét nghiệm tại ba cơ sở để thanh toán BHYT… Bệnh viện K đã tiến tới gọn nhẹ thủ tục hành chính, giảm thời gian chờ đợi và thanh toán viện phí, lấy thuốc BHYT nhanh gọn. GS, TS Trần Văn Thuấn, Giám đốc Bệnh viện K cho biết, đổi mới quy trình khám chữa bệnh BHYT cũng giúp cho cán bộ, nhân viên y tế của bệnh viện giảm tải áp lực công việc hơn.
Thực hiện lộ trình BHYT toàn dân, tỷ lệ tham gia BHYT đã tăng từ 88,5% năm 2018 lên 89,9% tháng 10-2019. Hiện nay có khoảng 151,308 triệu lượt người khám bệnh, chữa bệnh BHYT, ước chi khám bệnh, chữa bệnh BHYT là 86.321 tỷ đồng. Vì thế, ứng dụng công nghệ thông tin là một thành tựu để giúp cho ngành y tế tiến tới quản lý hồ sơ sức khỏe cá nhân, thực hiện liên thông giữa các bệnh viện, giúp người bệnh giảm đi những thủ tục hành chính, bác sĩ điều trị cũng nắm được rõ bệnh lý của bệnh nhân một cách hệ thống. Hiện nay, Bộ Y tế đang khẩn trương hoàn chỉnh phương thức thanh toán theo định suất, triển khai thí điểm phương thức thanh toán theo trường hợp bệnh cho một số tỉnh và một số bệnh. Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng nghiên cứu đề xuất việc kết nối, hợp tác và phát triển bảo hiểm y tế, sức khỏe thương mại và các gói bảo hiểm y tế bổ sung.