Chất lượng dịch vụ tại một số bệnh viện tăng lên nhờ thực hiện tự chủ.
Tăng chất lượng dịch vụ y tế nhờ tự chủ
Việc thực hiện cơ chế tự chủ đã góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ, tăng sự hài lòng của người bệnh, giải quyết cơ bản tình trạng quá tải một số bệnh viện Trung ương và thành phố. Một số bệnh viện như Bệnh viện K, Bệnh viện Nội tiết Trung ương, Bệnh viện Nhi Trung ương đã giảm từ 60 - 70% số giường nằm ghép. Các bệnh viện đã chủ động thực hiện nhiều giải pháp để phát triển chuyên môn kỹ thuật. Nhiều bệnh viện Trung ương, tuyến cuối đã triển khai nhiều kỹ thuật cao, tiên tiến ngang tầm với các nước trong khu vực, góp phần cứu chữa được nhiều bệnh hiểm nghèo.
Theo Bộ Y tế, hiện cả nước có 240 bệnh viện lớn đã tự chủ chi thường xuyên, giúp giảm ngân sách nhà nước cấp so với năm 2016 khoảng chín nghìn tỷ đồng. Từ tư duy phục vụ sang cung ứng dịch vụ, việc thực hiện tự chủ thời gian qua cho thấy, chất lượng dịch vụ y tế tăng lên và được đánh giá khách quan qua kết quả khảo sát chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2019, với chỉ số hài lòng của người dân về y tế công lập tăng từ 1,92/2,5 điểm năm 2017 lên 1,96/2,5 điểm năm 2018.
Theo khảo sát của Tổ chức Sáng kiến Việt Nam, chỉ số hài lòng người bệnh nội trú năm 2018 đạt 80,8% (năm 2017 là 79,6%). Theo chức năng, nhiệm vụ được giao, Bộ Y tế sẽ xây dựng các văn bản hướng dẫn thực hiện trong ngành, tổ chức việc triển khai thực hiện và tổ chức công tác thanh tra, kiểm tra theo quy định.
Ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính, Bộ Y tế nói, rõ ràng việc tính chi phí tiền lương vào giá làm thay đổi nhận thức của cán bộ y tế vì chỉ khi bệnh viên có bệnh nhân thì mới tạo ra nguồn thu cho bệnh viện để có nguồn chi trả lương và các chi phí hoạt động của bệnh viện. Vì thế, việc thay đổi thái độ phục vụ, nâng cao chất lượng, hướng tới sự hài lòng của người bệnh thì mới có thể có nguồn lực để duy trì hoạt động và phát triển.
Chống lạm dụng, tận thu khi thực hiện tự chủ
Nhiều người dân băn khoăn khi biết bốn bệnh viện lớn tuyến Trung ương được thực hiện tự chủ toàn diện. Họ đặt ra câu hỏi: liệu đi khám BHYT tại những bệnh viện này khác gì so với các bệnh viện công bình thường? GS, TS Nguyễn Anh Trí, nguyên Giám đốc Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương cũng bày tỏ quan ngại “làm thế nào để chống tư nhân hóa các bệnh viện công?”.
Ông Nguyễn Nam Liên cho biết, không có sự khác biệt nào về khám, chữa bệnh BHYT đối với người bệnh, bởi vì đây là nhiệm vụ của các bệnh viện công. Tuy nhiên, có một thực tế là khi thực hiện tự chủ, một số bệnh viện chỉ chú trọng đến hoạt động dịch vụ, phát triển các dịch vụ kỹ thuật cao, theo yêu cầu để tăng nguồn thu hoặc có thể có lợi ích nhóm….
Bên cạnh đó, nhiều bệnh viện, trung tâm y tế huyện, bệnh viện y học cổ truyền, bệnh viện điều dưỡng phục hồi chức năng... cung ứng được ít dịch vụ, có nguồn thu thấp, thu không đủ chi nhưng vẫn phân loại và giao là đơn vị tự bảo đảm được chi thường xuyên nên rất khó khăn trong việc bảo đảm nguồn tài chính cho các hoạt động; dễ dẫn đến việc chỉ định quá mức cần thiết các dịch vụ, hoặc chỉ định nhập viện để điều trị nội trú chưa đúng quy định.
Do đó, ông Nam Liên cho biết, Bộ Y tế cũng đã có đánh giá cụ thể các tồn tại của vấn đề tự chủ để đề xuất các giải pháp hạn chế.
“Bộ Y tế đề xuất xây dựng một số cơ chế, chính sách như cơ chế hỗ trợ ngân sách nhà nước khi đơn vị không thu đủ bù chi thường xuyên, các hoạt động thuộc nhiệm vụ nhà nước giao (y tế dự phòng, chương trình mục tiêu, hoạt động của trạm y tế xã…), xây dựng các quy định về chuyển tuyến, chỉ định dịch vụ, các quy chế chuyên môn. Đồng thời, Bộ cũng có giải pháp tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về thực hiện các quy trình chuyên môn, thực hiện tiêu chí chất lượng, quản lý tài chính, xử lý nghiêm các sai phạm nếu có. Thực tế, một số bệnh viện có những khoản chi sai đều đã bị xử lý theo quy định tài chính”, ông Liên nói.
Để vừa bảo đảm bài toán thu chi, vừa thực hiện nhiệm vụ khám, chữa bệnh BHYT, vừa nâng cao chất lượng bằng việc đưa vào những kỹ thuật cao, những trang thiết bị hiện đại, ông Liên cho rằng, có thể giao quyền tự chủ cho cả các đơn vị hạch toán độc lập, trực thuộc bệnh viện công khi đơn vị trực thuộc này tự chủ được chi thường xuyên hoặc tự chủ được chi thường xuyên và chi đầu tư. Hướng tới cho phép các bệnh viện công có nguồn thu được quyết định số biên chế không hưởng lương từ ngân sách nhà nước để có nguồn nhân lực bảo đảm và phát triển các hoạt động.
Về tài chính, Bộ sẽ tiếp tục thực hiện lộ trình tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế, nhất là tiền lương phải bảo đảm chi trả thỏa đáng cho cán bộ y tế. Cho các đơn vị dự toán độc lập thuộc các bệnh viện, đơn vị sự nghiệp công đã tự bảo đảm chi thường xuyên hoặc chi thường xuyên và chi đầu tư được tự chủ trong việc quyết định biên chế, đấu thầu, không phải thông qua bệnh viện hoặc đơn vị sự nghiệp cấp trên. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về thực hiện các quy trình chuyên môn, thực hiện tiêu chí chất lượng, quản lý tài chính, xử lý nghiêm các sai phạm nếu có.
“Chúng tôi cũng sẽ hướng dẫn cụ thể việc liên doanh, liên kết, hợp tác đầu tư của các bệnh viện, giữa các bệnh viện công với nhau hoặc giữa bệnh viện công và bệnh viện tư; nên khuyến khích và có cơ chế sáp nhập các bệnh viện công với nhau để không phải đầu tư bệnh viện nhưng các bệnh viện hỗ trợ nhau để phát triển kỹ thuật, nâng cao trình độ chuyên môn…”, ông Nam Liên cho hay.