Chị Vy cọ rửa bồn chứa nước thường xuyên để tránh muỗi đẻ trứng.
Từ đầu năm đến nay, tỉnh đã triển khai 4 đợt chiến dịch phòng, chống bệnh SXH, TCM và bệnh do vi-rút zika, thể hiện sự vào cuộc quyết liệt của ngành y tế, chính quyền địa phương và mạng lưới cộng tác viên. Qua kết quả kiểm tra thực tế tại cộng đồng, kiến thức vệ sinh nước, nhà tiêu, xử lý rác và phòng chống TCM của người dân… đều đạt ở tỷ lệ cao. Tuy nhiên, ý thức người dân trong việc duy trì phòng, chống bệnh còn khá lơ là dẫn đến số cas bệnh tiếp tục có sự biến động. Hiện số cas bệnh trên địa bàn tỉnh vẫn ngày càng tăng và chưa có dấu hiệu dừng lại, thậm chí là nguy cơ bùng phát.
Cốt lõi trong công tác phòng, chống dịch bệnh luôn bắt nguồn từ ý thức người dân. Cho nên, việc nâng cao sự chủ động trong Nhân dân về bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình luôn là điều cần thiết. Bà Nguyễn Thị Hòa (N.T.H.), ở ấp Hòa Quới B, xã Hòa An, huyện Phụng Hiệp, chia sẻ: “Công việc gia đình tôi khá bận rộn, từ đồng áng đến buôn bán nên chẳng có nhiều thời gian để dọn dẹp xung quanh nhà. Gia đình toàn người lớn, nên tôi nghĩ sẽ không dễ bị bệnh”.
Hạn chế trong ý thức của nhiều gia đình đã tác động trực tiếp, gây mất hiệu quả trong khâu phòng, chống bệnh. Thậm chí, có nhiều trường hợp, khi trong gia đình có người thân bị bệnh, họ mới nghĩ đến việc đề phòng, nhưng liệu như vậy có muộn hay chăng ?
Trong tuần 49 (tính đến ngày 4-12), số cas bệnh SXH, TCM đều tăng mạnh so với 2 tuần trước. Cụ thể, toàn tỉnh ghi nhận 16 cas SXH mới, tăng 8 cas so tuần trước (huyện Long Mỹ 7 cas, Châu Thành A 3 cas, thành phố Vị Thanh, huyện Phụng Hiệp, huyện Châu Thành mỗi nơi 2 cas). Số cas SXH ở Hậu Giang hiện là 608, tăng 345 cas so cùng kỳ. Tỷ lệ người trên 15 tuổi bị SXH chiếm 13,49%. Còn bệnh TCM xuất hiện 33 cas, tăng 15 cas so tuần 48 và tăng 57 cas so cùng kỳ. Điều đáng quan tâm là trong tổng số 807 cas TCM ghi nhận, có 345 cas độ IIA và 3 cas độ IIB.
Xã Trường Long A, huyện Châu Thành A là một trong những địa phương ghi nhận số cas bệnh TCM khá cao so cùng kỳ, với 19 cas, tăng 13 cas. Thời gian qua, địa phương luôn chủ động nỗ lực và đưa ra nhiều giải pháp để giúp tình hình dịch bệnh ổn định. Ông Đặng Thanh Bình, Trưởng trạm Y tế xã Trường Long A, chia sẻ: “Chúng tôi dựa vào mạng lưới cộng tác viên, tổ y tế có nhiều kinh nghiệm cộng đồng để thực hiện tuyên truyền, dễ tiếp cận với người dân nhằm tạo sự đồng thuận. Mong rằng người dân sẽ hiểu rõ những tác hại mà bệnh gây ra để tạo ý thức phòng, chống”. Trạm cũng nuôi nhiều hồ cá bảy màu để cấp phát tại nhà cho người dân; thực hiện vãng gia hộ gia đình để nắm bắt thực tế sâu sát địa bàn…
Chị Trần Thu Trang, ở ấp Trường Bình A, xã Trường Long A, cho biết: “Cháu lớn của tôi đã từng mắc bệnh TCM, ảnh hưởng sức khỏe nhiều nên bây giờ gia đình rất ý thức trong việc vệ sinh nhà cửa. Con trai nhỏ mới hơn 5 tháng tuổi, nên đồ chơi của cháu tôi rửa bằng xà phòng, phơi nắng 3 lần/tuần để hạn chế mầm bệnh”.
Còn chị Trần Thị Vy, ở ấp 3, xã Vĩnh Thuận Tây, huyện Vị Thủy, ngoài nỗi lo bệnh TCM lại rất quan tâm phòng, chống SXH cho các con. Chị Vy bộc bạch: “Nhà tôi lau chùi mỗi ngày, làm cỏ xung quanh để tránh muỗi trú ngụ. Các con tôi đều cho mặc quần áo tay dài, ngủ mùng kể cả ban ngày và đốt nhang trừ muỗi”.
Để việc phòng bệnh SXH, TCM hiệu quả, ngoài vai trò của ngành y tế rất cần sự vào cuộc, nỗ lực, đồng thuận và phối hợp nhiệt tình nơi người dân. SXH, TCM đang trở thành nỗi lo của nhiều gia đình và trước khó khăn này, người dân hãy đồng hành, chung tay cùng chính quyền địa phương, ngành y tế phát huy được sức mạnh toàn diện, tổng hợp để mang đến một kết quả tốt nhất.
Ông Phan Văn Hải, Trưởng trạm Y tế xã Vĩnh Thuận Tây, huyện Vị Thủy, cho biết: “Khi phát hiện cas bệnh, chúng tôi sẽ xuống địa bàn nắm tình hình và xác định nguyên nhân gây bệnh. Nhờ đó, nâng cao hiệu quả tuyên truyền, mang tính thuyết phục trong Nhân dân. Chúng tôi còn photo tờ rơi cấp phát tận nhà cho người dân, để cung cấp thêm kiến thức phòng bệnh”.