3 sự cố y khoa tại Đà Nẵng có liên quan đến thuốc gây tê Bupivacaine

Thứ tư, 18 Tháng 12 2019 11:24 (GMT+7)
Ngày 17-12, Sở Y tế TP Đà Nẵng cho biết, Hội đồng chuyên môn đã có thông báo về kết luận đánh giá sự cố y khoa tại Bệnh viện Phụ nữ khiến 2 sản phụ chết, 1 người nguy kịch.
 
Theo đó, sau khi nghe Bệnh viện Phụ nữ báo cáo, nghiên cứu hồ sơ bệnh án, thu thập thông tin dữ liệu liên quan và các ý kiến thảo luận của các thành viên, Hội đồng kết luận: Bệnh viện hoạt động và thực hiện các kỹ thuật chuyên môn theo đúng chức năng đã phê duyệt; các thành viên tham gia điều trị 3 ca này đều đã có chứng chỉ hành nghề và phạm vi hoạt động phù hợp.
 
3 sự cố y khoa tại Đà Nẵng có liên quan đến thuốc gây tê Bupivacaine ảnh 1
Bệnh viện Phụ nữ TP Đà Nẵng, nơi xảy ra 3 sự cố y khoa nghiêm trọng Ảnh: NGUYỄN CƯỜNG
 
Theo Sở Y tế TP Đà Nẵng, tính đến thời điểm xảy ra sự cố tại Bệnh viện Phụ nữ, Sở Y tế chưa nhận được văn bản nào liên quan đến lô thuốc gây tê đã sử dụng cho các ca bệnh nêu trên từ Cục Quản lý Dược - Bộ Y tế, các cơ quan quản lý chuyên môn có liên quan và nhà cung ứng thuốc.
 
Đồng thời, kết quả kiểm nghiệm ngày 9-12 của Viện kiểm nghiệm thuốc Trung ương về mẫu thuốc tê Bupivacaine đạt yêu cầu chất lượng theo tiêu chuẩn cơ sở.
 
Theo thông báo của Sở Y tế, cả 3 ca bệnh đều là sự cố y khoa nghiêm trọng, liên quan đến thuốc gây tê Bupivacaine.
 
Hội đồng chuyên môn xác định nguyên nhân cụ thể: “Đối với sản phụ Lê Huỳnh Phương Triều, tử vong nghĩ nhiều đến sốc phản vệ hoặc ngộ độc thuốc tê Bupivacaine. Đối với sản phụ Võ Thị Nhất Sinh, tử vong nghĩ nhiều đến ngộ độc thuốc Bupivacaine. Trường hợp sản phụ Nguyễn Thị Huyền, chẩn đoán xác định ngộ độc thuốc Bupivacaine”
.
3 sự cố y khoa tại Đà Nẵng có liên quan đến thuốc gây tê Bupivacaine ảnh 2
Lãnh đạo Bộ Y tế đến thăm sản phụ Nguyễn Thị Huyền tại Bệnh viện Đà Nẵng. Ảnh: NGUYỄN CƯỜNG
 
Về xác định có hay không sai sót chuyên môn của Bệnh viện Phụ nữ, trong ca của sản phụ Lê Huỳnh Phương Triều, bệnh án không thể hiện rõ diễn biến lâm sàng cũng như y lệnh cụ thể trong quá trình cấp cứu người bệnh. Bệnh viện đã không báo cáo ngay phản ứng có hại của thuốc trên hệ thống khi xảy ra sự cố.
 
Đối với ca sản phụ Võ Thị Nhất Sinh, bệnh viện Phụ nữ chưa tiên lượng tốt ca bệnh này sẽ diễn tiến theo chiều hướng nặng hơn nên việc cấp cứu và theo dõi ca mổ quá lâu trước khi chuyển bệnh nhân kịp thời đến tuyến trên.
 
Còn với ca của bệnh nhân Nguyễn Thị Huyền, về xử trí điều trị các ca bệnh, ghi chép hồ sơ bệnh án, tiên lượng bệnh: Bệnh viện đã xử trí đúng và chuyển viện kịp thời. Tại đơn vị tiếp nhận tuyến trên là Bệnh viện Đà Nẵng đã cấp cứu ngay theo đúng hướng xử trí ngộ độc thuốc tê nên đã cứu sống bệnh nhân.
 
Qua đó, Sở Y tế đề nghị Bệnh viện Phụ nữ cần rút kinh nghiệm sâu sắc về các ca bệnh đã xảy ra sự cố. Tập trung chú trọng ở khâu tiên lượng bệnh, triển khai báo cáo ngay các sự cố y khoa nghiêm trọng theo quy định.
 
NGUYỄN CƯỜNG - (sggp.org.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Ngành Bệnh viện - Thiết bị Y tế