Ồ ạt nhập viện vì cúm

Thứ hai, 23 Tháng 12 2019 17:33 (GMT+7)
Thời tiết mùa đông xuân với nhiều đợt không khí lạnh tăng cường, cùng với đó là tình trạng ô nhiễm kéo dài khiến cho dịch cúm vào giai đoạn cao điểm với số người mắc tăng cao.
Mặc dù chỉ là cúm mùa thông thường, nhưng dịch bệnh này lại có khả năng lây nhiễm rất cao qua đường hô hấp và là tác nhân gây bệnh do nhiều chủng virus cúm gây ra, khiến cho người dân không khỏi lo lắng. Trong khi đó, tại một số bệnh viện (BV), do số bệnh nhân cúm tăng cao nên dẫn tới thiếu hụt thuốc điều trị Tamiflu. 
 
Lây lan nhanh
 
Qua ghi nhận tại một số BV lớn cho thấy số bệnh nhân tới khám và nhập viện điều trị các bệnh về đường hô hấp, trong đó có bệnh cúm, đang tăng khá cao. Tại Khoa Nhi BV Thanh Nhàn, các bác sĩ cho biết trung bình mỗi ngày khoa tiếp nhận khoảng 60 trẻ, nhưng gần đây có những ngày cao điểm tới gần 200 trẻ (chủ yếu là cảm cúm và một số bệnh đường hô hấp) nên khoa phải bố trí thêm 2 phòng khám, trả kết quả để có thể giải quyết tình trạng quá tải.
 
Còn tại Khoa Nội tổng hợp, số bệnh nhân là người lớn nhập viện điều trị các bệnh như viêm phế quản, viêm phổi tăng hơn 20% so với trước. Theo bác sĩ Đoàn Thị Anh Đào, Phó trưởng khoa Nội tổng hợp, số bệnh nhân tăng cao do đây là mùa dịch cúm và bệnh lý đường hô hấp dưới, cùng với đó là những ảnh hưởng của môi trường bị ô nhiễm nặng nề. 
 
Trong khi đó, tại BV Nhi Trung ương, số trẻ em mắc cúm bị biến chứng hô hấp tăng đột biến. Bác sĩ Đỗ Thiện Hải, Trung tâm Bệnh nhiệt đới trẻ em, cho biết tuần qua ngày nào cũng có hơn 500 bệnh nhi đến khám chủ yếu vì cúm, tăng khoảng 20% số bệnh nhân so với trước.
 
Trước tình trạng gia tăng số bệnh nhi mắc bệnh lý về hô hấp, nhất là bệnh cúm, BV đã dành hẳn khoa Điều trị tự nguyện B và Trung tâm Y học lâm sàng nhiệt đới nhi khoa để tiếp nhận khám, phân loại điều trị bệnh nhân cúm, để tránh tạo thành nguồn lây lan cho những bệnh nhi khác.
Ồ ạt nhập viện vì cúm ảnh 1
Trẻ nhỏ cần được tiêm đầy đủ vaccine ngừa cúm
 
Theo Cục Y tế dự phòng, tác nhân gây bệnh cúm mùa chủ yếu do các chủng virus cúm A (H3N2), cúm A (H1N1), cúm B và cúm C. Tại Việt Nam, tính đến đầu tháng 12-2019, cả nước ghi nhận hơn 408.907 trường hợp mắc cúm, 10 trường hợp tử vong (giảm 10,4% số mắc và giảm 2 trường hợp tử vong so với 2018), tuy nhiên chưa ghi nhận chủng virus cúm mới cũng như chưa có sự đột biến gen làm tăng độc tính hay gây kháng thuốc ở các chủng virus cúm lưu hành trên người.
 
Dự báo trong thời gian tới, số ca mắc bệnh cúm có thể ghi nhận gia tăng trên toàn quốc, nhất là trong mùa đông xuân và dịp Tết Nguyên đán, lễ hội tập trung đông người.
 
Không tùy tiện dùng thuốc
 
Do số bệnh nhân nhiễm cúm nhập viện điều trị gia tăng nên một số BV rơi vào tình trạng thiếu thuốc Tamiflu. Cùng với đó, không ít người, nhất là các gia đình có trẻ nhỏ, lo lắng, đổ xô đi tìm mua thuốc Tamiflu để dự phòng, điều trị khi mắc cúm, làm loại thuốc này bị khan hiếm và đẩy giá lên rất cao. Ghi nhận tại nhiều nhà thuốc ở Hà Nội đã không còn thuốc Tamiflu để bán, nếu còn, giá được đẩy lên khá cao, 170.000-185.000 đồng/viên (cao hơn 100.000 đồng/viên so với trước).
 
Trước diễn biến phức tạp của dịch cúm mùa và nguy cơ thiếu thuốc điều trị cúm (chứa hoạt chất Oseltamivir), Cục Quản lý dược đã khẩn cấp đề nghị sở y tế các tỉnh, thành chỉ đạo cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn liên hệ với cơ sở kinh doanh, nhập khẩu thuốc để chủ động dự trù, thực hiện việc mua sắm, đảm bảo đủ thuốc đáp ứng nhu cầu điều trị bệnh. Tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật với các trường hợp lợi dụng găm hàng, tăng giá thuốc.
 
Các cơ sở nhập khẩu thuốc chủ động liên hệ với những cơ sở cung cấp thuốc chứa Oseltamivir có giấy đăng ký lưu hành tại Việt Nam để phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh, cung ứng đủ thuốc ngay khi nhận được đặt hàng của các BV. Cục Quản lý dược cũng yêu cầu Công ty cổ phần Dược liệu Trung ương 2 khẩn trương thực hiện các thủ tục cần thiết để nhập khẩu thuốc Tamiflu 75mg.
 
Hiện nay, tại Việt Nam có 6 loại thuốc chứa hoạt chất Oseltamivir 75mg điều trị bệnh cúm do Italy, Pháp và Ấn Độ sản xuất, tên thương mại của biệt dược gốc là Tamiflu, đang có visa lưu hành.
 
Theo đại diện Cục Quản lý dược, thuốc Tamiflu là thuốc kê đơn, khi cấp phát, bán lẻ và sử dụng phải có đơn thuốc, nếu sử dụng không theo đúng chỉ định của bác sĩ có thể nguy hiểm tới tính mạng và sức khỏe.
 
Để chủ động phòng chống cúm mùa, người dân cần thực hiện các biện pháp: đảm bảo vệ sinh cá nhân, che miệng khi hắt hơi; thường xuyên rửa tay với xà phòng và  nước sạch; vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối; giữ ấm cơ thể, ăn uống đủ chất để nâng cao thể trạng; tiêm vaccine cúm mùa; hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh khi không cần thiết. Khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi, người bệnh cần đến ngay cơ sở y tế.
 
TPHCM thông báo hết thuốc Tamiflu
 
Sáng 20-12, trong vai người có nhu cầu mua thuốc Tamiflu để điều trị cúm, phóng viên tìm đến các cửa hàng thuốc trên địa bàn quận 3, quận 12 và đều được nhân viên thông báo hết hàng. Theo ông Đỗ Văn Dũng, Trưởng phòng Nghiệp vụ dược (Sở Y tế TPHCM), sở cũng đã nhận được thông tin BV Bệnh nhiệt đới TPHCM thông báo hết thuốc Tamiflu 75mg để điều trị cho bệnh nhân, do công ty không tiếp tục ký hợp đồng và cung cấp thuốc cho BV.
 
Hiện sở đã có công văn gửi đến Cục Quản lý dược xin ý kiến chỉ đạo và làm các thủ tục cần thiết để nhập khẩu thuốc. Dự kiến, khoảng 5-10 ngày nữa sẽ cung ứng đủ thuốc Tamiflu phục vụ nhu cầu điều trị của nhân dân.
 
THÀNH AN
MINH KHANG - (sggp.org.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Ngành Bệnh viện - Thiết bị Y tế