Học sinh Trường Mẫu giáo Hoa Hồng, thị trấn Búng Tàu, rửa tay đúng cách để phòng, chống bệnh tay - chân - miệng.
Thị trấn Búng Tàu (huyện Phụng Hiệp) và phường Hiệp Thành (thị xã Ngã Bảy) là hai địa phương đến nay chưa ghi nhận cas TCM và số trường hợp mắc SXH cũng khá thấp so với các phường, thị trấn khác. Ở các địa phương này đã đề ra nhiều giải pháp phòng, chống dịch bệnh khá cụ thể.
Với vị trí giáp ranh nhiều vùng lân cận, có nguy cơ bùng phát dịch nên thị trấn Búng Tàu luôn quan tâm siết chặt công tác quản lý, ngăn chặn tình trạng diễn biến thất thường của SXH, TCM.
Ông Lê Văn Đông, Trưởng Phòng khám Đa khoa khu vực Búng Tàu, chia sẻ: “Chúng tôi đẩy mạnh công tác vãng gia tại hộ gia đình hàng tháng để kiểm tra môi trường, tuyên truyền cho người dân. Dù đã có nhiều giải pháp dự phòng nhưng 2 cas SXH xảy ra hồi tháng 8 vừa qua đều nằm ở các ấp giáp ranh với tỉnh Sóc Trăng.
Địa phương càng quyết liệt hơn trong quản lý cas bệnh để tránh dịch bùng phát diện rộng, may mắn đã kiềm chế ổn định”.
Mạng lưới cộng tác viên, tổ y tế ấp, cùng chính quyền địa phương luôn vào cuộc sâu sát nhắc nhở người dân tại cộng đồng. Như tiến hành kiểm tra các dụng cụ chứa nước; vận động người dân dọn dẹp vệ sinh, làm cảnh quan môi trường; đưa ra những ví dụ điển hình về nguyên nhân dẫn đến các trường hợp mắc bệnh thực tế…
Để tình hình bệnh TCM không bùng phát (năm 2018 là 2 cas), địa phương quan tâm phối hợp chặt chẽ với ngành giáo dục, tuyên truyền nâng cao kiến thức cho phụ huynh, đặc biệt ở các trường mẫu giáo. Trường Mẫu giáo Hoa Hồng, ở thị trấn Búng Tàu có hơn 265 trẻ theo học, do đó, việc theo dõi chặt, khống chế kịp thời nếu có bệnh xảy ra được địa phương quan tâm, bởi TCM thường mắc ở trẻ dưới 5 tuổi.
Nhìn các em học sinh mẫu giáo rửa tay đúng cách bằng xà phòng khá thạo, minh chứng cho một quá trình nỗ lực để thực hiện hiệu quả công tác dự phòng tại trường. Chị Võ Thị Ngọc Ánh, cán bộ y tế Trường Mẫu giáo Hoa Hồng, cho biết: “Ngay từ đầu năm, Trung tâm Y tế huyện đã tổ chức tập huấn cho chúng tôi về công tác phòng, chống dịch bệnh.
Sau đó, tôi viết ra nhiều bài tuyên truyền liên quan để cung cấp cho giáo viên, rồi thông tin đến phụ huynh nhằm nâng tầm hiểu biết”. Nhờ sự chủ động, nên giáo viên, phụ huynh của trường đều cập nhật thêm cho mình nhiều kiến thức cần thiết để nâng cao ý thức phòng bệnh và phối hợp chặt chẽ cùng ngành y tế.
Các giáo viên đều quan sát kỹ trước khi đón trẻ để phát hiện bất thường, dấu hiệu bệnh. Khi phát hiện trẻ bệnh, trường sẽ liên hệ ngay với phụ huynh để đưa đi điều trị kịp thời, vừa đảm bảo sức khỏe trẻ cũng như hạn chế dịch bệnh lây lan. Ngay từ đầu năm, trường sử dụng cloramin B để lau chùi, dọn dẹp phòng học, đồ dùng học tập và công việc này được duy trì thực hiện hàng tháng để hạn chế mầm bệnh.
Còn phường Hiệp Thành (thị xã Ngã Bảy) rất quyết liệt trong công tác phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt là sự phối hợp chặt chẽ nơi chính quyền địa phương. Từ đầu năm đến nay, phường đã ra quân 5 đợt chiến dịch vệ sinh môi trường, nhằm tạo khí thế, lan tỏa ý thức phòng, chống SXH, TCM tại hộ gia đình.
Bà Phạm Thị Ngọc Châu, ở khu vực 4, phường Hiệp Thành, chia sẻ: “Phòng, chống SXH, TCM dường như người dân ai cũng am hiểu kiến thức và bản thân mỗi người nên tự có trách nhiệm. Khi mắc bệnh sẽ ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe, tốn thời gian, tiền bạc nên tôi sợ lắm”.
Bà Châu luôn dọn dẹp, lau chùi nhà hàng ngày để đảm bảo sạch sẽ; bên ngoài thì quét tước gọn gàng hạn chế nơi muỗi đẻ trứng. Nước mưa dùng để sinh hoạt đều được bà lắng lọc cẩn thận nhiều lần, rồi đậy kín và kiểm tra mỗi tuần vài lần để loại bỏ lăng quăng (nếu có).
Bà Châu thường kiểm tra dụng cụ chứa nước để phòng, chống sốt xuất huyết.
Nhờ sự phối hợp chặt chẽ của chính quyền địa phương, mạng lưới cộng tác viên đã giúp công tác tuyên truyền, vận động người dân về phòng, chống dịch bệnh đạt hiệu quả cao. Khi họ là người gần dân, hiểu dân và dễ dàng tiếp cận. Ông Lê Tuấn Diễn, Bí thư Chi bộ, Trưởng khu vực 3, cho biết: “Việc phòng, chống dịch bệnh luôn được khu vực phối hợp sát với ngành y tế để nâng cao hiệu quả.
Có nhiều trường hợp người dân không đồng ý, tôi sẽ nỗ lực vận động, thuyết phục, giải thích để họ hiểu, nhờ đó dịch bệnh của khu vực được kiềm chế”.
Dù tình hình SXH, TCM trên địa bàn tỉnh hiện nay có dấu hiệu hạ nhiệt, nhưng để duy trì bền vững thì ý thức chủ động phòng bệnh từ người dân vẫn là yếu tố tiên quyết. Khi mỗi người cùng chung tay sẽ giúp công tác phòng SXH, TCM được thực hiện kịp thời, hạn chế ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Phòng, chống dịch bệnh ngay từ cơ sở là điều cần và nên làm ở mọi thời điểm.
Toàn tỉnh ghi nhận 613 cas SXH, tăng 345 cas so cùng kỳ; TCM xuất hiện 836 cas, tăng 14 cas so năm 2018. Riêng tuần 51 (từ ngày 12 đến 18-12), chỉ ghi nhận 3 cas SXH và 12 trường hợp TCM.
|
Bài, ảnh: HỒNG NHUNG - (baohaugiang.com.vn)
T/h: H.Phong - (dongbang.vn)