Ðổi mới phương pháp đào tạo nhân lực y tế

Thứ năm, 26 Tháng 12 2019 07:41 (GMT+7)
Nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân ngày càng tăng, mô hình bệnh tật thay đổi, xu hướng ưu tiên phát triển y tế cơ sở... đòi hỏi công tác đào tạo nguồn nhân lực cho lĩnh vực chăm sóc sức khỏe cũng cần có những thay đổi phù hợp. Sau hơn hai năm triển khai dự án "Giáo dục và đào tạo nhân lực y tế phục vụ cải cách hệ thống y tế (HPET) tại 17 trường đại học, 11 trường cao đẳng y, dược cho thấy những tín hiệu tích cực.
Ðổi mới phương pháp đào tạo nhân lực y tế
Giờ thực hành của sinh viên Trường cao đẳng Y tế Thái Bình.
 
Lâu nay, sinh viên ngành y thường học theo phương pháp là giảng viên phát tài liệu để tự nghiên cứu, khi lên lớp giảng viên sẽ thuyết trình lại những nội dung đó, sinh viên chép lại. Ðây là phương pháp dạy và học có từ rất lâu, khiến các sinh viên thụ động, không tìm hiểu sâu vấn đề, xa rời thực tế. Do vậy, khi triển khai dự án HPET, Bộ Y tế tập trung đổi mới nội dung và phương pháp dạy học để nâng cao năng lực quản lý y tế, năng lực đội ngũ nhân lực y tế cơ sở ở khâu cải thiện hiệu quả chăm sóc sức khỏe ban đầu. Cùng với đó là xây dựng, đổi mới khung chính sách và thể chế tương quan, tạo hành lang pháp lý thuận tiện để hỗ trợ thực hiện việc đổi mới giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực y tế.
 
Ðến nay đã có hơn 10 cơ sở đào tạo được phê duyệt chương trình đào tạo mới với thay đổi cách tiếp cận giảng dạy từ chủ yếu trên lý thuyết sang cách tiếp cận dạy học dựa trên năng lực tập trung vào các ngành bác sĩ đa khoa (BSÐK), bác sĩ răng, hàm, mặt (RHM) và điều dưỡng mà dự án đang hỗ trợ đã góp phần quan trọng vào quá trình thực hiện đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo ngành y tế. Từ tháng 10-2018, tất cả các trường đào tạo BSÐK, điều dưỡng và bác sĩ RHM thuộc dự án đồng loạt triển khai giảng dạy năm thứ nhất theo chương trình khung đổi mới là sáu năm. Trong đó, có 500 giảng viên của năm cơ sở đào tạo được đào tạo, tập huấn thông qua các hội thảo quốc tế; 100 giảng viên của ba cơ sở đào tạo bác sĩ RHM được đào tạo, tập huấn thông qua các hội thảo hướng dẫn bởi chuyên gia quốc tế và trong nước; 110 giảng viên của 11 cơ sở đào tạo điều dưỡng được đào tạo, tập huấn thông qua các hội thảo do các chuyên gia trong nước hướng dẫn.
 
Trường cao đẳng Y tế Thái Bình là một trong những đơn vị có sự thay đổi rất lớn trong đổi mới phương pháp giảng dạy, đơn vị đầu tiên triển khai lớp học đảo chiều, xây dựng hệ thống E-learning, cũng là trường đầu tiên có nhật ký lâm sàng cho sinh viên báo cáo công việc hằng ngày trong quá trình đi thực tập tại các bệnh viện... Do vậy, hơn 70% số sinh viên có việc làm trong vòng sáu tháng sau khi ra trường. TS Nguyễn Thị Thu Dung, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Y tế Thái Bình đánh giá: Từ khi tiếp nhận dự án HPET, nhà trường đã xác định đây là cơ hội tốt để phát triển trong lĩnh vực đào tạo và kết quả đạt được cho thấy có sự chuyển biến rõ ràng trong đổi mới chương trình, phương pháp giảng dạy. Ðáng mừng là cả ban giám hiệu, đội ngũ giảng viên và sinh viên đều quyết tâm thực hiện đổi mới. Kết quả khảo sát cho thấy, hơn 80% sinh viên học theo phương pháp này ra trường tự tin hơn và hơn 90% sinh viên đánh giá hài lòng về sự thay đổi chương trình giảng dạy.
 
Sinh viên Nguyễn Phương Anh, Lớp AVO k2, Trường cao đẳng Y tế Thái Bình chia sẻ: "Với phương pháp học tập mới, giúp người học biết được công việc của người điều dưỡng khi ra thực tế ở bệnh viện. Ngay từ khi ngồi ở giảng đường, chúng em đã được hướng dẫn rất kỹ từ cách đón tiếp người bệnh đến chuẩn bị dụng cụ, cách viết bệnh án... So với cách học trước đây, chúng em có phần bỡ ngỡ do phải thực hành nhiều hơn lý thuyết nhưng lại có thể tiếp thu công việc nhanh hơn, tốt hơn và cải thiện kỹ năng của người điều dưỡng tương lai. Nếu như với phương pháp truyền thống, giảng viên phát tài liệu và lên lớp giảng viên thuyết trình thì theo phương pháp mới yêu cầu người giảng viên phải tích cực hơn, có sự chuẩn bị nhiều hơn, phải soạn giáo trình và các vi-đê-ô bài giảng đăng lên trang web của nhà trường vào hệ thống E-learning để sinh viên có tư liệu tham khảo bài trước khi lên lớp".
 
Thạc sĩ Lê Thị Hoa, giảng viên Khoa Y học cơ sở cho biết: "Khi giảng viên giao bài tập cho học viên, các em phải làm các sản phẩm tự học và nghiên cứu kỹ các tài liệu, sau đó thảo luận nhóm và giải quyết các câu hỏi tình huống giảng viên giao. Khi tới lớp, các em rất tích cực tham gia phát biểu ý kiến và trình bày sản phẩm học ở nhà. Tôi thấy chương trình giúp cho các em học rất tốt. Các em có thể học bằng máy tính, điện thoại mọi lúc mọi nơi, tiện lợi hơn hẳn phương pháp cũ".
 
NINH CƠ - (nhandan.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Ngành Bệnh viện - Thiết bị Y tế