Các bác sĩ BVĐK tỉnh Thanh Hóa thực hiện ca ghép thận.
Ngày 30-12-2019, một thanh niên 30 tuổi bị chấn thương sọ não không thể qua khỏi tại Bệnh viện đa khoa (BVĐK) tỉnh Thanh Hóa. Lần đầu tiên, tại bệnh viện này, các bác sĩ đã vận động được gia đình bệnh nhân hiến tạng. Vì quy trình đánh giá chết não đòi hỏi khá chặt chẽ qua Hội đồng đánh giá nên BV Thanh Hóa quyết định chuyển bệnh nhân ra BV Việt Đức đánh giá chết não để bảo đảm độ chính xác cao nhất. Kèm với đó, BV Thanh Hóa cũng gửi danh sách những bệnh nhân cần ghép thận để làm các xét nghiệm tương đồng.
Sau khi đánh giá chết não, bệnh nhân được đưa vào lấy đa tạng, nhưng vì người bệnh có bệnh lý tim bẩm sinh nên chỉ lấy được gan và thận. Sau mổ lấy tạng, một quả thận được bảo quản và vận chuyển xuyên đêm tối về Thanh Hóa. Ca ghép thận được tiến hành từ 1 giờ đến 4 giờ sáng ngày 31-12 - ngày cuối cùng của năm 2019. BV Việt Đức cử hai cán bộ y tế giám sát quá trình ghép quả thận được điều phối 200 km từ Hà Nội.
PGS, TS Nguyễn Quang Nghĩa, Giám đốc Trung tâm Ghép tạng, BV Hữu nghị Việt Đức đánh giá, đây là một bước tiến vượt bậc của tuyến tỉnh trong thực hiện ghép thận kể từ khi được Bệnh viện Việt Đức chuyển giao kỹ thuật này. Hiện tại, bệnh nhân được ghép thận đã ổn định, đi lại được bình thường và có thể dự kiến ra viện trong 10 ngày nữa.
“Tại Đơn nguyên chạy thận nhân tạo của BVĐK tỉnh Thanh Hóa có khoảng 400 bệnh nhân chạy thận định kỳ, nguyện vọng ghép thận rất lớn. Vì thế, Thanh Hóa là một tỉnh rất quyết tâm học chuyển giao kỹ thuật này”, BS Nghĩa cho hay.
Các bác sĩ vận chuyển một quả thận từ BV Việt Đức về Thanh Hóa để ghép ngay trong đêm.
Đến nay, BV Việt Đức đã hoàn thiện việc chuyển giao kỹ thuật ghép tạng cho hai bệnh viện tuyến tỉnh là BVĐK tỉnh Phú Thọ và Thanh Hóa. Nhờ sự chuyển giao này, tỉnh Phú Thọ hiện đã triển khai được 20 ca ghép thận, trong đó có một ca ghép đầu tiên cho người bệnh không cùng nhóm máu. Thanh Hóa cũng thực hiện được năm ca ghép thành công. Việc ghép thận tại địa phương giúp cho người bệnh giảm chi phí đi lại, đặc biệt là việc tái khám hằng tháng, lấy thuốc ức chế miễn dịch sau ghép.
Theo PGS Nguyễn Quang Nghĩa, việc đào tạo chuyển giao kỹ thuật ghép thận không quá phức tạp. Chỉ cần bệnh viện có đơn vị chạy thận, thực hiện được phẫu thuật tim phổi, kỹ thuật ngoại khoa phát triển có thể chuyển giao thuật được tốt ghép tạng. Sau khi khảo sát tại các bệnh viện có nhu cầu, BV Việt Đức sẽ đào tạo khoảng hơn 20 gói kỹ thuật cho nhân viên y tế tuyến tỉnh. Sau đó, bệnh viện làm đề án xin tiến hành ghép thận tại tuyến tỉnh và chờ Bộ Y tế cấp phép.
Theo quy trình chuyển giao, ca đầu tiên, 100% ê-kíp y, bác sĩ BV Việt Đức chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới. Từ những ca ghép thận sau, các bác sĩ BV Việt Đức sẽ rút dần ở các khâu, chỉ đứng giám sát để các bệnh viện chủ động thực hiện ghép tạng.
“Điều lo ngại nhất khi chuyển giao ghép tạng cho tuyến tỉnh đó là việc ghép tạng có nhiều mắt xích. Có những vấn đề, khi chúng tôi rút về, có thể họ không xử lý kịp thời hoặc không có kinh nghiệm phát hiện sự cố, có thể xảy ra những biến chứng nặng nề sau ghép. Vì thế, chúng tôi phải thường xuyên kết nối thông tin qua Zalo để chia sẻ hàng giờ về tình trạng người bệnh. Nếu có vấn đề, nhóm chuyên gia của BV Việt Đức sẽ giúp phát hiện ra và cử người về tận nơi giải quyết nếu có bất thường”, PGS Nghĩa nói.
Giám đốc BV Việt Đức - GS, TS Trần Bình Giang đánh giá, việc mở rộng mạng lưới ghép thận ở tuyến tỉnh cũng là một cách để thu hút nguồn hiến tạng từ người cho chết não, để bệnh viện các tuyến cũng hiểu và giải thích người nhà có người chết não sẽ hiến tạng sau khi qua đời.
Hiện nay, tỷ lệ sống khỏe mạnh sau 5 năm ghép thận là 95-98%. Sau Phú Thọ và Thanh Hóa, BV Việt Đức cũng đang chuyển giao kỹ thuật cho BVĐK tỉnh Nghệ An. “Chúng tôi đã hoàn tất việc đào tạo, đang trình xin phép Bộ Y tế. Thời điểm tại, BVĐK tỉnh Nghệ An cũng đang tiến hành bước lựa chọn bệnh nhân vào danh sách chờ ghép”, BS Giang nói.
TRẦN NGUYÊN - (nhandan.com.vn)
T/h: H.Phong - (dongbang.vn)