Hội đồng Chuyên môn hội chẩn ngày 31-3.
Hôm nay, tại Trung tâm quản lý, điều hành trực tuyến hỗ trợ chuyên môn chẩn đoán, điều trị Covid - 19 đã diễn ra buổi hội chẩn của Hội đồng Chuyên môn có PGS, TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh - Phó Trưởng tiểu ban điều trị - Giám đốc Trung tâm quản lý, điều hành hỗ trợ chuyên môn chẩn đoán, điều trị Covid-19 và GS, TS Ngô Quý Châu - Quyền Chủ tịch Hội đồng quản lý Bệnh viện Bạch Mai, Chủ tịch Hội Hô hấp Việt Nam; GS, TS Nguyễn Gia Bình - Tổ trưởng Tổ Hội chẩn chuyên môn chăm sóc, điều trị ca bệnh Covid-19 diễn biến nặng, nguy kịch; GS, TS Đỗ Quyết - Giám đốc Học viện Quân y; PGS, TS Nguyễn Viết Nhung - Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương; PGS, TS Đào Xuân Cơ - Trưởng khoa Hồi sức Tích cực Bệnh viện Bạch Mai; GS, TS Nguyễn Văn Kính - nguyên Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam, BSCKII Nguyễn Hồng Hà, Nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương….
Các điểm cầu tham gia gồm có Bệnh viện Bạch Mai; Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2; Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam, Bệnh viện Đa khoa Ninh Thận; Bệnh viện Trung ương Huế…
Các chuyên gia Hội đồng chuyên môn đánh giá cao nỗ lực của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương trong điều trị người bệnh và khẳng định bệnh viện đang đi đúng hướng trong điều trị người bệnh nặng. Tất cả các thông tin đều công khai, minh bạch và thống nhất cao, tuy nhiên người quyết định cuối cùng vẫn là bác sĩ điều trị theo dõi sát tình trạng người bệnh. Tại buổi hội chẩn, Tiểu ban điều trị cũng xem xét các trường hợp được ra viện.
Đối với Bệnh viện Bạch Mai, PGS, TS Lương Ngọc Khuê đề nghị bệnh viện đoàn kết, nỗ lực thực hiện chống dịch Covid-19 trong bệnh viện; bảo đảm chăm sóc bệnh nhân nặng. Hiện tại, bệnh viện có 773 người bệnh nội trú, trong đó có khoảng 200 bệnh nhân nặng, không có người bệnh vào hoặc ra viện. Với những ca bệnh nặng trước khi chuyển về Bệnh viện Bạch Mai phải được Hội đồng Chuyên môn bệnh viện hội chẩn, hỗ trợ chuyên môn từ xa, khi vượt quá khả năng của tuyến dưới mới chuyển về Bệnh viện Bạch Mai điều trị.
Theo Tiểu ban Điều trị, đến nay, hiện có 22 cơ sở y tế điều trị người bệnh Covid-19, trong đó có 51 ca âm tính lần 1 và 34 ca âm tính lần 2. Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương có ba bệnh nhân nặng đã có những tiến triển tốt: trong đó có một ca ECMO. Bệnh nhân số 26 đã rút ống nội khí quản và đang được theo dõi; một ca thở máy không xâm nhập.
Trong ngày hôm nay, một bệnh nhân điều trị Bệnh viện Trung ương Huế (BN 49) và một Bệnh nhân Cần Giờ được ra viện (BN 54) và dự kiến ngày mai 1-4 sẽ có hai bệnh nhân tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Thuận ra viện (BN 61 và BN 67).
|
Ngày 30-3, Bộ Y tế đã có công văn gửi các bệnh viện trực thuộc bộ, Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, y tế các ngành về việc Bệnh viện Bạch Mai tổ chức tiếp nhận, điều trị người bệnh nặng, nguy kịch. Theo đó, trong hoạt động thường ngày, Bệnh viện Bạch Mai là cơ sở điều trị tuyến cuối, tiếp nhận khoảng 100 người bệnh nặng từ các cơ sở y tế chuyển đến. Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, những người bệnh mắc bệnh nặng về ngoại, sản, nhi khoa… có thể được chuyển đến các bệnh viện khác để điều trị như Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Bệnh viện Phụ sản Trung ương, Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Thanh Nhàn, Bệnh viện Xanh Pôn…
Đối với một số những người bệnh mắc bệnh nặng, nguy kịch về nội khoa, nếu không được tiếp nhận, điều trị, tỷ lệ tử vong khá cao. Trong trường hợp cách ly toàn bộ Bệnh viện Bạch Mai sẽ có nguy cơ không ít số người bệnh nặng mất cơ hội được cứu sống. Vì vậy việc cứu chữa người bệnh nặng, nguy kịch và đồng thời việc bảo đảm phòng tránh lây nhiễm trong Bệnh viện Bạch Mai cần đặt lên nhiệm vụ ưu tiên quan trọng.
Vì thế, Bộ Y tế đề nghị, Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận các người bệnh nặng, nguy kịch mà không thể chuyển sang các bệnh viện tuyến Trung ương và các bệnh viện khác trên địa bàn Hà Nội; Đề nghị các cơ sở khám, chữa bệnh tuyến dưới tổ chức hội chẩn, trao đổi, trực tuyến với Bệnh viện Bạch Mai để thống nhất việc chuyển người bệnh đến Bệnh viện Bạch Mai để điều trị hay chuyển người bệnh đến các bệnh viện khác cho phù hợp.
Khi thống nhất chuyển người bệnh nặng, nguy kịch đến Bệnh viện Bạch Mai để điều trị, các cơ sở khám, chữa bệnh tuyến dưới phải bố trí xe cấp cứu vận chuyển trực tiếp người bệnh đến Khoa Cấp cứu, Khoa Hồi sức tích cực… (như đã thống nhất với Bệnh viện Bạch Mai trước khi chuyển viện), bảo đảm an toàn cho người bệnh, phòng, kiểm soát lây nhiễm, coi những người bệnh này có nguy cơ cao nhiễm dịch bệnh Covid-19.
Bệnh viện Bạch Mai quy định, tổ chức phân luồng những người bệnh nặng được chuyển đến bệnh viện, trực tiếp đến Khoa Cấp cứu, Khoa Hồi sức tích cực... Trong Khoa bố trí một khu vực riêng tiếp nhận những người bệnh này. Bệnh viện Bạch Mai thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 cho người bệnh đến điều trị. Việc thực hiện công tác khám bệnh, chẩn đoán, điều trị, thực hiện thủ thuật, phẫu thuật… đối với những người bệnh này được coi như với người bệnh nghi Covid-19 đến khi có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2.
Trong tình huống quá tải công tác cấp cứu, khám, chữa bệnh người bệnh nặng, Bệnh viện Bạch Mai chuyển người bệnh nhẹ đã qua giai đoạn nặng, nguy kịch về bệnh viện khác để điều trị hoặc cho xuất viện những người đã khỏi bệnh. Bệnh viện thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 cho những người này, nếu kết quả âm tính cho chuyển viện hoặc xuất viện. Đồng thời Bệnh viện Bạch Mai có văn bản thông báo danh sách người bệnh được chuyển viện hoặc xuất viện cho cơ sở khám, chữa bệnh hoặc Sở Y tế các tỉnh, thành phố để tiếp tục điều trị hoặc cách ly y tế theo quy định hiện hành. Việc vận chuyển người bệnh từ Bệnh viện Bạch Mai phải tuân thủ hướng dẫn vận chuyển người bệnh từ vùng dịch.
Các cơ sở khám chữa bệnh ở địa phương tiếp nhận những người bệnh được chuyển từ Bệnh viện Bạch Mai về theo cách tiếp cận đây là những người F1 của người bệnh Covid-19. Sở Y tế các tỉnh, thành phố tổ chức cách ly tiếp tục những người được xuất viện từ Bệnh viện Bạch Mai tại địa phương theo quy định hiện hành.
THIÊN LAM - (nhandan.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)