Qua tìm hiểu công thức của sản phẩm rửa tay khô do các đơn vị trong và ngoài nước sản xuất hiện bán trên thị trường, cũng như cách pha chế do các tổ chức y tế, tổ chức phòng, chống dịch bệnh khuyến cáo, nhóm nghiên cứu nhận thấy công thức do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo có nhiều vượt trội như: chất khử trùng chủ lực ít độc hại, mùi ít khó chịu, khá dễ tìm tại An Giang và vùng lân cận, chủng loại các hóa chất cần thiết khác khá phổ biến trên thị trường An Giang và quy trình sản xuất không cần quá nhiều thiết bị hiện đại, chính xác. Thành phần chính bao gồm: ethanol (cồn) 96%, hydrogen peroxide (ô-xy già) 3%, 98% và nước cất hoặc nước đun sôi để nguội, từ đó sẽ pha chế được dung dịch rửa tay khô sát khuẩn với nồng độ còn từ 75-85%.
Theo Giám đốc Trung tâm Nguyễn Văn Tùng, trong quá trình thử nghiệm, nhóm nghiên cứu đã tiến hành kiểm tra và đánh giá hiệu quả diệt khuẩn của dung dịch này khi lau trên mặt bàn làm việc bằng gỗ. Kết quả kiểm tra cho thấy, sản phẩm có khả năng diệt khuẩn trên 99% và hiệu quả dài hơn 2 giờ. Đồng thời, để đảm bảo an toàn cho sức khỏe người dùng, Trung tâm đã gửi mẫu dung dịch này đến Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng Cần Thơ kiểm nghiệm một số chỉ tiêu kim loại nặng như: chì, thủy ngân, asen. Kết quả, không phát hiện các kim loại nặng này trong dung dịch.
Sản phẩm đã được triển khai dùng thử tại Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT). Kết quả khảo sát cho thấy, sản phẩm có khả năng đưa vào sử dụng rộng rãi và phù hợp với tình hình hiện nay. Từ kết quả nghiên cứu trên, để chuyển giao rộng rãi quy trình sản xuất đến nhiều đối tượng trên địa bàn tỉnh, Trung tâm đã tiến hành xây dựng tài liệu hướng dẫn pha dung dịch rửa tay khô sát khuẩn (theo khuyến cáo của WHO) với các bước thực hiện đơn giản và những nguyên vật liệu dễ tìm.
Môi trường học đường rất dễ làm lây lan và bùng phát các bệnh truyền nhiễm, nếu như nguồn lây không được kiểm soát tốt. Vì vậy, ưu tiên chuyển giao quy trình đến các cơ sở giáo dục nhằm giúp các trường học chủ động và cơ động các biện pháp khử trùng; phòng, chống dịch bệnh bằng các nguồn tự có của cơ sở, cụ thể là việc tự pha chế nhanh dung dịch rửa tay khô sát khuẩn với giá cả hợp lý.
Trung tâm đã phối hợp Sở GD&ĐT tổ chức 21 lớp tập huấn kỹ thuật tự pha chế và sử dụng dung dịch rửa tay khô sát khuẩn trong trường học cho 1.119 cán bộ các Phòng GD&ĐT và các trường học trên toàn tỉnh. Qua lớp tập huấn, các cán bộ và giáo viên có thể tự pha chế nước rửa tay khô sát khuẩn và triển khai sử dụng cho đơn vị của mình. Bên cạnh đó, Trung tâm đã hỗ trợ miễn phí cho 11 điểm trường tổ chức tập huấn một số nguyên liệu (gồm: 20 lít cồn 96%, 1 lít ô-xy già 3%, 0,34 lít glycerin 98%) để các trường có thể tự pha chế, sử dụng.
Đến nay, tất cả các trường học đã tiến hành mua nguyên liệu để pha chế nước rửa tay khô sát khuẩn sẵn sàng đón học sinh trở lại trường sau dịch bệnh. Ngoài ra, nhiều cơ quan, đơn vị cũng áp dụng công thức này để tự pha chế dung dịch rửa tay khô sát khuẩn sử dụng hiệu quả, ít tốn chi phí và tiện ích. Giá thành để pha 1 lít dung dịch sát khuẩn chỉ khoảng 30.000-40.000 đồng.
Hướng dẫn pha dung dịch rửa tay khô sát khuẩn định tính từ lá nha đam (trong điều kiện không có thiết bị định lượng và glycerin):
Để pha khoảng 1,2 lít dung dịch rửa tay cần dùng: cồn 96%: 1.000ml; ô-xy già 3%: bình 60 ml; nước lọc: 100 ml; lá nha đam: 100gr; chai PET sạch 1,5 lít, có nắp vặn; máy xay sinh tố; phễu (nếu cần)
Bước 1: cho 1 lít cồn 96% vào chai PET 1,5 lít.
Bước 2: cho 60ml ô-xy già 3% vào chai PET 1,5 lít (đã chứa 1 lít cồn) và đậy nắp lắc đều.
Bước 3: (tạo gel nha đam): thịt từ 100gr lá nha đam+100 ml nước lọc xay nhuyễn bằng máy xay sinh tố và lọc qua túi vải để loại cặn bã.
Bước 4: dùng khoảng 140 ml dung dịch gel nha đam tại bước 3 cho vào bình chai 1,5 lít (đã chứa dung dịch của bước 2) và lắc đều để hòa tan hoàn toàn. Lắc mạnh sau mỗi 12 giờ, có thể lọc tách bông cặn (nếu cần) và sử dụng dung dịch sau 72 giờ.
Lưu ý: không tiếp tục sử dụng dung dịch sát khuẩn khi có triệu chứng dị ứng da. Cồn: cần mua cồn thực phẩm không dùng cồn công nghiệp. Ô-xy già 3% nên mua tại các hiệu thuốc tây. Gel nha đam tự làm: cần gọt thật sạch phần vỏ lá nha đam (thịt nha đam trắng trong không còn màu xanh) và tán nhuyễn qua rây (nếu không có máy xay).
Dung dịch cần lọc qua túi vải để tránh cặn và tạo cảm giác nhám tay khi dùng dung dịch. Có thể sử dụng toàn bộ dung dịch gel nha đam của bước 3 để pha vào dung dịch của bước 2. Có thể dùng cân để cân 100gr nước trong chai PET (loại chai 330ml) để có khoảng 100 ml nước. Cẩn thận trong thao tác, tránh các hóa chất, dung dịch văng vào mắt. Nguyên liệu và thành phẩm có độ bắt lửa cao nên đề phòng cháy, nổ.
|
Bài, ảnh: HẠNH CHÂU - (baoangiang.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)