Thách thức nào với các nhà khoa học khi tìm nguyên nhân bệnh nhân tái dương tính

Thứ tư, 06 Tháng 5 2020 07:50 (GMT+7)
Có nhiều giả thiết được đặt ra chung quanh việc bệnh nhân tái dương tính với SARS-CoV-2 là do cách lấy mẫu, do test xét nghiệm, hay do người lành mang trùng… Đến nay, đây vẫn là câu hỏi thách thức với các nhà khoa học.
Thách thức nào với các nhà khoa học khi tìm nguyên nhân bệnh nhân tái dương tính
(Ảnh minh họa).
 
Ngày 5-5, Việt Nam có hai bệnh nhân tái dương tính được tiếp tục công bố điều trị khỏi bệnh tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Tối muộn qua, Việt Nam cũng ghi nhận thêm một ca tái dương tính trở lại là một bệnh nhi 10 tuổi, đã hoàn thành đủ cách ly 14 ngày và phát hiện dương tính trở lại sau gần một tháng xuất viện (xuất viện ngày 10-4). Đây là ca thứ 10 được xác định tái dương tính tại TP Hồ Chí Minh.
 
Chia sẻ thông tin về những ca bệnh Covid-19 tái dương tính trở lại sau khi đã được điều trị khỏi nhiều ngày, như trường hợp này là gần một tháng, TS, BS Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, hiện nay, xét nghiệm Realtime – PCR (RT-PCR) là phương pháp xét nghiệm phát hiện vật liệu di truyền của virus SARS-CoV-2. Đây là xét nghiệm quan trọng nhất với độ nhạy và đặc hiệu cao nhất, chính vì vậy nó được coi là phương pháp xét nghiệm giúp chẩn đoán xác định bệnh Covid-19. Tuy nhiên, điểm hạn chế nhất của xét nghiệm này là chỉ xác định được có hay không sự hiện diện của virus trong mẫu bệnh phẩm mà không thể xác định được đó là virus sống/bất hoạt hay đã chết.
 
Thời gian vừa qua, Việt Nam phát hiện 13 ca dương tính trở lại sau khi được điều trị khỏi. Việc những bệnh nhân sau khi khỏi bệnh lại phát hiện dương tính trở lại bằng xét nghiệm RT-PCR đã được báo cáo tại nhiều quốc gia như Việt Nam, Nhật Bản, Hàn Quốc… là vấn đề gây đau đầu cho các nhà khoa học do có nhiều giả thuyết được đưa ra để giải thích nhưng cho tới nay vẫn chưa có kết luận cuối cùng.
 
BS Lê Quốc Hùng phân tích, hiện nay có ba giả thiết được các nhà khoa học đặt ra và các giả thiết này cũng chỉ đúng trong một vài trường hợp riêng lẻ.
 
Giả thuyết do sai lầm trong xét nghiệm được đặt ra trong giai đoạn vài trường hợp đầu tiên tái dương tính xuất hiện. Tuy nhiên nhiều trường hợp tái dương tính đã xuất hiện sau đó và những người này đã được xét nghiệm nhiều lần dương tính sau đó. Do đó trong thực tế giả thuyết này chỉ đúng trong một vài trường hợp lẻ tẻ.
 
Về giả thuyết do tái phát hay tái nhiễm, BS Lê Quốc Hùng cho hay, về lý thuyết, hiện nay chưa có thuốc diệt virus đặc hiệu do vậy việc số lượng virus bị giảm đi và biến mất trong cơ thể người bệnh là do vai trò của kháng thể. Khi khỏi bệnh cũng có nghĩa là kháng thể do cơ thể người bệnh tạo ra đã đủ để tiêu diệt virus.
 
“Thường thì kháng thể được tạo ra sẽ tồn tại trong cơ thể người bệnh một khoảng thời gian nào đó nhưng với Covid-19 người ta chưa biết thời gian này là bao lâu. Kháng thể tồn tại trong con người sẽ giúp tiêu diệt nốt số virus còn “vương vãi” trong một số tế bào và làm cho những virus còn sót lại này không thể phát triển mạnh trở lại để trở thành trường hợp “tái phát” cũng như bảo đảm nếu có một số virus mới xâm nhập do người khỏi bệnh lại tiếp xúc với nguồn lây thì số virus này cũng sẽ bị kháng thể còn tồn tại tiêu diệt để tránh trường hợp tái nhiễm”, BS Hùng cho hay.
 
Trong thực tế, có một số virus đột biến qua các vòng phát triển, những virus đột biến này có thể trốn thoát được kháng thể tồn tại (đã nêu trên) và phát triển thành bệnh ở những người đã khỏi bệnh dẫn tới các trường hợp tái phát hay tái nhiễm. Tuy nhiên, BS Hùng cho rằng, giả thuyết này cần có thêm thời gian theo dõi và xác định.
 
Về giả thuyết thứ ba là người tái nhiễm mang xác virus như hai trường hợp được công bố điều trị khỏi tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới ngày 5-5, BS Hùng cho hay, khi kháng thể đặc hiệu được cơ thể sản sinh ra đủ để “tổng phản công”, phần lớn virus trong cơ thể sẽ bị tiêu diệt và đào thải ra ngoài cơ thể. Do đó bệnh nhân có nhiều lần được xét nghiệm âm tính trước khi được khẳng định khỏi bệnh.
 
Đối với người tái dương tính có thể có một trong hai trường hợp sau xảy ra, một là xác của các virus bị tiêu diệt do kháng thể còn nằm vương vãi đâu đó trong cơ thể và dần được thu gom trong thời gian hồi phục và được thải ra sau một thời gian khỏi bệnh. “Trường hợp này hơi mang tính suy đoán”, BS Hùng nói.
 
Trường hợp thứ hai, trong tổng số virus xâm nhập vào cơ thể người bệnh có một số virus xâm nhập vào các tế bào cơ thể người và nằm yên tại đó mà không tiếp tục phát triển như phần đông “chúng bạn” virus khác. Đến một lúc nào đó hay trong một điều kiện nào đó chúng sẽ đột nhiên tái hoạt động trở lại (như chủng virus Herpes zoster), thoát ra khỏi tế bào cơ thể người dẫn tới kết quả xét nghiệm RT-PCR kiểm tra tái dương tính.
 
“Tuy nhiên, cho tới nay trong thực tế đại đa số những trường hợp tái dương tính là những người không có tái phát triệu chứng bệnh và cũng không lây bệnh cho những người tiếp xúc gần. Điều này dẫn tới giả thuyết rằng, không may cho virus SARS-CoV2, do thời gian tái hoạt động trở lại quá ngắn khi lượng kháng thể còn tồn tại nên chúng mau chóng bị tiêu diệt hay làm cho bất hoạt. Kết quả RT-PCR tái dương tính chỉ là xác của virus bị tiêu diệt lần thứ hai”, BS Hùng cho hay.
 
Cũng theo chuyên gia truyền nhiễm này, các giả thuyết chỉ là giải thuyết, để biết chính xác về bản chất vấn đề tái dương tính các nhà khoa học cần tiến hành nhiều nghiên cứu sâu hơn để hiểu rõ về bản chất của SARS-CoV 2. Và trong tương lai, nếu có các giả thuyết mới ra đời thì sẽ có thêm các nghiên cứu mới về việc này.
 
Do đó, trước mắt vẫn phải cách ly những người tái dương tính, lấy mẫu làm xét nghiệm RT-PCR mỗi ngày. Nếu mẫu bệnh phẩm nào có kết quả RT-PCR dương tính thì sẽ được đưa vào cấy trong môi trường thuận lợi cho virus mọc. Bên cạnh đó các xét nghiệm kháng thể trung hòa cũng được tiến hành song song để xác định khả năng tiêu diệt/bất hoạt virus của kháng thể…
 
ĐẶNG LUÂN - (nhandan.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Ngành Bệnh viện - Thiết bị Y tế