“Lười sinh” dẫn đến nhiều gánh nặng xã hội

Thứ tư, 20 Tháng 5 2020 07:59 (GMT+7)
Việc điều chỉnh mức sinh và khuyến khích thanh niên lập gia đình trước tuổi 30 là những chính sách nhằm nâng cao chất lượng dân số Việt Nam hiện nay

Theo GS Nguyễn Đình Cử - chuyên gia dân số, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu dân số, gia đình và trẻ em - hiện nay nếu tính chung cả nước thì mức sinh thay thế (TFR) là hơn 2 con/phụ nữ, đạt mục tiêu chung mà chúng ta đã đề ra và thực hiện hơn 50 năm nay. Mục tiêu này đã đạt được từ năm 2005 và duy trì cho đến nay. Điều này có ý nghĩa lớn đối với việc thực hiện các mục tiêu về dân số cũng như góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao chất lượng sống của người dân trong những năm qua.
 
Dân số già hóa nhanh
 
Tuy nhiên, nếu phân tích sâu vào các vùng thì rõ ràng thấy sự chênh lệch khác biệt rõ rệt về TFR. Do trình độ dân trí không đồng đều, do văn hóa, kinh tế khác nhau mà mức sinh ở các vùng cũng khác nhau. Các địa phương như Tây Nguyên, Tây Bắc, Bắc Trung Bộ có mức sinh cao hơn 3 con/phụ nữ, thậm chí có nơi 6-7 con/phụ nữ. Trong khi các vùng khác như TP HCM, đồng bằng sông Cửu Long TFR dưới 1,5 con/phụ nữ, cá biệt có nơi rất thấp như TP HCM chỉ đạt 1,3 con/phụ nữ.
 
GS Cử cũng cho rằng ở các vùng sinh nhiều, các gia đình đông con thường rơi vào địa phương có kinh tế - xã hội kém phát triển, nhà nghèo. Đông con càng kéo theo các hậu quả nuôi dạy con không tốt, kinh tế gia đình không phát triển được, nghèo càng nghèo thêm, chất lượng dân số càng kém. Còn nơi lười sinh, sinh ít thì cũng không có lợi cho sự phát triển xã hội. Hậu quả là già hóa dân số nhanh, thiếu lao động, người làm ít, người phải chăm sóc nhiều nên gánh nặng an sinh xã hội lớn. Cụ thể như mô hình gia đình "4-2-1" ở Trung Quốc giai đoạn trước đã nảy sinh nhiều hệ lụy. Tức là 4 ông bà nội ngoại, 2 bố mẹ xoay quanh 1 đứa trẻ. Đứa trẻ có thể trở thành trung tâm, được nuông chiều, dễ béo phì, tính tự lập kém… Và 20 năm sau, khi ông bà, bố mẹ già, những đứa trẻ vốn là "vua" sẽ phải một mình chăm sóc 6 người già. Điều này rất khó khăn và hậu quả có thể xã hội phải gánh vác.
 
“Lười sinh” dẫn đến nhiều gánh nặng xã hội - Ảnh 1.
Chăm sóc trẻ sơ sinh tại Bệnh viện Phụ sản trung ương
Khó vận động người dân "sinh nhiều"
 
Nhưng việc vận động người dân "sinh nhiều" lại rất khó. Ngay tại Trung Quốc cho dù đã nới lỏng chính sách dân số hơn 1,5 con/phụ nữ nhưng người dân vẫn chỉ sinh 1 con hoặc không sinh. Các nước như Hàn Quốc, Nhật Bản, thanh niên lười sinh, lười lập gia đình, cho dù Chính phủ họ có nhiều chính sách ưu tiên khuyến khích lập gia đình, khuyến sinh nhưng người dân vẫn ngại… Tốc độ già hóa dân số ở các nước này đang rất lớn.. "Do đó, điểm mới trong chính sách dân số của chúng ta phải có những điều chỉnh cho phù hợp, linh hoạt.
 
Ở nơi có mức sinh cao thì vận động, tuyên truyền để hạ mức sinh xuống, nơi thấp thì "kích" mức sinh lên, sao cho mỗi phụ nữ "sinh đủ 2 con". Hơn nữa, phụ nữ nên sinh con thứ 2 trước tuổi 35 vì các nghiên cứu khoa học cho thấy, phụ nữ sinh nở ở độ tuổi 25-30 là tốt nhất cho sức khỏe của cả mẹ và con. Sinh con sau tuổi 35 dễ có các biến chứng thai kỳ, trẻ em cũng dễ bị dị tật, không khỏe mạnh... Như thế sẽ không bảo đảm chất lượng dân số" - GS Cử nói.
 
Theo các chuyên gia dân số, kinh nghiệm hạ mức sinh cao xuống mức 2 con/phụ nữ chúng ta đã có kinh nghiệm và thành công suốt nhiều năm qua. Tuy nhiên, nâng mức sinh lên thì chưa có kinh nghiệm và khá khó khăn. Các nước khác như Hàn Quốc, Nhật hay Pháp, Thụy Điển... đều đã từng vận động, có các chính sách khuyến khích người dân sinh con trong nhiều năm nay mà vẫn không được. Nguyên nhân là do dân trí phát triển, trình độ cao khiến giá trị sống của con người thay đổi, không còn đặt nặng giá trị con cái lên hàng đầu. Họ thích tự do, thích du lịch, thích sự nghiệp, thích sống hưởng thụ mà không muốn dành thời gian chăm lo cho con cái, ở nhà mang bầu hoặc luẩn quẩn với bỉm sữa.
 
Họ không thích dành quá nhiều thời gian, công sức, tiền bạc để sinh con, nuôi con nên không sinh con hoặc chỉ sinh 1 con. Một số người ở thành phố có cuộc sống mưu sinh vất vả, họ thấy chi phí nuôi con, cho con ăn học "bằng bạn bằng bè" quá lớn nên chỉ sinh 1 con để nuôi dạy cho tốt. Đó là lý do khiến nhiều người ở các vùng kinh tế phát triển, ở thành phố sinh ít con hoặc lập gia đình muộn.
 
Xuất hiện tình trạng thanh niên lười sinh
 
GS Nguyễn Đình Cử cho rằng với các đề xuất hỗ trợ để thanh niên lập gia đình trước tuổi 30, phụ nữ sinh đủ 2 con trước tuổi 35 như: mua nhà ở xã hội, thuê nhà ở; hỗ trợ chi phí giáo dục trẻ em... là những chính sách hỗ trợ về vật chất cần thiết để khuyến khích các gia đình lười sinh, sinh đủ 2 con. Ở các nước phát triển đang có mức sinh thấp cũng đang áp dụng nhiều biện pháp, thậm chí cung cấp tiền nuôi dưỡng hằng tháng cho các gia đình đông con. "Tuy nhiên, phải nhận định rằng đã xuất hiện hiện tượng thanh niên ở thành phố lập gia đình muộn, lười sinh. Đây là xu hướng của nhiều nước phát triển. Khi họ đã có tâm lý ngại sinh, mà lại khó khăn về kinh tế, khó về nuôi dạy con thì chắc chắn họ càng ngại hơn. Do đó, bên cạnh việc vận động, khuyến khích về tinh thần thì việc hỗ trợ vật chất là điều cần thiết" - GS Cử nhận định.
 
Bài và ảnh: Khánh Anh - (nld.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Ngành Bệnh viện - Thiết bị Y tế