Can thiệp không cần phẫu thuật cho bé mắc bệnh tim

Thứ năm, 02 Tháng 7 2020 10:25 (GMT+7)
Bệnh nhi 4 tuổi ở tỉnh Vĩnh Long được phát hiện mắc bệnh tim thông qua chương trình tầm soát miễn phí bệnh lý tim mạch cho trẻ em tại Bệnh viện (BV) Đa khoa Hoàn Mỹ Cửu Long. Em vừa được can thiệp điều trị thành công mà không cần phẫu thuật. Toàn bộ chi phí do quỹ Vina Capital tài trợ.
Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhi trước khi xuất viện.
 
Bệnh nhi L.H.T. xanh xao, chậm lên cân, thường xuyên mệt, khó thở, thỉnh thoảng ngất xỉu khi gắng sức. Các bác sĩ BV Đa khoa Hoàn Mỹ Cửu Long chẩn đoán bé bị hẹp nặng van động mạch phổi, chỉ định nhập viện điều trị. Ê kíp can thiệp tim bẩm sinh do Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Đình Đại Khánh, Phó Trưởng khoa Ngoại Tim mạch - Can thiệp nội mạch BV làm phẫu thuật viên chính, tiến hành can thiệp nong van động mạch phổi bằng bóng qua da cho cháu bé. Đây là phương pháp tối ưu được lựa chọn điều trị cho những trường hợp hẹp van động mạch phổi ở trẻ, tỷ lệ thành công cao, an toàn và đặc biệt tránh cho trẻ trải qua cuộc mổ tim hở. Với phương pháp này, một bóng nong van động mạch phổi theo dây dẫn phù hợp sẽ được đưa đến vị trí hẹp qua ống dẫn đặt ở tĩnh mạch đùi. Sau đó, bóng sẽ được bơm lên với áp suất phù hợp và tách được chỗ dính mép van, làm tăng diện tích mở van, tăng lưu lượng dòng máu lên phổi. Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Đình Đại Khánh cho biết, sau can thiệp, cháu bé hồi phục sức khỏe tốt và được xuất viện sau một ngày nằm viện theo dõi.
 
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Đình Đại Khánh cho biết thêm: Hẹp động mạch phổi đơn thuần chiếm 8-12% các trường hợp bệnh lý tim bẩm sinh, thường đi kèm với những dị tật tim bẩm sinh khác như còn ống động mạch, thông liên nhĩ, thông liên thất, tứ chứng Fallot… Hẹp động mạch phổi có thể dưới van, tại van, trên van (thân, 2 nhánh chính, nhánh ngoại biên). Đối tượng nguy cơ mắc bệnh hẹp động mạch phổi bao gồm mẹ bị nhiễm Rubella hoặc các siêu vi khác trong thời kỳ đầu của thai kỳ; bố hoặc mẹ có dị tật tim bẩm sinh; mẹ uống rượu, hút thuốc trước hoặc trong khi mang thai; mẹ bị đái tháo đường không kiểm soát được đường huyết hay bị lupus ban đỏ. Người mẹ sử dụng một số loại thuốc trong khi mang thai như isotretinion trị mụn, thuốc chống co giật và một số thuốc điều trị rối loạn lưỡng cực… cũng tiềm ẩn nguy cơ khiến trẻ mắc bệnh. Ngoài ra, trẻ mắc hội chứng Down cũng có nguy cơ mắc bệnh.
 
Theo các bác sĩ, trẻ sơ sinh mắc bệnh hẹp động mạch phổi sẽ thấy các triệu chứng xuất hiện trong vòng vài giờ đến vài ngày sau sinh như da xanh hoặc xám (chứng xanh tím), da lạnh, tái nhợt, thở nhanh hoặc khó thở, bú kém, khó thở tăng khi bú. Trẻ nhỏ hoặc người lớn bị hẹp van mức độ trung bình đến nặng, triệu chứng sẽ xuất hiện khi gắng sức, bao gồm tức ngực, ngất, mệt mỏi, tăng cân chậm, chậm lớn, khó thở, đặc biệt là khó thở khi gắng sức, chướng bụng, da xanh xao hoặc xanh tím. Những trường hợp hẹp nặng, người bệnh có thể gặp một số biến chứng nhiễm trùng huyết do viêm nội tâm mạc, phì đại tâm thất phải, rối loạn nhịp tim, suy tim…
 
Hiện nay, bệnh lý này có nhiều phương pháp điều trị gồm cả nội khoa và ngoại khoa. Can thiệp nong van là phương pháp được ưu tiên lựa chọn. Các bác sĩ chuyên khoa khuyến cáo, bệnh nhi khi đã có triệu chứng của hẹp van động mạch phổi cần được theo dõi sát để điều trị kịp thời các biến chứng, giảm thiểu nguy cơ đe dọa tính mạng. Bệnh nhân cần tuân thủ y lệnh của bác sĩ, không tự ý bỏ thuốc, vì các biến chứng khi xảy ra rất khó hồi phục. Những trường hợp mức độ nhẹ, chỉ cần theo dõi định kỳ, không cần can thiệp khi chưa có triệu chứng. Trẻ sơ sinh nếu kèm các hội chứng bẩm sinh hay di truyền cần được thăm khám chuyên sâu để tầm soát.
 
Bài, ảnh: THU SƯƠNG - (baocantho.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Ngành Bệnh viện - Thiết bị Y tế