Chuyển đổi cơ sở y tế quận huyện về Sở Y tế quản lý

Thứ ba, 28 Tháng 7 2020 07:42 (GMT+7)
Thực hiện Quyết định 509 của UBND TPHCM về phê quyệt đề án tổ chức lại bệnh viện, trung tâm y tế (TTYT) trực thuộc UBND quận huyện thành bệnh viện, TTYT quận huyện trực thuộc Sở Y tế quản lý cả nhân sự và tổ chức hành chính, đến nay về cơ bản, ngành y tế TPHCM đã hoàn tất việc sáp nhập và thực hiện chuyển đổi. Phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với PGS-TS Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM để làm rõ hơn về vấn đề này.
Chuyển đổi cơ sở y tế quận huyện về Sở Y tế quản lý ảnh 1 
PGS-TS Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM 
 
PHÓNG VIÊN: Thưa ông, việc tổ chức lại bệnh viện, TTYT quận huyện trực thuộc Sở Y tế đã được triển khai và thực hiện như thế nào?
 
Ông TĂNG CHÍ THƯỢNG: Sau đợt đánh giá xếp hạng bệnh viện trong năm 2019, TPHCM có 4 bệnh viện quận huyện vẫn ở hạng 3, nên theo quy định phải sáp nhập vào TTYT để trở thành TTYT quận huyện có 2 chức năng (dự phòng và điều trị), bao gồm bệnh viện các quận 3, 5, 10 và huyện Cần Giờ; 20 quận huyện còn lại sẽ tồn tại TTYT (chức năng dự phòng) và bệnh viện (chức năng điều trị) riêng biệt. Tính đến thời điểm này, có 19 bệnh viện quận huyện đã chuyển giao về Sở Y tế; còn 5 quận huyện chưa chuyển giao vì đang trình dự thảo hoặc đang sắp xếp, gồm các quận 1, 4, 7, Bình Thạnh và huyện Hóc Môn. 
 
Việc các bệnh viện, TTYT quận huyện trực thuộc Sở Y tế sẽ có những thuận lợi và khó khăn gì, thưa ông?
 
Các bệnh viện và TTYT dù thuộc UBND quận huyện hay thuộc Sở Y tế đều phải cải tiến chất lượng chăm sóc sức khỏe và chất lượng phục vụ người dân trên địa bàn, đó là nhiệm vụ trọng tâm và xuyên suốt của ngành y tế. Trước đây, UBND quận huyện sẽ tự lo về nhân lực y tế, nhất là nhân lực làm công tác quản lý, nếu khó khăn về nhân lực thì Sở Y tế sẽ giới thiệu nguồn khi có yêu cầu hỗ trợ từ UBND quận huyện.
 
Ngược lại, sở cũng không thể chủ động điều phối nguồn nhân lực từ các quận huyện khi có yêu cầu công tác hoặc khi thấy có sự cần thiết bổ sung nguồn nhân lực cho một quận huyện nào đó đang gặp khó khăn. Khi trực thuộc sở, việc điều phối, điều động nhân lực từ chuyên môn đến quản lý, từ quận này qua quận khác, sắp tới đây sẽ là một hoạt động bình thường. 
Chuyển đổi cơ sở y tế quận huyện về Sở Y tế quản lý ảnh 2
Bác sĩ Bệnh viện Quận 11 thăm khám bệnh nhân
 
Tuy nhiên, dù các bệnh viện, TTYT quận huyện trực thuộc sở, nhưng vẫn có cơ chế phối hợp quản lý giữa Sở Y tế với UBND quận huyện. Điều này đã được lãnh đạo Sở Y tế và lãnh đạo UBND 24 quận huyện xác định là rất cần thiết, vì đối tượng phục vụ chính của các bệnh viện và TTYT vẫn là người dân trên địa bàn. Trong khi chờ quy chế phối hợp mới được ban hành, Sở Y tế đã yêu cầu các bệnh viện và TTYT tuyệt đối không để xảy ra sự chậm trễ trong công tác chăm sóc sức khỏe người dân trên địa bàn khi có những tình huống đột xuất, chỉ vì những thủ tục hành chính cứng nhắc như chờ xin ý kiến của Sở Y tế.
 
Vậy theo ông, để khắc phục những khó khăn đó, các bệnh viện cần phải làm gì để thích nghi và thay đổi?
 
Có thể nói, hơn bao giờ hết, các bệnh viện quận huyện cũng như các bệnh viện thành phố đang đứng trước nhiều thách thức. Những thách thức chính bao gồm: các bệnh viện phải tự chủ tài chính khi mà giá viện phí chưa hoàn toàn được tính đúng tính đủ; khám chữa bệnh bảo hiểm y tế chiếm tỷ trọng chính với cơ chế chi trả ngày càng khó khăn hơn, nhất là được giao dự toán chi; sự phát triển của hệ thống y tế tư nhân đi đôi với việc cạnh tranh nguồn nhân lực chất lượng cao cũng là một thách thức không nhỏ cho các bệnh viện quận huyện; việc liên thông thẻ bảo hiểm y tế tuyến huyện và sắp tới đây là tuyến tỉnh đòi hỏi các bệnh viện phải không ngừng nâng cao chất lượng để thu hút người bệnh. Để có thể thích nghi và chủ động hơn trong tình hình mới, đòi hỏi các bệnh viện quận huyện phải phát triển bền vững trên kiềng 3 chân, đó là: Phát triển chuyên môn, kỹ thuật đáp ứng mô hình bệnh tật của người dân trên địa bàn; không ngừng nâng cao chất lượng chuyên môn và chất lượng phục vụ người bệnh, thật sự phải lấy người bệnh làm trung tâm cho mọi hoạt động của bệnh viện; tuân thủ nghiêm các quy định pháp luật liên quan đến mọi hoạt động của bệnh viện. 
 
Sở Y tế TPHCM có những định hướng gì để các bệnh viện hoàn tất việc sáp nhập có thể “trụ vững”, thưa ông?
 
"Một tâm trạng chung của ban giám đốc các bệnh viện, TTYT quận huyện đó là không còn nhận được sự quan tâm và hỗ trợ kịp thời của lãnh đạo địa phương khi cơ sở gặp khó khăn, nhất là về đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị. Riêng về kinh phí hoạt động, những bệnh viện quận huyện nào đã tự chủ tài chính thì vẫn tiếp tục tự chủ, những bệnh viện nào nhận một phần kinh phí từ ngân sách thì vẫn tiếp tục nhận (sau khi đã được HĐND TP xem xét và thông qua). Tuy nhiên, do hàng chục đơn vị y tế chuyển về trực thuộc sở, việc giải quyết ngay những khó khăn đột xuất về đầu tư như trước đây thì không thể. Thay vào đó, các cơ sở y tế quận huyện phải hòa mình vào một không khí chung mà các bệnh viện thành phố đã và đang làm, theo tinh thần tuân thủ các quy định của pháp luật, với sự giám sát và hỗ trợ của các phòng chức năng Sở Y tế và các sở khác có liên quan"
 
Sở Y tế sẽ định hướng phát triển chuyên môn cho các bệnh viện quận huyện. Do nội thành có nhiều bệnh viện chuyên khoa, đa khoa đầu ngành nên các bệnh viện quận nội thành tập trung phát triển khám, điều trị ngoại trú, không đầu tư lớn cho nội trú mà chỉ đầu tư những lĩnh vực chuyên khoa cơ bản.
 
Nhóm thứ hai là những bệnh viện quận ven, huyện ngoại thành, nhóm này thì phát triển toàn diện cả về nội trú lẫn ngoại trú. Nhóm thứ ba, tuy không nhiều, đó là các bệnh viện quận hạng 1. Sở Y tế định hướng những bệnh viện này không những phục vụ người dân trên địa bàn quận mà còn cho cả khu vực lân cận để góp phần giảm tải cho các bệnh viện thành phố, những bệnh viện quận này sẽ phát triển theo hướng bệnh viện đa chuyên khoa hoàn chỉnh (gồm: Bệnh viện Quận Thủ Đức, Bệnh viện Quận 2, Bệnh viện Quận Bình Tân).
 
Bên cạnh nhiều bệnh viện quận huyện đã phát triển tốt và đứng vững vẫn còn một số bệnh viện còn khó khăn trong phát triển chuyên môn cũng như công tác quản trị bệnh viện, Sở Y tế sẽ tiếp tục triển khai giải pháp hỗ trợ toàn diện của các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa thành phố cho những bệnh viện này. Cụ thể, Bệnh viện Huyện Bình Chánh được Bệnh viện Nhân dân 115 đảm trách, Bệnh viện Quận 9 được Bệnh viện Nhân dân Gia Định hỗ trợ (hiện đã có dấu hiệu thu hút đông bệnh nhân), Bệnh viện Quận 7 được Bệnh viện Quận Thủ Đức hỗ trợ, Bệnh viện Huyện Nhà Bè được Bệnh viện Quận 2 hỗ trợ. Trong thời gian tới, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương sẽ hỗ trợ cho Bệnh viện Quận 8, Bệnh viện Hùng Vương hỗ trợ cho Bệnh viện Quận 6 và Sở Y tế đang có kế hoạch giao Bệnh viện Nhân dân Gia Định hỗ trợ cho Bệnh viện Quận Gò Vấp sau khi Bệnh viện Quận 9 đã ổn định.
 
Bác sĩ PHẠM QUỐC DŨNG Giám đốc Bệnh viện Quận 11: Không ảnh hưởng gì nhiều
 
Bệnh viện Quận 11 đang hoạt động theo cơ chế tự chủ tài chính, tự thu tự chi từ đầu tư đến trả lương cán bộ - công nhân viên, bệnh viện đều lo hết. Bệnh viện chỉ xin chủ trương mua sắm đầu tư với lãnh đạo quận, nên việc chuyển đổi không ảnh hưởng gì nhiều đến hoạt động của đơn vị. Chuyển về Sở Y tế quản lý, bệnh viện sẽ được thuận lợi hoạt động chuyên môn, nếu bệnh viện có gặp khó khăn về nhân sự sẽ được sở hỗ trợ, điều động từ các bệnh viện khác đến tăng cường.
 
 Bác sĩ NGUYỄN KHOA LÝ, Giám đốc Bệnh viện Quận 9: Được hỗ trợ tốt hơn về mặt chuyên môn

Khi các bệnh viện quận huyện, TTYT về trực thuộc Sở Y tế thì về mặt chuyên môn sẽ được hỗ trợ tốt hơn. Bệnh viện học hỏi nhiều kinh nghiệm hơn từ các bệnh viện tuyến trên, nâng cao tay nghề, thu hút người bệnh. Tuy nhiên, trước đây mỗi quận huyện chỉ có một bệnh viện nên đầu tư nhanh hơn. Giờ chuyển đổi về Sở Y tế, không chỉ riêng Bệnh viện Quận 9 mà rất nhiều bệnh viện cũng lo ngại, do sở quản lý nhiều đơn vị hơn, nên sự chia sẻ, hỗ trợ trong đầu tư có thể sẽ hạn chế, vì TPHCM còn nhiều BV cần đầu tư. 
THÀNH AN - (sggp.org.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Ngành Bệnh viện - Thiết bị Y tế