Bác sĩ khám cho trẻ bị khuyết tật vận động tại BV Chỉnh hình và Phục hồi chức năng Cần Thơ. Ảnh: H.HOA
* Bác sĩ có thể cho biết rõ hơn về các nguyên nhân khuyết tật vận động ở trẻ?
- Khuyết tật có thể xảy ra ở thời kỳ người mẹ mang thai, trong khi sinh và mắc phải sau khi sinh. Ðó là các khuyết tật bẩm sinh; các di chứng của bại não; chất độc da cam; sốt bại liệt; do mắc phải sau chấn thương, phỏng… và một số các bệnh lý của cơ quan vận động.
Việc điều trị có thể khỏi hẳn hay chỉ giúp cải thiện phần nào chức năng vận động là tùy vào mỗi bệnh lý. Ngay cả trên một bệnh cũng còn tùy vào mức độ tổn thương mà mức độ phục hồi của các cháu có khác nhau. Ngoài ra, việc phát hiện sớm, điều trị kịp thời trong “thời gian vàng”, tuân thủ chỉ định điều trị, chăm sóc, tập luyện... của bác sĩ một cách nghiêm túc cũng ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả điều trị.
* Bác sĩ có lời khuyên nào với gia đình có trẻ bị khuyết tật cơ quan vận động?
- Gia đình phải luôn quan tâm, chăm sóc trẻ cả về vật chất và tinh thần, tuân thủ chỉ định của bác sĩ. Có những cháu bị khuyết tật vận động chỉ cần tập luyện phục hồi chức năng cũng đem lại kết quả tốt. Một số cháu phải kết hợp nhiều phương pháp điều trị mới có hiệu quả như chương trình phục hồi chức năng, phẫu thuật, nắn, bó bột, sử dụng dụng cụ chỉnh hình... Phần lớn các cháu bị khuyết tật cơ quan vận động, việc điều trị, tập luyện có thể kéo dài hàng tháng, hàng năm đến vài năm nên gia đình cần hết sức kiên trì, hợp tác. Nhất là các cháu bị di chứng của bại não, sốt bại liệt...
Ða số các cháu được phát hiện và đưa đến BV điều trị sớm. Ngày nay, nhiều dị tật vận động được phát hiện ngay từ lúc mang thai. Các trẻ sơ sinh cũng được các bệnh viện phụ sản phát hiện sớm các khuyết tật vận động ngay sau sinh và chuyển cho chúng tôi điều trị, chỉnh hình. Tuy nhiên, cũng có một số ít trẻ sinh ở tuyến cơ sở, phòng bảo sanh tư chưa được phát hiện sớm.
* Việc phát hiện sớm và điều trị kịp thời có các lợi ích gì, thưa bác sĩ ?
- Khi đưa trẻ đến sớm thì việc điều trị sẽ nhẹ nhàng hơn, đem lại nhiều kết quả mỹ mãn hơn, khả năng phục hồi chức năng sẽ cao hơn và ít tốn kém hơn. Chẳng hạn bệnh lý bàn chân khoèo bẩm sinh, từ trẻ sơ sinh cho đến 3 tuổi thường chỉ nắn bó bột theo phương pháp Ponsetti kết hợp nẹp chỉnh hình thì đa số có kết quả tốt. Nếu đến muộn từ sau 3 tuổi trở đi đến tuổi dậy thì, việc điều trị thường phải phẫu thuật chỉnh hình giải phóng phần mềm kết hợp với nhiều phương pháp điều trị khác. Sau tuổi đó trở lên và người lớn, hầu hết trường hợp phải phẫu thuật can thiệp vào xương (đục xương), một phẫu thuật lớn nhiều biến chứng, tốn kém. Như vậy, trẻ đến càng trễ, việc điều trị ngày càng phức tạp, nặng nề hơn, tốn kém hơn.
* Không phải khuyết tật vận động nào cũng bộc lộ ngay sau khi sinh. Vậy với những khuyết tật mà vài tháng sau sinh mới có triệu chứng thì gia đình cần theo dõi ra sao để phát hiện trẻ bị tật?
- Ở gia đình, người lớn có kinh nghiệm quan sát xem trẻ có gì bất thường so với các trẻ cùng trang lứa về vận động không. Nếu có bất thường chậm các vận động như lật, bò, ngồi, đi lại... so với trẻ cùng lứa tuổi thì nên đến cơ sở y tế có chuyên khoa về chỉnh hình, phục hồi chức năng để khám, phát hiện sớm và can thiệp sớm cho trẻ.
BV Chỉnh hình và Phục hồi chức năng Cần Thơ là BV duy nhất, trực thuộc Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội ở khu vực ÐBSCL. Với 45 năm hoạt động, từ lâu đã triển khai thực hiện nhiều phương pháp điều trị cho trẻ khuyết tật vận động như chương trình vật lý trị liệu, phục hồi chức năng; nắn, bó bột; sản xuất cung cấp chân tay giả và dụng cụ chỉnh hình các loại; phẫu thuật chỉnh hình cho trẻ em và cả người lớn. Chúng tôi có đội ngũ y bác sĩ, cán bộ, nhân viên chuyên khoa, được đào tạo chính quy, lành nghề, giàu kinh nghiệm, yêu nghề,...
Hàng năm, Bộ cấp kinh phí cho BV gần 1 tỉ đồng để thực hiện viêc hỗ trợ điều trị miễn, giảm phí cho người lớn khuyết tật vận động có hoàn cảnh nghèo và trẻ em khuyết tật dưới 16 tuổi.
* Xin cảm ơn bác sĩ!
Theo cô Phạm Thị Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo TP Cần Thơ, chương trình “Phẫu thuật chỉnh hình trẻ khuyết tật cơ quan vận động” được Hội thực hiện từ năm 2017 đến nay với sự hỗ trợ kinh phí của tổ chức SAP.VN – Hoa Kỳ. Từ năm 2017 đến năm 2019 đã thực hiện khám sàng lọc, phẫu thuật và hỗ trợ dụng cụ tập, vật lý trị liệu cho khoảng 160 trường hợp.
SAP.VN – Hoa Kỳ cũng tiếp tục hỗ trợ Hội thực hiện chương trình trong 3 năm (2020-2022), mỗi năm 70 cháu. Tuy nhiên, số lượng trẻ cao hơn thì chương trình vẫn hỗ trợ, miễn là đúng đối tượng. Ngoài chi phí điều trị (khám, phẫu thuật, tập vật lý trị liệu, dụng cụ tập...), tổ chức cũng hỗ trợ tiền ăn cho các cháu. Nếu các cháu bị bệnh lý về não ảnh hưởng đến vận động sẽ được chuyển đến BV Đa khoa TP Cần Thơ tiếp tục điều trị miễn phí.
Chương trình áp dụng cho các cháu dưới 16 tuổi ở TP Cần Thơ và các tỉnh trong vùng ĐBSCL.
|
H.HOA - (baocantho.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)