Tán sỏi nội soi qua da

Thứ ba, 08 Tháng 9 2020 07:27 (GMT+7)
Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ vừa triển khai kỹ thuật tán sỏi nội soi qua da, giúp bệnh nhân loại bỏ sỏi thận bằng phương pháp nhẹ nhàng, ít đau, ít tổn thương thận, mau hồi phục.
Kỹ thuật tán sỏi nội soi qua da điều trị hiệu quả sỏi thận vừa triển khai tại Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ.
Kỹ thuật tán sỏi nội soi qua da điều trị hiệu quả sỏi thận vừa triển khai tại Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ.
 
Các bác sĩ Khoa Ngoại thận - tiết niệu Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ dưới sự hướng dẫn kỹ thuật của Tiến sĩ - Bác sĩ Đỗ Anh Toàn, Trưởng khoa Phẫu thuật điều trị sỏi thận chuyên sâu, Bệnh viện Bình Dân, vừa thực hiện thành công 3 ca nội soi tán sỏi qua da. Đó là những bệnh nhân bị sỏi thận có kích thước lớn, từng điều trị nội khoa và thất bại nhiều lần với các phương pháp tán sỏi ngoài cơ thể và mổ mở lấy sỏi. Các bác sĩ nhận định, đây là những trường hợp bị sỏi gây biến chứng, cần được điều trị triệt để bằng phương pháp tán sỏi nội soi qua da. Ê kíp phẫu thuật nội soi qua đường hầm siêu nhỏ qua da (khoảng 1cm) vào thận dưới hướng dẫn của máy X-quang C-Arm, sử dụng máy tán sỏi và đã lấy sỏi thành công cho các bệnh nhân.
 
Nội soi tán sỏi qua da là phương pháp nội soi đặc biệt để điều trị sỏi thận. Bệnh nhân được gây mê toàn thân. Bác sĩ phẫu thuật dùng một kim chọc qua da vùng lưng vào trong thận dưới sự hướng dẫn của máy C-Arm. Đường hầm của kim chọc dò sẽ được nong rộng bằng các dụng cụ nong để đạt kích thước như thân một chiếc bút, qua đó cho phép đưa máy nội soi tán sỏi vào. Sỏi sẽ được tán thành mảnh vụn, đồng thời được hút ra. Cũng qua đường hầm, các bác sĩ đặt một ống thông thận giúp việc chụp kiểm tra sau mổ. Ống thông này được rút ra sau 24-48 giờ. Một số trường hợp có thể cần bổ sung tán sỏi ngoài cơ thể để xử lý các mảnh sỏi còn sót lại. Nếu mổ mở, người bệnh phải chịu một đường mổ dài khoảng 15cm ở vùng hông lưng, cắt đứt các cơ, tổn thương thần kinh, xương sườn số 12 và mô xung quanh thận.
 
Theo Tiến sĩ - Bác sĩ Đỗ Anh Toàn, lấy sỏi qua da là kỹ thuật quan trọng trong điều trị các trường hợp sỏi thận tái phát. Kỹ thuật tạo đường hầm trực tiếp đến sỏi sẽ giúp giảm cảm giác đau do vết mổ ở các lần can thiệp sỏi tiếp theo. Ưu điểm vượt trội của kỹ thuật lấy sỏi qua da so với mổ mở là người bệnh được điều trị ít xâm lấn, bảo tồn chức năng thận, phục hồi nhanh sau mổ và thời gian nằm viện ngắn. Phương pháp này có thể áp dụng cho cả các trường hợp sỏi lớn hoặc thất bại với điều trị nội khoa hoặc tán sỏi ngoài cơ thể.
 
Sỏi tiết niệu, trong đó có sỏi thận, chiếm gần 2/3 tổng số các bệnh lý về tiết niệu. Bệnh diễn biến âm thầm, ít triệu chứng, nhưng có thể gây nhiều biến chứng nặng nề như thận ứ nước, ứ mủ, nhiễm trùng, suy thận, thậm chí có thể tử vong. Nữ giới thường mắc sỏi thận nhiều hơn nam giới, nhưng nam giới mắc có thể dẫn tới vô sinh nếu không điều trị kịp thời. Nhiều nghiên cứu cho thấy tỷ lệ tái phát sỏi thận lên đến hơn 50% trong vòng 5 năm.
 
Các triệu chứng thường gặp khi bị sỏi thận là đau vùng hông lưng lan ra trước bụng, có thể đau đột ngột từng cơn hoặc đau liên tục, dữ dội. Bệnh nhân đi tiểu khó, tiểu ra máu, nước tiểu có màu bất thường hoặc lẫn cặn. Ngoài ra, người bệnh có thể cảm thấy buồn nôn, sốt, ớn lạnh nếu sỏi thận gây tắc nước tiểu, nhiễm trùng đường tiết niệu.
 
Sỏi thận do nhiều nguyên nhân, chủ yếu liên quan đến thói quen sinh hoạt như chế độ ăn nhiều muối và dầu mỡ, uống ít nước, nhịn tiểu, Ngoài ra, còn có nguyên nhân như dị tật đường tiết niệu bẩm sinh; nhiễm trùng đường sinh dục, tiết niệu; dùng một số thuốc thúc đẩy quá trình hình thành sỏi.
 
Sỏi thận là bệnh phổ biến, không khó điều trị nhưng việc điều trị sai lầm có thể khiến người bệnh suy thận, phải chạy thận suốt đời. Do vậy, các bác sĩ khuyến cáo mọi người cần khám sức khỏe định kỳ hoặc khi có triệu chứng đau, kết hợp với siêu âm bụng để phát hiện sỏi, điều trị kịp thời, đúng cách.
 
Bài, ảnh: THU SƯƠNG - (baocantho.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Ngành Bệnh viện - Thiết bị Y tế