Sau vụ Pate Minh Chay: Bộ Y tế lần đầu tiên hướng dẫn nhận biết ngộ độc Clostridium botulinum

Thứ tư, 09 Tháng 9 2020 11:02 (GMT+7)
Sau khi ghi nhận hàng chục trường hợp ngộ độc vi khuẩn Clostridium botulinum sau ăn pate Minh Chay, Bộ Y tế đã ban hành hướng dẫn tạm thời chẩn đoán, điều trị ngộ độc botulinum.
Ngày 8-9, PGS-TS Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế, đã ký ban hành Quyết định số 3875/QĐ-KCB quyết định về việc ban hành hướng dẫn tạm thời chẩn đoán, điều trị ngộ độc botulinum sau hàng loạt vụ ngộ độc do ăn pate Minh Chay. Theo hướng dẫn này, ngộ độc thực phẩm do độc tố botulinum thường do ăn uống các thực phẩm có sẵn độc tố botulinum do các chủng vi khuẩn Clostridium sinh ra.
 
Bệnh cảnh chính là liệt ngoại biên đối xứng hai bên kiểu lan xuống, liệt toàn bộ các cơ với các mức độ khác nhau, người bệnh vẫn tỉnh táo, không có rối loạn cảm giác. Ngộ độc nặng dẫn tới liệt cơ hô hấp, suy hô hấp có thể tử vong. Liệt nặng nề kéo dài dẫn tới nhiều biến chứng.
Sau vụ Pate Minh Chay: Bộ Y tế lần đầu tiên hướng dẫn nhận biết ngộ độc Clostridium botulinum - Ảnh 1.
Bệnh nhân ngộ độc pate Minh Chay đang điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai
 
Ngộ độc xảy ra không thường xuyên, có thể thành vụ với nhiều người bị ngộ độc. Có các trường hợp ngộ độc riêng lẻ, không rõ yếu tố dịch tễ, diễn biến nhanh, không thể khai thác bệnh cảnh đặc trưng, dẫn tới dễ bỏ sót hoặc nhầm với nhiều bệnh khác.
 
Các nhân viên y tế cần nâng cao cảnh giác khai thác bệnh sử, đưa vào chẩn đoán phân biệt đặc biệt với các tình trạng liệt ngoại biên, qua đó giúp chẩn đoán và điều trị sớm, dùng thuốc giải độc sớm nhất giúp cải thiện tình trạng ngộ độc.
 
Hướng dẫn chẩn đoán điều trị này không bao gồm các trường hợp nhiễm độc độc tố botulinum do nhiễm khuẩn vết thương, nhiễm khuẩn các chủng vi khuẩn Clostridium sinh độc tố botulinum ở trẻ nhũ nhi hoặc ở người lớn, nhiễm độc tố botulinum qua đường hô hấp.
 
Đây là các trực khuẩn gram dương kỵ khí tuyệt đối, sinh nha bào. Nha bào tồn tại nhiều trong đất, không khí, nước biển, ruột hải sản, chịu được điều kiện đun sôi 100°C trong vài giờ.
Sau vụ Pate Minh Chay: Bộ Y tế lần đầu tiên hướng dẫn nhận biết ngộ độc Clostridium botulinum - Ảnh 2.
Thuốc giải độc Clostridium botulinum có giá 8.000 USD/lọ
 
Loại thực phẩm gây ngộ độc thường là thịt hộp (do đó vi khuẩn gây bệnh được gọi là vi khuẩn độc thịt). Tuy nhiên các vụ ngộ độc trên thế giới cho thấy tất cả các loại thực phẩm từ rau, củ, quả, thịt, hải sản,….được sản xuất không đảm bảo và đóng gói kín (ví dụ đồ hộp, can, lon, chai, lọ, bao, túi, gói) cùng với môi trường bảo quản bên trong không đảm bảo dẫn tới bào tử phát triển thành vi khuẩn và sinh ngoại độc tố gây ngộ độc.
 
Phổ biến là thực phẩm chế biến, đóng gói thủ công, sản xuất nhỏ lẻ, hộ gia đình hoặc điều kiện sản xuất không đảm bảo. Có thể gặp các trường hợp ngộ độc với sản phẩm sản xuất công nghiệp và ăn tại các nhà hàng. Bộ Y tế cho biết xu hướng ngộ độc tăng lên trên thế giới do trào lưu sử dụng túi hút khí chứa đựng thực phẩm, bảo quản thực phẩm không đảm bảo, sử dụng tủ lạnh không đúng, đun lại không đủ chín trước ăn....
 
Bộ Y tế cho biết hiện đang có 10 bệnh nhân nặng ngộ độc Clostridium botulinum sau ăn pate Minh Chay điều trị tại các bệnh viện ở TP HCM chưa được dùng thuốc giải độc. Bộ Y tế, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đang tiếp tục làm thủ tục nhập 10 lọ thuốc giải độc cho các bệnh nhân này. Thuốc này hiện vẫn do WHO viện trợ, chi phí 8.000 USD/lọ.
 
Trong lần đầu, 2 lọ thuốc giải độc được WHO cho nhập về từ kho dự trữ tại Thái Lan, lần này, thuốc sẽ nhập về từ kho dự trữ của WHO tại châu Âu. Đây là thuốc rất hiếm do ít nhà sản xuất, ít sử dụng do rất ít ghi nhận ca ngộ độc. Vụ ngộ độc vi khuẩn Clostridium botulinum có trong pate Minh Chay là vụ ngộ độc lớn được ghi nhận tại Việt Nam nhưng theo các bác sĩ cũng không loại trừ từng ghi nhận các ca khác nhưng nhẹ hơn, không có triệu chứng điển hình nên không được chẩn đoán đúng.
 
D.Thu - (nld.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Ngành Bệnh viện - Thiết bị Y tế