Ngày thứ 12, Việt Nam không phát hiện ca lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng

Thứ hai, 14 Tháng 9 2020 07:41 (GMT+7)
Sáng 14-9, Việt Nam không ghi nhận thêm ca nhiễm Covid-19 mới. Cả nước bước sang ngày thứ 12 không có ca lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng và đến nay đã có 918/1.063 ca được điều trị khỏi.
Trong số các bệnh nhân đang điều trị hiện có bốn trường hợp có tiên lượng rất nặng. (Ảnh minh họa)
 
Tính đến 6 giờ ngày 14-9, Việt Nam có tổng cộng 691 ca mắc Covid-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới tính từ ngày 25-7 đến nay là 551 ca.
 
Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 33.605 người. 
 
Trong số các bệnh nhân Covid-19 đang điều trị tại các cơ sở y tế, số ca âm tính lần 1 với SARS-CoV-2 là 16 ca; Số ca âm tính lần 2 với SARS-CoV-2 là 17 ca, số ca âm tính lần 3 là 21 ca.
 
Báo cáo của Tiểu ban Điều trị cũng cho biết, trong số các bệnh nhân đang điều trị có  73 ca không có biểu hiện lâm sàng, 31 ca có biểu hiện lâm sàng nhẹ
 
Trong số các bệnh nhân đang điều trị hiện có bốn trường hợp có tiên lượng rất nặng và tử vong, chiếm (3,3%), trong đó số tiên lượng rất nặng là 3/4 trường hợp (2,5%), và tiên lượng tử vong là một trường hợp.
 
Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo số 326/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch Covid-19 sáng ngày 11-9.
 
Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao các bộ, ngành, Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 và các địa phương, nhất là Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố Đà Nẵng, các tỉnh Quảng Nam, Hải Dương và nhiều địa phương khác đã thực hiện kịp thời, đồng bộ, hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch.
 
Về cơ bản, dịch bệnh đã được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc, đã có 10 ngày liên tục không ghi nhận ca nhiễm mới trong cộng đồng; các địa phương có ca nhiễm đã cơ bản trở lại trạng thái bình thường. Các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện mục tiêu kép đạt kết quả bước đầu tích cực.
Tuy nhiên, nguy cơ dịch bệnh vẫn thường trực và có thể xuất hiện các ca nhiễm mới trong cộng đồng, nhất là khi Việt Nam mở cửa trở lại trong thời gian tới. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục quán triệt sâu sắc chủ trương lớn về thực hiện mục tiêu kép: vừa sẵn sàng phòng, chống dịch, vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội.
 
Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế: đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà, tại các địa điểm và trên phương tiện giao thông công cộng; rửa tay thường xuyên bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn; hạn chế tụ tập đông người tại nơi công cộng; giữ khoảng cách an toàn khi tiếp xúc, dần hình thành thói quen, nếp sống phù hợp trong tình hình mới để giữ an toàn cho bản thân và xã hội. Từng đơn vị, doanh nghiệp, tập thể và từng cá nhân đều tích cực xác lập trạng thái bình thường mới, vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, vừa phòng, chống dịch.
 
Bên cạnh đó, tăng cường kiểm tra, bảo đảm thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch trong tình hình mới; ban hành các chế tài xử phạt các trường hợp vi phạm quy định về phòng, chống dịch bệnh; chủ động chuẩn bị các kịch bản, ứng phó các tình huống xảy ra của dịch bệnh trên địa bàn, đặc biệt tại các cơ sở khám chữa bệnh, tại cơ quan, các cơ sở sản xuất, nhà máy, xí nghiệp có lượng lao động lớn, bảo đảm cơ sở vật chất, nhân lực đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch; thường xuyên tổ chức diễn tập, tập huấn các biện pháp ứng phó với các tình huống dịch bệnh có thể xảy ra.
 
Cấp ủy, chính quyền địa phương tập trung chuẩn bị tốt các biện pháp ngăn ngừa lây lan dịch bệnh, bảo đảm an toàn các sự kiện chính trị, kinh tế - xã hội, các hoạt động đối ngoại, thúc đẩy giao thương quốc tế trong điều kiện bình thường mới; chuẩn bị sẵn sàng mọi điều kiện để thúc đẩy, thu hút đầu tư, nhất là từ các đối tác lớn.
 
Việc áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch phải bảo đảm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân. Nghiêm cấm việc áp dụng các biện pháp có tính chất “ngăn sông, cấm chợ”, hạn chế đi lại, hạn chế giao thương. Không yêu cầu xét nghiệm SAR-CoV-2 đối với người đến từ địa phương đã hết dịch trong cộng đồng; chỉ xét nghiệm đối với người có biểu hiện ho, sốt. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương rà soát, bãi bỏ ngay các quy định không phù hợp.
 
LAM NGỌC - (nhandan.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Ngành Bệnh viện - Thiết bị Y tế