Bác sĩ Bạch Văn Cam (thứ 2 từ phải qua) chủ trì ca hội chẩn cho một bệnh nhi sơ sinh từng là bào thai bị suy khi ra đời tại BV Sản - Nhi An Giang
Hệ thống sử dụng công nghệ mới từ Tập đoàn Viễn Thông quân đội Viettel, nhờ đó có thể chủ động hơn trong công nghệ, không phụ thuộc vào nhà cung cấp nước ngoài, bảo đảm kết nối ổn định 24/24. Việc sử dụng hết sức đơn giản: đầu cầu BV Nhi Đồng 1 sẽ luôn trực tuyến, khi các tỉnh liên hệ, các bác sĩ chỉ cần nhấn một nút "nhận cuộc gọi" duy nhất là có thể kết nối và hội chẩn ngay. Hệ thống gồm nhiều màn hình rõ nét, thuận lợi cho việc chia sẻ các kết quả chẩn đoán hình ảnh.
PGS-TS-BS Nguyễn Thanh Hùng chủ trì buổi khai trương trực tuyến Trung tâm Telehealth
Theo BV Nhi Đồng 1, hiện đã có 68 đầu cầu là cơ sở y tế của 25 tỉnh, thành khác nhau từ Bình Định đến Cà Mau được kết nối. Sẽ có thêm nhiều điểm cầu nữa trong tương lai. Việc thành lập các trung tâm hỗ trợ khẩn cấp từ BV tuyến cuối nằm trong đề án "Khám, chữa bệnh từ xa giai đoạn 2020-2025" của Bộ Y tế, ngoài hỗ trợ các cuộc hội chẩn khẩn cấp còn là cầu nối cho công tác huấn luyện, đào tạo trực tuyến, tư vấn chuyên môn, chia sẻ kinh nghiệm điều trị, phòng chống dịch... giữa các BV chuyên khoa hàng đầu với các cơ sở y tế tỉnh, thành khác.
Buổi hội chẩn đầu tiên sáng 24-9 là trường hợp một cháu bé sơ sinh được BV Sản - Nhi An Giang mổ sinh khẩn cấp sau khi phát hiện thai suy. Cháu bé ra đời đủ tháng (38 tuần) nhưng yếu, bị viêm phổi nặng và nhiều vấn đề dị tật bẩm sinh khác. Bác sĩ Bạch Văn Cam, Phó Chủ tịch Hội Hồi sức cấp cứu Việt Nam, cố vấn khối hồi sức cấp cứu BV Nhi Đồng 1 cùng các chuyên gia đã hướng dẫn những bước cần thiết để BV Sản - Nhi An Giang có thể tự điều trị cho cháu bé tại chỗ.
Tin - ảnh: Anh Thư - (nld.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)