Chụp X-Quang bằng xe X-Quang kỹ thuật số lưu động.
Sàng lọc và điều trị miễn phí
Các buổi khám sàng lọc được tổ chức tại các trung tâm y tế: Vĩnh Thạnh, Cờ Ðỏ, Thới Lai, Bình Thủy và Phong Ðiền. Mỗi đơn vị 3 ngày. Riêng với 4 quận còn lại, BV Lao và Bệnh phổi TP Cần Thơ cũng đang lập kế hoạch thực hiện vào cuối năm 2020. Nguồn kinh phí khám sàng lọc dựa vào kinh phí địa phương và các dự án. Ðây là lần đầu tiên bệnh viện thực hiện hoạt động này tại cộng đồng. Mục đích của đợt khám là phát hiện sớm bệnh lao, lao tiềm ẩn cắt nhanh nguồn lây và cắt nguy cơ nhiễm lao thành bệnh lao.
Bà P.T.B, ở phường Long Hòa, kể: “Tôi bị bệnh lao vào năm 2019, điều trị 6 tháng đã khỏi. Nay có đợt đi kiểm tra, trạm y tế gởi giấy mời đi khám, để bác sĩ xem bệnh có tái phát không. Bác sĩ cho chụp X-quang kiểm tra và thông báo không thấy tái phát. Tôi rất mừng”.
Còn vợ chồng chị N.T.H.H, ở phường Trà Nóc, quận Bình Thủy đi sàng lọc vì con gái ở chung nhà bị bệnh lao. Chị N.T.H.H cho biết: “Con tôi đang điều trị lao tại trạm y tế mấy tháng nay, cũng khỏe nhiều. Sau khi tôi chụp X-quang, thử phản ứng Mantous (lao tố), bác sĩ hẹn 2 ngày sau đến trung tâm y tế để trả kết quả”.
Tại buổi tư vấn, BV Lao và Bệnh phổi TP Cần Thơ chụp X-quang cho người dân bằng xe X-quang kỹ thuật số lưu động do Chương trình chống lao quốc gia cấp. Người dân đến khám, sàng lọc là những người có tiếp xúc với các bệnh nhân lao (có bằng chứng vi khuẩn học), lao đa kháng thuốc, lao ngoài phổi (không có bằng chứng vi khuẩn học), lao trẻ em, lao/HIV và những người có bệnh mãn tính như hen, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), cao huyết áp, đái tháo đường, bệnh khớp mãn tính…
Theo bà Lê Thị Hồng Ngọc, Phòng Kế hoạch tổng hợp, BV Lao và Bệnh phổi TP Cần Thơ, tất cả người dân đến khám sàng lọc đều được chụp X-quang, nếu có tổn thương nghi lao trên phim X-quang thì sẽ cho làm xét nghiệm Gene - Xpert để chẩn đoán, phát hiện bệnh lao, lao đa kháng thuốc. Sau khi có kết quả Gene - Xpert, BV Lao và Bệnh phổi TP Cần Thơ sẽ thông báo kết quả cho tổ lao các Trung tâm y tế để liên hệ người bệnh điều trị bệnh lao. Với người có tiếp xúc hộ gia đình với bệnh nhân lao (trên 5 tuổi) và không có HIV sẽ chụp X-quang, khi không phát hiện dấu hiệu nghi lao trên phim chụp, người dân sẽ được thử phản ứng Mantous (lao tố). Sau khi có kết quả Mantous dương tính sẽ được tư vấn điều trị lao tiềm ẩn. Tất cả các sàng lọc, điều trị đều miễn phí. Riêng trẻ em dưới 5 tuổi sống chung nhà với bệnh nhân lao thì đã có chương trình điều trị dự phòng bệnh lao tại các trạm y tế.
Điều trị lao tiềm ẩn để thanh toán bệnh lao
Theo bác sĩ Huỳnh Văn Thanh, nguyên Trưởng Khoa Lao kháng thuốc, BV Lao và Bệnh phổi TP Cần Thơ, bệnh lao lây truyền qua đường hô hấp là chủ yếu. Khi người lành hít phải vi khuẩn lao, một số vi khuẩn bị tiêu diệt, một số gây bệnh, một số tiếp tục tồn tại nhiều năm trong cơ thể. Lao tiềm ẩn là tình trạng cơ thể người có đáp ứng miễn dịch với kháng nguyên của trực khuẩn gây bệnh lao ở người (MTB) nhưng chưa có dấu hiệu lâm sàng - cận lâm sàng nào cho thấy bệnh lao hoạt động. Người mắc lao tiềm ẩn không lây truyền vi khuẩn lao cho người khác. Ðiều trị lao tiềm ẩn có thể ngăn ngừa tới 90% nguy cơ phát triển thành bệnh lao. Trong quá trình điều trị lao tiềm ẩn, bệnh nhân cần uống đủ liệu trình và liều lượng, thời gian quy định.
Khoảng 1/3 dân số thế giới nhiễm lao tiềm ẩn. Trung bình khoảng 5-10% số người nhiễm lao sẽ phát triển thành bệnh lao. Ở Việt Nam, 100 người thì có 40 người nhiễm lao nhưng chỉ có 2-4 người trở thành bệnh nhân lao. Nguy cơ tiến triển bệnh lao tùy thuộc vào miễn dịch cơ thể.
Theo bác sĩ Thạch Văn Sang, Trưởng Phòng Kế hoạch tổng hợp, BV Lao và Bệnh phổi TP Cần Thơ, BV đang xúc tiến các thủ tục để mua thuốc điều trị lao tiềm ẩn. Dự kiến cuối tháng 10-2020 có thuốc và bắt đầu điều trị lao tiềm ẩn, theo phác đồ 3 tháng. Sau đợt sàng lọc, trung tâm y tế sẽ liên hệ người nhiễm lao tiềm ẩn để tư vấn điều trị. Sau đó, chuyển về trạm y tế xã quản lý, theo dõi, điều trị và nhận thuốc hàng tuần.
Bài, ảnh: H.HOA - (baocantho.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)