Khám bệnh liên quan đến hô hấp cho trẻ tại Khoa khám bệnh, Bệnh viện Sản Nhi tỉnh.
Nhiều trẻ vào viện bệnh đã nặng
Theo bác sĩ Tăng Thị Kim Trúc, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Sản Nhi tỉnh: “Khoảng 2 tuần gần đây số trẻ mắc bệnh viêm đường hô hấp gia tăng nhiều. Đáng quan ngại là có những trẻ vào viện đã sốt cao, co giật, có trẻ suy hô hấp,… chúng tôi đã cấp cứu, điều trị bệnh tích cực cho các em”. Số trẻ nằm viện tại khoa trung bình 2 tuần qua khoảng 40 trẻ/ngày nhưng số trẻ mắc bệnh viêm đường hô hấp chiếm khoảng 60%. Đa số các em đều ho, sốt, đau đầu, sổ mũi,... Số trẻ mắc bệnh nhập viện bệnh hô hấp tăng gấp 3 lần so với thời gian trước.
Bệnh của trẻ diễn tiến nhanh khiến các gia đình lo lắng. Bà Huỳnh Tuyết Loan, bà nội bé Nguyễn Gia Khiêm, ở xã Hỏa Lựu, thành phố Vị Thanh, cho biết: “Cháu nội tôi chỉ mới bệnh khi sáng, đến trưa, chiều đã sốt, nôn ói. Gia đình đưa vào Bệnh viện Sản Nhi tỉnh để khám bệnh, cháu sốt cao gần 400C, phải nằm viện để bác sĩ chăm sóc, điều trị, đến nay đã đỡ hơn, gia đình thật sự lo lắng”.
Không chỉ có trẻ bệnh phải nằm viện, trẻ đến khám tại Khoa khám bệnh của Bệnh viện Sản Nhi tỉnh có rất nhiều trường hợp mắc các bệnh viêm được hô hấp trên. Bé Nguyễn Sơn Trà, 9 tuổi, ở xã Vĩnh Thuận Tây, huyện Vị Thủy, được người nhà đưa vào Bệnh viện Sản Nhi tỉnh khám, chữa bệnh do em bị sốt, ho,… Bác sĩ khám cho biết bị viêm hô hấp trên và cho thuốc về uống và tư vấn người thân cách chăm sóc trẻ. Và nhiều trẻ khác cũng vào viện khám với tình trạng tương tự. Theo thống kê của Bệnh viện Sản Nhi tỉnh, bệnh viêm đường hô hấp đã gia tăng trong tháng 9 và những ngày đầu tháng 10 này. Riêng trẻ khám, chữa bệnh mắc bệnh hô hấp có gần 1.100 trẻ trong tháng 9 vừa qua, tăng hơn 1,5 lần so với tháng trước.
Mới đây, Trường THCS Tân Hòa cũng có 25 trẻ phải nhập viện điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Châu Thành A do lây nhiễm bệnh viêm đường hô hấp ở trường. Ông Thái Hữu Huệ, Trưởng phòng Kế hoạch, Trung tâm Y tế huyện Châu Thành A, chia sẻ: “Các em đều có triệu chứng sốt, ho,… do bệnh viêm hô hấp. Trong đó, nhiều em cùng 1 lớp học. Bệnh viêm đường hô hấp rất dễ lây truyền từ người này qua người khác khi tiếp xúc gần, qua hắt hơi”.
Ở một số bệnh viện, trung tâm y tế khác, các trường hợp mắc bệnh viêm đường hô hấp cũng gia tăng. Tại Bệnh viện Đa khoa thành phố Ngã Bảy, số cas bệnh viêm đường hô hấp nội trú và ngoại trú cũng tăng. Tăng nhiều là bệnh viêm phế quản, tăng gần 1,5 lần so với tháng 8 với gần 1.300 người mắc bệnh. Thời tiết hiện nay là điều kiện thuận lợi để bệnh viêm đường hô hấp phát triển. Cần chủ động phòng bệnh, chăm sóc tốt trẻ khi mắc bệnh để bảo vệ sức khỏe của trẻ.
Chú ý triệu chứng, tăng cường sức khỏe phòng bệnh
Theo bác sĩ Tăng Thị Kim Trúc, Trưởng Khoa nhi, Bệnh viện Sản Nhi tỉnh, bệnh viêm hô hấp cấp ở trẻ em là tình trạng nhiễm trùng chung của toàn bộ đường hô hấp từ mũi xuống đến phổi gây ra bởi vi sinh vật (vi-rút, vi khuẩn, nấm, ký sinh trùng…). Bệnh thường gặp ở trẻ em, trung bình mỗi trẻ 1 năm có thể mắc 5-8 lần. Trong đó, phần lớn trường hợp tự khỏi, bé có thể tự khỏi trong vòng 10-14 ngày nếu được chăm sóc đúng cách. Tuy nhiên, khoảng 1/4 trường hợp sẽ gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và có thể nguy hại đến tính mạng của trẻ. Trẻ tuổi càng nhỏ càng dễ bị bệnh và bệnh càng nặng. Do đó, cần khám, chữa bệnh kịp thời để tránh hệ quả không đáng có.
Biểu hiện triệu chứng bệnh tùy theo độ tuổi, độ nặng của bệnh, tác nhân gây bệnh. Bắt đầu nhiễm siêu vi, trẻ có thể sốt nhẹ, sổ mũi, ho, hoặc triệu chứng nhiễm trùng như: sốt lạnh run, nhức đầu hoặc quấy khóc ở trẻ nhỏ. Triệu chứng tiêu hóa: ói, ọc, biếng ăn, đau bụng, chướng bụng, tiêu chảy. Sau đó, thở nhanh, lồng ngực bị rút lõm trong khi thở vào, thở rít, khò khè, cánh mũi phập phồng, tím tái... nếu không được xử trí, điều trị kịp thời sẽ dẫn đến tử vong.
Nhiễm khuẩn hô hấp trên thường gặp: viêm mũi - họng, viêm Amydan, viêm tai giữa, viêm xoang. Nhiễm khuẩn hô hấp dưới, ít gặp hơn nhưng khi mắc thường nặng, như: viêm thanh quản, viêm thanh khí phế quản, viêm tiểu phế quản, viêm phổi.
Các gia đình cần lưu ý khi chăm sóc trẻ tại nhà đúng cách nếu trẻ bệnh. Nếu trẻ bú mẹ, cho trẻ bú mẹ nhiều hơn và lâu hơn. Cung cấp đủ nước, dinh dưỡng: cho trẻ ăn thức ăn mềm, dễ tiêu, uống nước chín hay nước cam, chanh pha loãng,… Làm thông thoáng mũi, họng bằng NaCl 0.9% mỗi ngày 4 lần. Giảm ho bằng các loại thảo dược, tránh các chế phẩm chứa antihistamin. Giảm sốt bằng cách lau mát, uống thuốc Paracetamon và phòng hạ thân nhiệt ở trẻ nhỏ. Rửa tay trẻ và người chăm sóc trẻ thường xuyên bằng xà phòng.
Chủ động phòng bệnh, các gia đình có thể tiêm phòng vắc-xin cúm cho trẻ. Tránh trẻ tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ: khói bụi, thuốc lá, nhất là tiếp xúc với người đang bị bệnh hô hấp. Nếu trong gia đình có người lớn bị bệnh (hắt hơi, sổ mũi, ho) nên điều trị để tránh lây cho trẻ.
Bệnh “tấn công” cả người lớn
Theo Bệnh viện Sản Nhi tỉnh: Bệnh viêm đường hô hấp đã gia tăng trong tháng 9 và những ngày đầu tháng 10 này số trẻ nằm viện tại khoa trung bình 2 tuần qua khoảng 40 trẻ/ngày, nhưng số trẻ mắc bệnh viêm đường hô hấp chiếm khoảng 60%. Đa số các em đều ho, sốt, đau đầu, sổ mũi,... Số trẻ mắc bệnh nhập viện bệnh hô hấp tăng gấp 3 lần so với thời gian trước.
Tuy nhiên, không chỉ có trẻ mắc bệnh, hiện nay nhiều người lớn cũng mắc các bệnh liên quan đến đường hô hấp do thời tiết thay đổi, mưa bão kéo dài. Nhiều gia đình cả nhà mắc bệnh do lây lan. Ngành y tế khuyến cáo người dân cần tăng cường sức đề kháng, không chủ quan với căn bệnh này, cần khám kịp thời để bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình.
|
Bài, ảnh: HỒNG DIỄM - (baohaugiang.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)