Truyền máu hoàn hồi bằng máy Cell Saver tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ. Ảnh: BV cung cấp
Bệnh nhân D.V.M, sinh năm 1964, ở quận Ô Môn, TP Cần Thơ, nhập viện do đau ngực trái nhiều. Chẩn đoán: cơn đau thắt ngực không ổn định; hẹp thân chung và hẹp nặng 3 nhánh mạch vành, tăng huyết áp, đái tháo đường type 2 và có nhóm máu hiếm Rh(-). Khoa Huyết học truyền máu Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ phối hợp Bệnh viện Huyết học - Truyền máu TP Cần Thơ vận động ngân hàng máu sống để cung cấp 2 đơn vị khối hồng cầu lắng, 2 khối huyết tương đông lạnh và 1 kít tiểu cầu 250ml gạn tách.
Với sự hỗ trợ của các bác sĩ Trung tâm Tim mạch Bệnh viện Chợ Rẫy, các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ đã phẫu thuật cầu nối chủ - vành (4 cầu) không sử dụng tuần hoàn ngoài cơ thể với vật liệu làm cầu nối là toàn bộ động mạch. Phẫu thuật thành công sau 6 giờ, có sử dụng phương pháp truyền máu hoàn hồi bằng hệ thống máy Cell Saver.
Bác sĩ Nguyễn Thị Minh Thy, Trưởng Khoa Huyết học truyền máu, cho biết: Truyền máu hoàn hồi (hay còn gọi là truyền máu tự thân) là bệnh nhân được truyền lại máu của chính mình. Đây là giải pháp tối ưu giúp tiết kiệm nguồn máu hiến, giảm nguy cơ mắc thêm các bệnh truyền nhiễm, tránh nguy cơ tai biến xung đột miễn dịch trong truyền máu đe doạ sức khỏe và tính mạng của người bệnh. Đồng thời, rút ngắn thời gian bù lượng máu mất, nhất là trong các trường hợp cấp cứu tối khẩn cấp.
H.HOA - (baocantho.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)