Trầm cảm ngày càng trẻ hóa
Trường hợp đầu tiên là chị A.T (33 tuổi, sống cùng em gái tại căn hộ chung cư ở quận 7). Chị T. mắc bệnh trầm cảm nhiều năm qua, đã được đi khám, điều trị. Thời gian gần đây, chị có biểu hiện tâm thần nặng hơn, tâm lý không bình thường. Ngày 8-11, người nhà đến hỗ trợ chăm sóc nhưng không thể ngăn được cái chết của chị khi gieo mình từ tầng 31 xuống đất. Trước khi tự tử chị T. chưa tìm được việc làm.
Chuyện đau lòng tương tự này xảy ra khoảng một tuần sau tại một chung cư ở quận Thủ Đức, lần này là một luật sư. Nạn nhân là bà N.T.M.T (50 tuổi, hành nghề luật sư, sống độc thân tại căn hộ trong chung cư). Sau khi nạn nhân tử vong, cơ quan chức năng phát hiện trên bàn làm việc của nữ luật sư này có hồ sơ khám bệnh rối loạn giấc ngủ.
Theo các chuyên gia, xã hội hiện đại là một trong những yếu tố gây nên bệnh trầm cảm. Tại các cơ sở y tế, chuyên khoa nội thần kinh ở các bệnh viện lớn hầu như không thiếu nhiều câu chuyện buồn liên quan tới người trầm cảm. Nhiều trường hợp tự tử vì bị phụ tình, kinh doanh làm ăn thất bại; người bế tắc công việc, tình cảm cũng nghĩ quẩn…
TS-BS Lê Minh Thuận, Trưởng Khoa Tâm lý lâm sàng Bệnh viện (BV) quận 2 (TP HCM), cho biết mỗi ngày nơi đây có hơn chục trường hợp đến khám bệnh trầm cảm.
BS Thuận cho biết trầm cảm ở trẻ em cũng khá phổ biến. Theo đó, có 1% trẻ dưới 6 tuổi, 5% trẻ vị thành niên và 10% trẻ khuyết tật từng trải qua một mức độ nhất định của trầm cảm trong một thời điểm của cuộc đời. Điều đáng báo động là một trong những hậu quả của tình trạng này là việc dọa tự tử ở trẻ.
Theo các chuyên gia, tại Việt Nam bệnh trầm cảm đang có chiều hướng gia tăng. Số lượng bệnh nhân đến thăm khám các bệnh lý liên quan đến trầm cảm tăng 20% - 30% mỗi năm. Nếu trước kia người mắc trầm cảm đa phần trong độ tuổi từ 60 - 65 tuổi, thì nay trầm cảm đang có xu hướng trẻ hóa với độ tuổi từ 15 - 27 tuổi. Nữ giới bị trầm cảm nhiều hơn nam giới, trung bình cứ 2 bệnh nhân nữ mới có 1 bệnh nhân nam bị trầm cảm.
ThS-BS Hoàng Đình Hữu Hạnh, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, khám, tư vấn về giấc ngủ
Vệ sinh giấc ngủ
Theo giới chuyên môn, nhịp sống hối hả và những áp lực xã hội làm cho căn bệnh trầm cảm ngày một gia tăng. Trầm cảm là một căn bệnh rối loạn tâm sinh lý khiến cho người bệnh có thể gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống, cả thể chất và tinh thần, gây ra những biến đổi bất thường về hành động, suy nghĩ, hành xử.
Bất kỳ ai cũng có thể mắc trầm cảm. Ngoài áp lực về công việc, xung đột, stress, những yếu tố bên trong (bệnh tật, bệnh nan y) cũng có thể gây tăng nguy cơ bệnh. Nếu không đáp ứng được những thay đổi, những áp lực thì dễ dẫn đến tình trạng trầm cảm và hàng loạt bệnh lý khác. Lâu ngày trở nên buồn chán, suy nghĩ bi quan, nặng hơn nữa là có ý định tự tử.
Theo ThS-BS Nguyễn Minh Mẫn, Trưởng Đơn vị Tâm lý lâm sàng, BV Đại học Y Dược TP HCM, áp lực trong cuộc sống khiến ngày càng nhiều người bị mất ngủ. Áp lực, căng thẳng này mang vào trong giấc ngủ lâu dần tích tụ trong não tạo thành thói quen xấu. Hậu quả ban đầu của mất ngủ là sự mất tập trung, những cơn đau đầu chập chờn, sau đó là thay đổi tính khí, mệt mỏi. Nặng hơn, người bệnh dễ rơi vào trầm cảm, tâm thần, thậm chí không kiểm soát được hành động của mình. Có người đã quá hoảng loạn, dẫn đến việc tự tìm cái chết để giải thoát. "Mỗi người cần ý thức tầm quan trọng của giấc ngủ và chú ý giữ "vệ sinh giấc ngủ" để không dẫn đến tình trạng mất ngủ trầm trọng. Hãy chủ động giảm và rũ bỏ áp lực căng thẳng cuộc sống, cố gắng có được giấc ngủ mỗi đêm sẽ giúp phòng tránh nguy cơ bị trầm cảm" - BS Mẫn tư vấn.
Nếu cha mẹ nghi ngờ con mình đang có khó khăn tinh thần, hãy khuyến khích con nói ra những gì con cảm nhận. Nếu con thật sự trầm cảm, nên sớm tìm kiếm sự trợ giúp từ các nhà chuyên môn, cùng sự chia sẻ từ gia đình, người thân, bạn bè, thầy cô giáo của con.
Bài và ảnh: NGUYỄN THẠNH - (nld.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)