Bác sĩ CKII Triệu Anh Đệ khuyến cáo người cao tuổi chú ý giữ gìn sức khỏe trong tiết trời lạnh.
Người cao tuổi có nguy cơ cao mắc các bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản và bệnh viêm phế quản mạn, nhất là khi thời tiết lạnh, ẩm. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, yếu tố nguy cơ hàng đầu gây các bệnh lý này đều liên quan đến hút thuốc lá. Bên cạnh đó, nguyên nhân từ môi trường ô nhiễm, tình trạng nhiễm trùng đường hô hấp tái đi tái lại khiến người cao tuổi dễ mắc bệnh đường hô hấp, ảnh hưởng sức khỏe và chất lượng sống.
Dấu hiệu nhận biết bệnh đường hô hấp ở người cao tuổi gồm khó thở, khò khè, ho, khạc đàm, ngực đau thắt; mệt mỏi kéo dài, sốt nhẹ, cảm giác ớn lạnh… Bác sĩ Triệu Anh Đệ đưa ra bảng hỏi nhận diện bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính gồm: Ông bà có ho vài lần trong ngày ở hầu hết các ngày không? Có khạc đàm ở hầu hết các ngày không? Có dễ bị khó thở hơn những người cùng tuổi? Trên 40 tuổi? Đã và đang hút thuốc hay từng hút thuốc không?
Nếu có 2 câu trả lời là “có” trở lên, bác sĩ khuyến cáo người bệnh nên đến thăm khám với bác sĩ chuyên khoa hô hấp để được tư vấn và điều trị kịp thời. Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính nếu không điều trị sẽ làm gia tăng tình trạng khó thở theo thời gian, kèm theo những đợt bệnh trở nặng, khiến sức khỏe suy kiệt, thậm chí tử vong. Bác sĩ Triệu Anh Đệ khuyến cáo, người bệnh cần kiểm tra sức khỏe định kỳ theo lịch hẹn của bác sĩ chuyên khoa.
Hen suyễn cũng là bệnh lý hô hấp mạn tính thường gặp ở người cao tuổi. Nếu không phát hiện sớm hoặc thực hiện đúng theo chỉ dẫn của bác sĩ, bệnh có thể gây nguy hiểm tính mạng do hiện nay chưa thể chữa khỏi hoàn toàn. Tuy nhiên, người bệnh có thể kiểm soát bệnh hiệu quả bằng cách sử dụng các loại thuốc thông qua dụng cụ xịt định liều với liều lượng rất thấp. Theo bác sĩ Triệu Anh Đệ, nguyên tắc điều trị bệnh hen là ngừa cơn chứ không được chờ lên cơn rồi mới cắt. Người bệnh nếu được chẩn đoán đúng, điều trị đúng, tuân thủ điều trị, kiêng cữ đúng thì có thể ổn định sức khỏe, không khò khè, khó thở, có thể sinh hoạt, làm việc, nghỉ ngơi như người bình thường.
Viêm phế quản mạn tính khá thường gặp ở người cao tuổi trong tiết trời lạnh, do tình trạng tổn thương niêm mạc đường thở. Bệnh thường khởi phát do các đợt nhiễm trùng đường hô hấp, gây viêm, phù nề, tăng tiết và thắt hẹp đường thở. Khi không được điều trị phù hợp hoặc các đợt nhiễm trùng đường hô hấp tái đi tái lại nhiều lần, bệnh phát triển thành viêm phế quản mạn tính.
Bác sĩ Triệu Anh Đệ cho biết, triệu chứng điển hình của viêm phế quản mạn tính là ho kéo dài, thường ho húng hắng hoặc thành cơn. Bệnh trở nặng sau những đợt nhiễm trùng đường hô hấp hoặc khi có thay đổi thời tiết, khi trời lạnh, tiếp xúc khói, bụi. Triệu chứng khác là khạc đờm kéo dài: đờm thường có màu trắng. Trường hợp bội nhiễm do vi khuẩn, đờm thường có màu vàng hoặc màu xanh. Bên cạnh đó, bệnh nhân cũng cảm thấy mệt mỏi. Các biểu hiện thường xuất hiện tái đi tái lại nhiều lần, việc điều trị mỗi đợt thường kéo dài.
Theo bác sĩ Triệu Anh Đệ, cách bảo vệ chung cho người cao tuổi tránh mắc các bệnh viêm đường hô hấp thường gặp trong tiết trời lạnh, đó là không hút thuốc, tránh tiếp xúc khói thuốc và môi trường nhiều khói bụi. Ngoài ra, giữ ấm cơ thể, đeo khẩu trang trong môi trường lạnh ẩm và ô nhiễm. Điều trị sớm và triệt để các đợt nhiễm trùng đường hô hấp. Tập thể dục đều đặn, phù hợp với thể trạng sức khỏe, tuy nhiên, lưu ý không đi tập ngoài trời quá sớm, quá muộn. Đảm bảo chế độ dinh dưỡng cân đối, đủ năng lượng. Thường xuyên vệ sinh răng miệng để tránh nhiễm khuẩn, vi khuẩn đi xuống cơ quan hô hấp gây bệnh. Tránh các thức ăn đã từng gây dị ứng hoặc có thành phần sulfite thường thấy trong chất bảo quản thực phẩm như hoa quả khô, bia rượu đã qua chế biến vì thường gây các cơn hen. Tiêm vắc-xin phòng các bệnh đường hô hấp. Khi có dấu hiệu mắc bệnh hô hấp, người bệnh cần đi khám chuyên khoa hô hấp để có chỉ định điều trị hợp lý, hiệu quả.
Bài, ảnh: THU SƯƠNG - (baocantho.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)