Cán bộ y tế Trung tâm Y tế huyện Giồng Trôm tiêm ngừa dại cho người có tiếp xúc bệnh nhân dại.
Đến ngày 21-12-2020, Trung tâm Y tế huyện Giồng Trôm đã tiếp nhận và tiêm ngừa cho 36 trường hợp tiêm ngừa dại, trong đó có 11 người có liên quan đến ca bệnh dại mới ghi nhận nêu trên.
Theo bác sĩ Từ Minh Hậu, bệnh nhân đã phát dại và tử vong được xem như là tác nhân gây dại. Do đó, tất cả các trường hợp tiếp xúc với bệnh nhân như: Người chăm sóc phục vụ trực tiếp, người tiếp xúc với các chất tiết của bệnh nhân trong suốt thời gian mắc bệnh, người tiếp xúc có vết thương hở hoặc niêm mạc bị phơi nhiễm với nước bọt của bệnh nhân cần phải đến ngay điểm tiêm phòng dại để được khám và điều trị dự phòng.
“Thời gian ủ bệnh dại từ 7 đến 10 ngày, thậm chí kéo dài vài tháng và cả một năm. Các y văn trên thế giới cho rằng: Các trường hợp phát dại thì tỷ lệ tử vong gần như 100%, do đó người tiếp xúc phải đảm bảo tiêm đủ, đúng 5 mũi tiêm trong thời gian 1 tháng. Trong đó, mũi tiêm huyết thanh kháng dại phải tiêm đầu tiên, các mũi tiêm kế tiếp theo đúng lịch vào ngày thứ 3 ngày 7, 14, 28 kể từ ngày tiêm mũi tiêm đầu tiên. Tuyệt đối không được điều trị bằng thuốc nam”, Bác sĩ Từ Minh Hậu lưu ý.
Tin, ảnh: Phan Hân - (baodongkhoi.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)