Vì sao số ca mắc ung thư tăng nhanh?
Giải thích nguyên nhân khiến số ca mắc ung thư tại Việt Nam không ngừng tăng, GS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế, cho rằng thứ nhất là do tuổi thọ người Việt không ngừng tăng, hiện đã đạt 73,6 tuổi. Tuổi càng cao, tỉ lệ mắc ung thư càng lớn. Thứ hai, do nhận thức của người dân tốt hơn nhờ truyền thông nên đi khám sức khỏe định kỳ nhiều hơn, từ đó phát hiện bệnh nhiều hơn. Tiếp đến là do những tiến bộ y học, kỹ thuật chẩn đoán tốt hơn nên tỉ lệ phát hiện bệnh cao hơn.
Ngoài ra, nguyên nhân gây ung thư chỉ có 10% do rối loạn nội tiết, tổn thương có tính di truyền bên trong cơ thể; 80% do các tác nhân không lành mạnh bên ngoài như liên quan đến hút thuốc, rượu bia, chế độ ăn uống, rèn luyện thể thao; các yếu tố do vi khuẩn, virus, ô nhiễm môi trường, tia phóng xạ…
"Trong đó, riêng hút thuốc lá là nguyên nhân gây ra 30% các bệnh ung thư như ung thư phổi, thanh quản, thực quản, khoang miệng, vú, dạ dày, cổ tử cung… Hiện Việt Nam nằm trong tốp 15 nước có người hút thuốc lá nhiều nhất thế giới dẫn tới tăng số người mắc và tử vong do ung thư"- GS Trần Văn Thuấn nói.
GS-BS Nguyễn Chấn Hùng, Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam, cho biết ở nước ta ung thư gan thường gặp hàng đầu ở cả nam lẫn nữ, nguy cơ ở đàn ông gấp 3 lần phụ nữ. Ung thư gan tiến triển thầm lặng, ban đầu hầu như không có triệu chứng. Sau đó xuất hiện các triệu chứng khá mờ nhạt, dễ nhầm lẫn như cảm giác ăn không ngon, khó tiêu, mệt, nặng ở dưới bờ sườn bên phải.
Việt Nam nằm trong vùng dịch viêm gan do virus với số ca mắc đang ngày càng tăng nhanh. Đây là yếu tố nguy cơ chủ yếu của ung thư gan. Viêm gan do virus B, C diễn tiến âm thầm thành xơ gan và 80%-90% thành ung thư gan.
Cần thực hiện lối sống lành mạnh, tăng cường tập luyện thể dục thể thao để phòng ngừa bệnh tật, trong đó có ung thư. (Ảnh chỉ có tính minh họa) Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Kéo dài thời gian sống cho người bệnh
PGS-TS Lê Văn Quảng cho biết điều trị ung thư là điều trị phối hợp bởi nhiều phương pháp: phẫu thuật, hóa trị, xạ trị, chăm sóc giảm nhẹ triệu chứng, dinh dưỡng, tâm lý xã hội... Với các tiến bộ của y học ngày nay, nhiều người được chữa khỏi hoặc có thể kéo dài thời gian sống thêm đáng kể tùy loại ung thư và giai đoạn bệnh.
Hiện nay, một số bệnh ung thư có đến 90% khỏi bệnh, kéo dài thời gian sống hơn 5 năm, nếu phát hiện ở giai đoạn sớm, điều trị kịp thời như ung thư tuyến giáp, ung thư vú, ung thư tiền liệt tuyến, ung thư đại tràng… Tại Bệnh viện K trung ương có rất nhiều bệnh nhân ung thư đã chữa trị ổn định và kéo dài thời gian sống đến 10 năm, 20 năm, thậm chí 30 năm.
TS-BS Phạm Xuân Dũng, Giám đốc Bệnh viện Ung Bướu TP HCM, cho biết Việt Nam đã đạt được nhiều tiến bộ trong cuộc chiến chống ung thư. Các kỹ thuật chẩn đoán không chỉ là chẩn đoán bằng hình thái học mà còn cho biết về đặc điểm sinh học của bướu; các xét nghiệm mới về miễn dịch, giải trình tự gien cũng đã được thực hiện tại Việt Nam; hình ảnh học và các kỹ thuật mới đã giúp chẩn đoán chính xác giai đoạn bệnh. Việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo bước đầu được nghiên cứu và áp dụng trong hỗ trợ ra quyết định điều trị tại một số BV.
Việc chẩn đoán và ra quyết định điều trị cho bệnh nhân ung thư hiện nay đã được cá thể hóa, chính xác hơn, mang lại kết quả tích cực trong điều trị. Các phương pháp điều trị không những làm tăng hiệu quả điều trị mà còn hướng đến giảm độc tính, giảm di chứng do điều trị, nâng cao chất lượng cuộc sống, giữ được chức năng sinh học và yếu tố thẩm mỹ cho bệnh nhân.
Giới chuyên môn cho biết ngành ung thư đã có nhiều nỗ lực giảm nhẹ gánh nặng ung thư, đặc biệt ưu tiên sàng lọc các ung thư thường gặp, có khả năng điều trị hiệu quả và phát hiện bằng các phương tiện có thể tiến hành trên quy mô lớn.
Tuy vậy, để phòng bệnh, mỗi người dân cần duy trì thói quen khám sức khỏe định kỳ, khi có bất kỳ dấu hiệu nghi ngờ ung thư cần đến các cơ sở y tế chuyên khoa để được thăm khám, phát hiện sớm hoặc loại trừ bệnh ung thư.
Ung thư không phải là "chấm hết"
"Nhiều người bệnh đã điều trị thành công quay trở về cuộc sống thường ngày và truyền cảm hứng cho hàng ngàn người bệnh khác, điển hình như nữ sinh Đặng Trần Thủy Tiên, không may mắc bệnh ung thư vú nhưng đã mạnh mẽ vượt qua để trở thành Hoa khôi của Trường ĐH Ngoại thương. Hay câu chuyện của người bệnh Nguyễn Thị Liên dù mắc ung thư vú di căn vẫn có thể sinh bé Bình An khỏe mạnh. Đến nay, con trai bệnh nhân đã gần 3 tuổi, phát triển bình thường, khỏe mạnh còn người mẹ vẫn thực hiện điều trị định kỳ" - PGS Lê Văn Quảng chia sẻ.
NGỌC DUNG - NGUYỄN THẠNH - (nld.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)