Nano Covax là vắc-xin ngừa Covid-19 đầu tiên do Việt Nam nghiên cứu, sản xuất được Bộ Y tế cấp phép thử nghiệm lâm sàng. Trước đó, ngày 17-12-2020, Học viện Quân y (Bộ Quốc phòng) đã chính thức thực hiện nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 vắc-xin Nano Covax đối với 60 tình nguyện viên. Các tình nguyện viên sau tiêm hầu hết đều có sức khoẻ ổn định, một số ít trường hợp có biểu hiện đau tại vị trí tiêm, sốt nhẹ nhưng đều hết sau 1-2 ngày.
Người tiêm thử nghiệm vắc-xin Nano Covax- Ảnh: Thuý Hạnh
Theo ông Quang, giai đoạn 2 việc thử nghiệm vắc-xin Nano Covax sẽ được triển khai tại 2 địa điểm để việc tiếp nhận người tiêm tình nguyện được nhanh hơn, gồm: Học viện Quân y (tại Hà Nội) và Viện Pasteur TP HCM thực hiện tại tỉnh Long An.
Giai đoạn 2 sẽ tiêm thử nghiệm cho trên 560 người tình nguyện từ 18 đến 65 tuổi. Dự kiến, ngày 26-2 sẽ tiêm mũi thử nghiệm giai đoạn 2 đầu tiên. Trong giai đoạn 2, vắc-xin sẽ chỉ tiêm 2 nhóm người tình nguyện với 2 liều 50 mcg và 75 mcg.
Ông Quang cho biết với tốc độ triển khai như hiện nay sẽ cần khoảng 2 tháng để hoàn thành nghiên cứu thử nghiệm giai đoạn 2. Như vậy, khoảng cuối tháng 4-2021 sẽ đánh giá chính xác hơn nữa liều tiêm tối ưu.
Vắc-xin Nano Covax do Việt Nam sản xuất
Trong giai đoạn 3 của thử nghiệm lâm sàng dự kiến khoảng tháng 5-2021, vắc-xin Covid-19 đã có thể tiêm cho những người có nguy cơ cao như: Nhân viên cảng hàng không, tiếp viên, các lực lượng trực tiếp tham gia chống dịch. Ông Quang cho biết việc này giống như vắc-xin phòng Covid-19 của Nga, sau việc thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2 đã được cấp phép, tiêm rộng rãi cho người dân. Hội đồng của Bộ Y tế sẽ tiếp tục họp trước khi đưa ra quyết định cho vắc-xin Nano Covax được thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2.
Cũng theo ông Quang, các vắc-xin trong nước hiện đã làm chủ cộng nghệ mới nhất và có thể thích ứng được với những biến đổi của virus SARS-CoV-2. Các nhà tài trợ trong nước có thể tham gia xây dựng, lập quỹ tài trợ cho nghiên cứu, phát triển và sử dụng vắc-xin do Việt Nam sản xuất. Điều đó, giúp người dân sớm được tiếp cận vắc-xin
Theo khuyến cáo, để phòng dịch hiệu quả, cần khoảng 60-70% dân số được tiêm vắc-xin. Trong khi đó, hiện tại, với các cam kết tiếp cận vắc-xin từ nguồn tài và nhập khẩu, chỉ có thể khoảng 5-10 % dân số được tiêm.
D.Thu - (nld.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)