Nặng chân khi về chiều, coi chừng suy tĩnh mạch

Thứ năm, 22 Tháng 4 2021 19:37 (GMT+7)
Cảm giác nặng chân, bó chặt ở bắp chân… khi chiều về là triệu chứng thường gặp ở không ít phụ nữ bị suy tĩnh mạch chi dưới.

Giải thích về nguyên nhân này, bác sĩ Hoàng Kim Bình, Khoa Phẫu thuật Tim - Mạch máu Bệnh viện Bình Dân (TP HCM), cho biết người bị suy tĩnh mạch chi dưới khiến các van trong lòng tĩnh mạch không thể khép kín để đẩy máu về tim, dòng máu chảy ngược này làm tăng áp lực và kéo giãn thành tĩnh mạch khiến tình trạng máu chảy ngược dòng nặng thêm.
 
Hậu quả dẫn tới tình trạng ứ máu ở chi dưới gây phù, nặng chân, vọp bẻ… thậm chí còn có nguy cơ tử vong do huyết khối gây thuyên tắc phổi. Suy tĩnh mạch rất thường gặp ở chân, xảy ra ở khoảng 10% - 35% người trưởng thành.
 
Theo bác sĩ Bình, phụ nữ có nguy cơ bị suy tĩnh mạch cao hơn nam giới, mang thai cũng làm tăng nguy cơ giãn tĩnh mạch. Thói quen đi giày cao gót, ngồi bắt chéo chân cũng khiến phụ nữ tăng nguy cơ suy tĩnh mạch.
 
Nặng chân khi về chiều, coi chừng suy tĩnh mạch - Ảnh 1.
Bác sĩ Hoàng Kim Bình đang thăm khám, siêu âm tĩnh mạch chi dưới cho người bệnh
 
Người thừa cân, béo phì, người làm công việc đòi hỏi phải ngồi hay đứng nhiều như nhân viên văn phòng, tiếp tân, bảo vệ và người ít vận động cũng là những đối tượng có nguy cơ cao bị suy tĩnh mạch. Bệnh này đang có xu hướng ngày càng trẻ hóa do lối sống ít vận động.
 
Có nhiều phương pháp để điều trị bệnh này, điều trị nội khoa (thay đổi thói quen sinh hoạt, công việc, dùng thuốc…); can thiệp nội mạch và đốt sóng cao tần. Trong đó, phương pháp đốt sóng cao tần giúp cải thiện hơn 90% triệu chứng với nhiều ưu điểm như không đau (chỉ cần gây tê tại chỗ), không có sẹo mổ (thẩm mỹ), thời gian phục hồi nhanh.
Để phòng tránh bệnh, bác sĩ Bình khuyến cáo mọi người cần tránh mặc quần áo bó vùng chân và hông, tránh đứng lâu, ngồi nhiều, không ngồi bắt chéo chân tạo áp lực lên đùi, xương chậu, gây cản trở cho việc lưu thông máu.
 
Nên luyện tập thể dục để tăng lưu thông máu. Nếu đã có dấu hiệu suy tĩnh mạch, cần chọn các môn thể thao nhẹ nhàng như đi bộ, bơi lội, đạp xe, khiêu vũ. Hạn chế các môn thể thao có cử động mạnh dồn lực lên chân nhiều gây chấn động lên hệ tĩnh mạch như chạy, quần vợt, đá bóng…
 
Buổi tối khi nằm ngủ nên kê cao chân, tạo thuận lợi cho máu chảy về tim, tránh dồn ứ máu ở chân.
 
Tin-ảnh: H.Yến - (nld.com.vn)
 

Bài viết mới nhất của Ngành Bệnh viện - Thiết bị Y tế