Giảm nguy cơ tiền sản giật trong thai kỳ

Thứ sáu, 16 Tháng 7 2021 07:26 (GMT+7)
Hành trình “đi biển mồ côi một mình” hiện nay của các thai phụ bớt gian nan hơn, nhờ sự tiến bộ của y học trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe sản khoa. Tuy vậy, để giảm thiểu các nguy cơ cao trong thai kỳ, chị em cần tuân thủ lịch khám thai định kỳ với bác sĩ chuyên khoa sản, để được tầm soát, hỗ trợ kịp thời giúp “mẹ tròn, con vuông”.
BS CKII Ðỗ Thị Minh Nguyệt, Phó Trưởng Khoa Sản bệnh, tư vấn cho thai phụ sắp tới kỳ vượt cạn.
 
Chị Tuyết Hoa (41 tuổi, ở tỉnh Vĩnh Long) mang thai lần 2, tuổi thai 38 tuần, sắp đến thời gian vượt cạn. Qua thăm khám, BS CKII Ðỗ Thị Minh Nguyệt, Phó Trưởng Khoa Sản bệnh, Bệnh viện (BV) Phụ sản TP Cần Thơ tư vấn cho vợ chồng chị về tình trạng thai kỳ, với tiền sử vết mổ cũ và bệnh trạng tăng huyết áp thai kỳ. Ðó là những nguy cơ có thể dẫn đến các tai biến sản khoa, ảnh hưởng sức khỏe cả mẹ và bé trong kỳ vượt cạn.
 
Trong 2 tuần đầu tháng 7, BV Phụ sản TP Cần Thơ tổ chức chương trình khám thai miễn phí. Mỗi ngày, khoảng 40-50 thai phụ đến BV, được thăm khám, thực hiện siêu âm thai, đo tim thai, tư vấn tình trạng thai kỳ miễn phí. Ðây là một trong những chương trình BV gia tăng cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản cho chị em giai đoạn dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp.
 
Theo BS CKII Ðỗ Thị Minh Nguyệt, thăm khám thai định kỳ giúp tầm soát, phát hiện kịp thời các nguy cơ trong thai kỳ, nhất là tiền sản giật. Thai phụ bị tiền sản giật không được sàng lọc, chẩn đoán, điều trị sớm, có thể dẫn tới tiền sản giật nặng, sản giật hoặc hội chứng Hellp, gồm giảm tiểu cầu, tán huyết, tăng men gan cao, gây biến chứng nặng nề cho cả mẹ và bé. Thai phụ lên cơn sản giật, có thể bị xuất huyết não, xuất huyết võng mạc, suy hô hấp, suy nội tạng, nhau bong non. Khi mẹ có nguy cơ tiền sản giật hoặc lên cơn sản giật, trẻ sơ sinh chậm tăng trưởng, suy dinh dưỡng bào thai, bị sinh non, thậm chí tử vong.
 
Hiện tại, thai phụ được sàng lọc tiền sản giật sớm, trong khoảng tuổi thai từ 11 tuần đến 13 tuần 6 ngày. Thời điểm này, bác sĩ chỉ định thai phụ xét nghiệm, đo động mạch tử cung, huyết áp trung bình. Qua các chỉ số sẽ tầm soát được nguy cơ tiền sản giật. Trường hợp nguy cơ cao, thai phụ được dùng aspirin dự phòng tiền sản giật. Thai phụ có nguy cơ tiền sản giật được theo dõi thai kỳ chật chẽ, kéo dài đến 3 tháng sau sinh.   
 
Bên cạnh tiền sản giật, thai phụ có thể mắc phải một số bệnh trong thai kỳ, nếu không được theo dõi và can thiệp, có thể chuyển thành bệnh mạn tính suốt đời, như bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp. Ngoài ra, thai phụ lớn tuổi, có tiền sử sinh nhiều con, mổ lấy thai nhiều lần, sinh con trên 4kg, thai lưu, thai dị tật, cũng cần được tầm soát chặt chẽ, điều trị bằng thuốc, điều chỉnh chế độ dinh dưỡng hợp lý.
 
Thời gian qua, BV Phụ sản TP Cần Thơ đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe sinh sản của chị em vùng ÐBSCL. BV tiếp nhận trên 50% trường hợp sản khoa nặng, cấp cứu thành công rất nhiều trường hợp nguy kịch, đe dọa tính mạng của cả mẹ và bé. BS CKII Ðỗ Thị Minh Nguyệt chia sẻ, quy trình báo động đỏ được kích hoạt ngay khi thai phụ nguy kịch nhập viện, huy động ê-kíp đủ các chuyên khoa sản, gây mê, huyết học của BV, kể cả hội chẩn liên viện với các chuyên khoa khác như tim mạch, ngoại niệu, ngoại tổng quát để hỗ trợ xử trí tốt nhất cho bà mẹ và em bé.
 
Giai đoạn dịch bệnh phức tạp hiện nay, chị em có ý định mang thai hoặc đang mang thai, vẫn cần thiết thăm khám thai định kỳ, kết nối với bác sĩ chuyên khoa sản ở để được tư vấn từ xa khi có bất thường hoặc đến BV thăm khám khi cần thiết. Bác sĩ chuyên khoa sản Ðỗ Thị Minh Nguyệt khuyến cáo, để hành trình thai kỳ đến đích “mẹ tròn, con vuông”, chị em nên khám thai sớm và tuân thủ lịch khám thai định kỳ. Ngay khi trễ kinh, chị em thăm khám, xác định vị trí thai ở trong hay ngoài tử cung, kiểm tra phôi, tim thai.
 
Khám thai vào giai đoạn sớm của thai kỳ giúp bác sĩ tính toán chính xác thời gian dự sinh, liên quan đến cân nhắc lựa chọn chấm dứt thai kỳ ở tuổi thai phù hợp với những trường hợp thai kỳ nguy cơ cao. Các thai phụ có vết mổ tử cung được siêu âm sớm với phương pháp siêu âm đầu dò âm đạo doppler màu tầm soát tình trạng thai bám vết mổ cũ, nhau cài răng lược. Thai ở khoảng 16 tuần, được siêu âm, đo chiều dài cổ tử cung. Một số trường hợp được can thiệp đặt vòng nâng cổ tử cung dự phòng sanh non. Khi thai 20 tuần, được đo huyết áp, xét nghiệm nước tiểu. Thời điểm 24-28 tuần, bác sĩ tư vấn thai phụ thực hiện xét nghiệm dung nạp đường để tầm soát đái tháo đường thai kỳ, kịp thời điều chỉnh chế độ ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý.
 
Bài, ảnh: THU SƯƠNG - (baocantho.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Ngành Bệnh viện - Thiết bị Y tế