Không để nhân viên y tế thiệt thòi

Chủ nhật, 16 Tháng 1 2022 16:21 (GMT+7)
Đối mặt với dịch Covid-19 khốc liệt, phần lớn nhân viên y tế công phải làm việc vất vả gấp nhiều lần nhưng thời gian qua nhiều người bất đắc dĩ phải nghỉ việc... do lương không đủ sống, nợ lương kéo dài cộng thêm áp lực công việc
Nhiều tháng qua, kể từ khi Bệnh viện Tuệ Tĩnh nợ lương, chị L.T.V (điều dưỡng làm việc tại Bệnh viện Tuệ Tĩnh) chỉ được nhận 2,5 triệu đồng mỗi tháng để trang trải cuộc sống gia đình. Để có thêm thu nhập, cứ sau thời gian làm việc tại bệnh viện, chị V. kiêm thêm nghề bán thực phẩm online.
 
Bị nợ lương, lương không đủ sống
Chị L.T.V cho biết hằng ngày chị đăng bài lên các trang nhóm ở khu chung cư, nếu có đơn đặt hàng thì chị lấy rau, củ, quả ở quê của một đồng nghiệp rồi mang đi ship. Tranh thủ buổi trưa được nghỉ 1 giờ rưỡi, chị chở rau cho những ai cần. Những ngày không có đơn hàng nào, nếu ai nhờ ship đồ, ship hàng chị nhận ngay, miễn là có thêm chút thu nhập lo cho con cái.
 
Theo chị V., chồng chị là bộ đội chuyên nghiệp, lương không cao, lại thường xuyên vắng nhà, một mình chị xoay xở chăm 3 con nhỏ đang tuổi ăn học và mẹ chồng mắc bệnh ung thư dạ dày vừa trải qua ca phẫu thuật cắt bỏ cách đây không lâu. "Chúng tôi vẫn làm việc đầy đủ, không thiếu ngày công nào. Tôi vừa mới kết thúc ca làm việc sau khi thực hiện tiêm vắc-xin Covid-19 tại bệnh viện. Những ngày qua, nhiều nhân viên y tế đã giăng băng-rôn cầu cứu vì bị nợ lương, chỉ mong lãnh đạo Học viện Y Dược học Cổ truyền Việt Nam sớm giải quyết. Chúng tôi đều là người có ăn học, làm thế này cũng cảm thấy rất xấu hổ nhưng mọi người đã đến bước đường này và không còn lựa chọn nào khác" - chị V. nói.
 
Tại TP HCM, chỉ trong 10 tháng đầu năm 2021 đã có thêm 968 trường hợp nhân viên y tế nghỉ việc, chuyển công tác từ khu vực công sang tư. Theo phân tích của bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh Văn phòng Sở Y tế TP HCM, số nhân viên y tế xin nghỉ việc tăng nhẹ ở khu vực điều dưỡng, bác sĩ và một số ở trạm y tế, bởi phần lớn vì lý do cá nhân, gia đình. Nhiều nhân viên y tế tuyến cơ sở sau khi nghỉ việc đã tâm sự, họ cực chẳng đã phải nghỉ việc vì chống dịch đến kiệt sức, bỏ bê gia đình, con cái mà lương chỉ được 4-5 triệu đồng/tháng, không đủ sống.
 
Một bác sĩ đang công tác tại một bệnh viện ở Hà Nội chia sẻ: "Dù làm việc trong điều kiện nguy cơ lây nhiễm cao, áp lực lớn nhưng thu nhập của cán bộ, nhân viên y tế lại giảm. Trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay, chúng tôi sẵn sàng nhận nhiệm vụ này và phục vụ cộng đồng. Lương không đủ sống, chúng tôi phải đi làm ngoài, cũng sẽ không thể gắn bó hết mình với nơi làm việc. Nếu có nơi đãi ngộ tốt hơn chào mời chúng tôi sẽ phải cân nhắc".
 
Không để nhân viên y tế thiệt thòi - Ảnh 1.
Nhân viên y tế làm việc vất vả, chịu nhiều áp lực cần có chế độ tiền lương tương xứng Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Dưỡng sức cho nhân viên y tế
Nói về thực trạng nhiều nhân viên y tế xin nghỉ việc thời gian qua, PGS-TS Hoàng Bùi Hải, Phó Giám đốc Bệnh viện Điều trị người bệnh Covid-19 thuộc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, cho rằng thực tế việc dịch chuyển công việc ở nhân viên y tế là thường xuyên, kể cả trước thời điểm có dịch Covid-19. Với nhân viên y tế dù làm việc ở môi trường nào thì mục đích cuối cùng vẫn là phục vụ người bệnh. "Lý do nghỉ việc không hẳn là do thu nhập giảm mà áp lực công việc kéo dài, vượt quá sức chịu đựng. Họ cần được nghỉ ngơi" - PGS Hoàng Bùi Hải chia sẻ.
 
GS-TS Nguyễn Anh Trí, Đại biểu Quốc hội, nguyên Giám đốc Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, cho biết vài tháng trở lại đây đã xảy ra tình trạng nhân viên y tế nghỉ việc rất nhiều, đặc biệt là cán bộ y tế cơ sở. GS Trí cảm thấy lo lắng khi dịch Covid-19 vẫn đang căng thẳng, cần nhân viên y tế. Nếu nhân viên y tế nghỉ việc nhiều thì càng thiếu người chống dịch. Nhận định về nguyên nhân nhân viên y tế nghỉ việc, GS Trí cho biết ngành y là ngành chịu nhiều áp lực, lương bổng lại thấp nên nhiều người kiệt sức, stress, cuộc sống khó khăn, đi tìm việc khác thanh thản mà thu nhập đủ sống. "Tôi được biết đa số nhân viên y tế không phải làm 8 giờ mà 10 giờ, 12 giờ mỗi ngày. Thậm chí, có bác sĩ làm 20 giờ/ngày, vô cùng mệt mỏi" - ông Trí nói.
 
Kiến nghị về các giải pháp giữ chân nhân viên y tế, GS Trí cho rằng Bộ Y tế cần xây dựng chính sách tổng thể để nhân viên y tế yên tâm, đủ sức công tác, đặc biệt là chính sách phù hợp với hoàn cảnh chống dịch như hiện nay. "Đây không phải là "đãi ngộ" mà là sự công bằng về tiền lương. Người ta làm việc 8 giờ khác mà làm 12 giờ, 20 giờ phải khác. Trước đây trực 1 tuần 1-2 buổi sẽ khác nhưng nay gần như đêm nào cũng phải trực thì khác. Chính sách bao gồm nhiều thứ: lương, chế độ trực, chế độ phụ cấp, chế độ độc hại rồi chính sách bồi dưỡng, nâng cao..." - GS Trí nhấn mạnh.
 
Kết quả nghiên cứu của Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam cũng chỉ ra rằng thu nhập cao từ các nguồn khác và sự kỳ thị Covid-19 đã khiến nhân viên y tế có mong muốn nghỉ việc cao hơn. Do đó, nếu như Chính phủ, Bộ Y tế có các chính sách phù hợp, làm tăng niềm tin vào ngành y, vào nơi họ làm việc, cũng như giúp họ sống được bằng nghề thì chắc chắn sẽ làm giảm ý định nghỉ việc, chuyển công tác của họ. 

 

Nhiều giải pháp cấp bách

Sở Y tế TP HCM chủ động triển khai nhiều biện pháp và tham mưu, đề xuất các cấp quyết định nhiều chủ trương giữ chân lực lượng nhân viên y tế; thu hút thêm nhiều người tham gia lực lượng này và để nhân viên y tế yên tâm công tác, đóng góp cho xã hội.

Trước mắt, Sở Y tế TP HCM đề xuất hỗ trợ thu nhập cho nhân viên y tế từ 1-1,5 lần lương tối thiểu vùng (tức là thêm khoảng 6 triệu đồng/bác sĩ/tháng, điều dưỡng có thêm khoảng 4 triệu đồng/người/tháng). Cùng với đó, Sở Y tế TP HCM đã chủ động trao đổi với nhiều trường đại học, phối hợp đề xuất cơ chế để bác sĩ mới tốt nghiệp về y tế cơ sở thực hành 12 tháng, về bệnh viện thực hành 6 tháng, sẽ được cấp chứng chỉ hành nghề, thay vì 18 tháng như quy định hiện hành. Về lâu dài, Sở Y tế xây dựng Đề án nâng cao năng lực y tế phường, xã, thị trấn trong giai đoạn thích ứng an toàn, linh hoạt, hiệu quả. Trong đó có nhiều đề xuất chính sách giữ chân nhân viên y tế, làm thế nào cho nhân viên y tế yên tâm công tác, bớt nghỉ việc.

Tăng giờ làm, giảm thu nhập

Theo kết quả của nghiên cứu về "Tình trạng lương khu vực công đối với nhân viên y tế tuyến đầu trong Covid-19" với 2.700 nhân viên y tế do Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam phối hợp một số tổ chức thực hiện, chỉ có 19,1% nhân viên y tế cho biết có thể chi trả hoàn toàn cuộc sống bằng lương và 20,9% không thể chi trả, số còn lại chi trả được một phần.

Nghiên cứu cũng cho biết lương bình quân năm 2020 của nhân viên y tế là 7,36 triệu đồng (trong khi giá sinh hoạt bình quân ở Hà Nội và TP HCM lần lượt là 10 triệu và 11 triệu đồng). Đáng nói, hơn 60% nhân viên y tế đã phải cáng đáng khối lượng công việc và thời gian làm việc tăng lên trong dịch Covid-19 nhưng thu nhập lại giảm. Hơn 30% người được hỏi cho biết lương, thưởng và phụ cấp của họ đã bị giảm. Đáng chú ý là hơn 62% nhân viên tham gia chống dịch được khảo sát đến nay chưa nhận được bất kỳ một khoản phụ cấp nào.

Đề xuất Bộ Y tế tạm ứng hơn 10 tỉ đồng trả lương

Liên quan đến sự việc 160 viên chức, người lao động Bệnh viện Tuệ Tĩnh bị nợ 50% lương từ tháng 5 đến tháng 11-2021 và lương tháng 12-2021, ông Đỗ Quốc Huy, Giám đốc Học viện Y Dược học Cổ truyền Việt Nam, vừa có văn bản đề nghị Bộ Y tế xem xét bố trí gấp nguồn kinh phí của bộ tạm ứng trước cho bệnh viện số tiền 10,2 tỉ đồng để bệnh viện có kinh phí kịp thời chi trả phần tiền lương, phụ cấp còn nợ từ tháng 5-2021 đến nay cho nhân viên y tế.

Học viện kiến nghị với lãnh đạo Bộ Y tế tiếp tục đề xuất với Bộ Tài chính trình Chính phủ sớm có quyền quyết định bổ sung ngân sách hỗ trợ bệnh viện để chi trả tiền lương cho viên chức người lao động. Theo lãnh đạo Học viện Y Dược học Cổ truyền Việt Nam, đơn vị này cũng đề nghị Bộ Y tế cho tạm ứng từ nguồn quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp kết dư để bệnh viện thực hiện chi trả 50% tiền lương, phụ cấp tháng 12-2021 và tháng 1-2022 cho cán bộ nhân viên y tế Bệnh viện Tuệ Tĩnh.

 

 

Bài viết mới nhất của Ngành Bệnh viện - Thiết bị Y tế