Bác sĩ Trần Văn Quý, Trưởng Trạm Y tế phường Hiệp Phú (TP Thủ Đức, TP HCM), cho biết trạm đã bắt đầu triển khai phát thuốc BHYT từ năm 2015-2016. Tuy nhiên, từ đó đến khi ngưng hoạt động (năm 2020) cũng không khi nào đủ số thuốc cho người bệnh.
Thiếu trước, hụt sau
Theo bác sĩ Quý, hiện có hơn 180 cụ trên 80 tuổi và hơn 80 người khuyết tật điều trị bệnh tại Trạm Y tế phường Hiệp Phú. "Trong đó, nhiều người mắc bệnh mạn tính không lây (đái tháo đường, huyết áp, tim mạch...) đã được điều trị ổn định tại bệnh viện cần lấy thuốc tại trạm để hạn chế thời gian đi lại và chờ đợi. Bởi những đối tượng này cũng thường xuyên uống thuốc duy trì hằng tháng. Tuy nhiên, số thuốc BHYT chủ yếu chỉ điều trị các bệnh thông thường còn bệnh mạn tính vẫn chưa được thực hiện" - bác sĩ Quý nói.
Bác sĩ Quý cũng cho biết theo danh mục thuốc BHYT được cấp phát tại trạm có 67 loại. Nhưng đáp ứng nhu cầu chỉ có khoảng 10 loại thuốc. Trong đợt này, đơn vị sẽ tổng hợp các loại thuốc nằm trong danh mục người dân có nhu cầu trình lên lãnh đạo để đề xuất khi Sở Y tế tổ chức đấu thầu tập trung.
Tủ thuốc trống rỗng tại một trạm y tế ở TP HCM Ảnh: HẢI YẾN
Tại Trạm Y tế phường 4, quận 10, TP HCM dù quản lý hàng ngàn người dân trên địa bàn nhưng lượng bệnh nhân đến khám tại trạm rất ít. Nguyên nhân do tủ thuốc không có thuốc. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất và nhân lực không bảo đảm khiến người dân càng quay lưng với trạm y tế. Đại diện Trạm Y tế phường 4 cho biết nguồn thuốc của trạm thông thường được Bệnh viện quận 10 phân bổ (về các phường). Thay vì trước kia đề xuất 10 loại thuốc sẽ được duyệt hết hoặc thiếu 1-2 loại, nay 10 loại chỉ được cấp khoảng 1-2 loại. Lý do được bệnh viện đưa ra là do chưa đấu thầu được thuốc.
Cùng chung tình cảnh trên, tủ thuốc tại Trạm Y tế phường 15, quận Phú Nhuận, TP HCM cũng thiếu trước hụt sau, khiến các bác sĩ tại trạm dù muốn khám, cấp thuốc cho người dân nhưng đành chịu.
Bác sĩ chuyên khoa I Lâm Thanh Hương, Trưởng Phòng Nghiệp vụ Trung tâm Y tế TP Thủ Đức, cho biết năm 2015, theo chỉ đạo của Sở Y tế, các trạm y tế trên địa bàn sẽ triển khai khám BHYT tại trạm. Thời điểm đó chưa sáp nhập 3 quận 2, 9 và Thủ Đức thành TP Thủ Đức nên khu vực quận Thủ Đức có 12/12 phường, xã đủ điều kiện; quận 9 cũ có 6/13 trạm; quận 2 chỉ có 1/7 trạm đủ điều kiện khám cấp thuốc BHYT. Hoạt động này được duy trì thực hiện đến năm 2020 thì ngưng.
Lý giải nguyên nhân này, bác sĩ Hương cho hay để khám được BHYT thì cần phải có bác sĩ của các bệnh viện hỗ trợ. Tuy nhiên, giờ làm việc của bác sĩ trùng với giờ tại trạm, vì vậy về lâu dài không đáp ứng được các điều kiện nên tạm ngưng cung cấp thuốc. "Hiện tại, TP Thủ Đức chỉ còn duy trì được 2 phường là Bình Chiểu và Hiệp Bình Chánh. Bởi đây là phòng khám đa khoa vệ tinh thuộc Bệnh viện TP Thủ Đức. Tất cả hoạt động tại phòng khám từ nhân sự, trang thiết bị, thuốc men đều do bệnh viện thực hiện, trừ địa điểm là được đóng tại trạm y tế của 2 phường này" - bác sĩ Hương chia sẻ.
Theo bác sĩ Hương, nhiều trạm y tế người dân có nhu cầu thăm khám BHYT tại trạm, song trạm y tế thuộc tuyến 4 nên hạn chế về danh mục thuốc. Thời điểm còn duy trì hoạt động, 1 tháng trung bình các trạm y tế trên địa bàn (trừ 2 phòng khám đa khoa vệ tinh) có khoảng vài chục đến hơn 100 ca bệnh đến thăm khám. Trong thời gian thực hiện hoạt động thăm khám, thuốc BHYT tại các trạm cũng thiếu nhiều loại, chủ yếu là thuốc điều trị bệnh thông thường. Bên cạnh đó, với mục tiêu sẽ cấp thuốc điều trị các bệnh mạn tính không lây nhưng đến nay vẫn chưa thể triển khai được.
Nhân sự trạm y tế nghỉ việc hàng loạt
Bác sĩ Hương cũng cho biết hiện tại trạm y tế vẫn thực hiện các hoạt động nằm trong chương trình mục tiêu quốc gia như cấp thuốc tâm thần, HIV, tiêm ngừa... Bên cạnh đó, vẫn thực hiện khám chữa bệnh khi người dân có nhu cầu nhưng sẽ kê toa cho bệnh nhân ra ngoài mua.
Tại TP Thủ Đức có 5 trạm y tế hoạt động theo nguyên lý y học gia đình, trong đó chỉ có 2 phòng khám đa khoa vệ tinh do bệnh viện thực hiện là phát triển, 3 trạm y tế còn lại chưa thể hiện được chức năng vì thiếu thiết bị cận lâm sàng. Bên cạnh đó, nếu có thiết bị thì phải có con người, trong khi tình hình chung ở TP HCM là không thu hút được nhân lực về trạm y tế, dẫn đến thực trạng nhức nhối: thiếu thuốc, thiếu cả người kê toa thuốc.
Bác sĩ Nguyễn Vũ Trường An, Trưởng Trạm Y tế phường Tân Quy (quận 7), cho biết trạm luôn trong tình trạng thiếu người. Hiện số dân trong phường hơn 23.000 người nhưng nhân lực của trạm chỉ có 5 người, nên bắt buộc phải làm nhiều việc hơn. "Với số dân hiện có ở địa bàn, trạm cần 9-10 người mới đảm đương được khối lượng công việc. Nhiều lần trạm cũng nhận tiếp nhận nhân viên y tế về nhưng họ chỉ làm thời gian ngắn rồi cũng nghỉ" - bác sĩ An cho hay.
Dù TP HCM đã tăng cường năng lực y tế cơ sở khi đưa hàng loạt bác sĩ trẻ mới ra trường về các trạm y tế, song đại diện Trung tâm Y tế TP Thủ Đức cho rằng thực trạng của trạm y tế chỉ cần bác sĩ có chứng chỉ hành nghề là làm được, còn các bác sĩ trẻ mới ra trường về trạm cũng chỉ có thể kê toa điều trị Covid-19 vì đang trong gia đoạn dịch bệnh. Đối với bệnh thông thường khác, theo Luật Khám chữa bệnh, để kê toa phải có chứng chỉ hành nghề thì đội ngũ này chưa đáp ứng được.
Bộ Y tế chỉ đạo không để thiếu thuốc!
Bộ Y tế vừa có văn bản về việc xử lý vướng mắc trong mua thuốc và vật tư y tế. Tại văn bản này, Bộ Y tế đề nghị sở y tế các tỉnh, thành phố chỉ đạo các bệnh viện, đơn vị trực thuộc sở khẩn trương xây dựng kế hoạch, triển khai việc mua sắm thuốc và vật tư y tế để bảo đảm tính sẵn sàng. Không được để xảy ra tình trạng thiếu thuốc và vật tư y tế phục vụ công tác khám chữa bệnh cho người dân trên địa bàn và tại các đơn vị; tập trung bảo đảm cung ứng đủ, kịp thời các vật tư y tế và thuốc thiết yếu, đặc biệt là các thuốc hiếm nguồn cung.
Các bệnh viện, các đơn vị trực thuộc sở, các doanh nghiệp kinh doanh thuốc và vật tư y tế trên địa bàn triển khai kế hoạch dự trữ đầy đủ và thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật trong mua sắm và cung ứng thuốc, vật tư y tế. Trường hợp có tình trạng thiếu thuốc và vật tư y tế do khó khăn, vướng mắc liên quan đến công tác mua sắm, lựa chọn nhà thầu thì sở y tế báo cáo rõ nguyên nhân về Bộ Y tế trước ngày 22-6. Đối với các bệnh viện trực thuộc bộ, Bộ Y tế đề nghị triển khai việc mua sắm thuốc và vật tư y tế để bảo đảm sẵn sàng; không để xảy ra tình trạng thiếu thuốc và vật tư y tế phục vụ công tác khám chữa bệnh tại đơn vị.
Trường hợp có tình trạng thiếu thuốc và vật tư y tế do khó khăn, vướng mắc liên quan đến công tác mua sắm, lựa chọn nhà thầu; bệnh viện báo cáo rõ nguyên nhân về Bộ Y tế trước ngày 22-6. Bộ Y tế yêu cầu các cơ sở sản xuất, nhập khẩu thuốc và vật tư y tế phải bảo đảm việc tồn trữ, phối hợp chặt chẽ với các cơ sở khám chữa bệnh để sẵn sàng cung ứng thuốc và vật tư y tế kịp thời, đúng quy định.
Bộ Y tế cũng yêu cầu các vụ, cục chức năng chủ động đôn đốc các đơn vị thực hiện và tổng hợp gửi Cục Quản lý dược để tổng hợp chung báo cáo Bộ Y tế trước ngày 25-6.
N.Dung
Bình Dương: 300 nhân viên y tế nghỉ việc
Tại Bình Dương, chỉ trong 3 tháng đầu năm đã có khoảng 300 nhân viên y tế nghỉ việc. Hiện địa phương đang thiếu 550 biên chế tại trạm y tế xã, phường do nhân viên y tế nghỉ việc sau thời gian dài vất vả chống dịch Covid-19. Ngành y tế tỉnh Bình Dương đã chủ động triển khai tất cả biện pháp phòng chống dịch theo chỉ đạo của UBND tỉnh và được UBND tỉnh cấp 8 tỉ đồng, trong đó 2 tỉ đồng là in tài liệu truyền thông nhưng chưa dám làm, còn đấu thầu thì Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh lo sợ sai phạm.
Ng.Thạnh
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 18-6
Kỳ tới: "Trăm dâu đổ đầu... người bệnh"