Bệnh viện chật vật vì cạn vật tư y tế

Thứ sáu, 03 Tháng 3 2023 17:04 (GMT+7)
Tình trạng thiếu hụt vật tư, trang thiết bị dẫn đến nhiều bệnh viện lớn buộc phải dừng, trì hoãn, dời lịch phẫu thuật, gây trở ngại rất lớn đến hoạt động khám chữa bệnh
 
Như Báo Người Lao Động đã thông tin, do cạn vật tư y tế, từ ngày 1-3, Bệnh viện Việt Đức hạn chế thực hiện các ca mổ phiên, chỉ mổ cấp cứu những ca nặng.
 
Bệnh viện chật vật vì cạn vật tư y tế - Ảnh 1.
Từ ngày 1-3, Bệnh viện Việt Đức chỉ ưu tiên mổ cấp cứu, các ca bệnh không nguy hiểm đến tính mạng sẽ phải dời lịch mổ. Trong ảnh: Một ca phẫu thuật sọ não tại Bệnh viện Việt Đức. Ảnh: NGỌC DUNG
 
Hoãn mổ vì cạn hóa chất, vật tư
Trong buổi sáng của ngày đầu tiên hạn chế mổ phiên tại Bệnh viện Việt Đức, số lượng bệnh nhân tới xếp hàng chờ lấy số vào khám bệnh giảm hơn những ngày trước. Bên cạnh đó, một số người bệnh đến làm thủ tục xin chuyển viện.
 
Tại Khoa Khám bệnh, người nhà bệnh nhân H.V.X. (70 tuổi, ở Thanh Hóa) cho biết đang làm thủ tục chuyển viện cho người thân. "Cách đây hơn 1 tuần, bố tôi bị gãy xương cổ chân, đã bó bột tại Bệnh viện Việt Đức, do bị hở khớp nên phải phẫu thuật đóng đinh cố định. Bác sĩ hẹn phải chờ mổ 3-4 tuần nữa nên gia đình đến làm thủ tục chuyển viện để sớm được mổ" - người nhà bệnh nhân X. nói.
 
Người nhà của bệnh nhân N.V.K. (42 tuổi, ở Bắc Giang) phản ánh theo lịch thì ngày 2-3, bệnh nhân được phẫu thuật do chấn thương gối, rách sụn chêm ngoài. Tuy nhiên, cách đây 2 ngày đã nhận được thông báo từ bệnh viện về việc hoãn mổ với lý do hết vật tư, hóa chất. "Không thể tin một bệnh viện lớn lại rơi vào tình cảnh như vậy. Người bệnh phải chịu khổ là điều rất vô lý" - người nhà bệnh nhân K. bức xúc.
 
TS-BS Trần Hoàng Tùng, Phó trưởng Khoa Phẫu thuật chi dưới - Bệnh viện Việt Đức, thông tin trong ngày 1-3, tại khoa này có 6 bệnh nhân được duyệt mổ, trong khi hơn 10 bệnh nhân phải hoãn mổ, dời lịch mổ. Bác sĩ Tùng nói: "Chỉ những bệnh nhân diễn biến nặng, cần mổ ngay thì được ưu tiên, còn những bệnh nhân bị thoái hóa, chấn thương… có thể trì hoãn thì phải dời lịch mổ. Việc trì hoãn mổ là bất khả kháng vì vật tư, hóa chất của bệnh viện không còn nhiều".
 
Lãnh đạo nhiều khoa, phòng, trung tâm của Bệnh viện Việt Đức xác nhận hiện còn rất nhiều bệnh nhân đang xếp hàng chờ mổ, lịch đã lên đến cuối tháng 3, tất cả đều phải hoãn lại. Còn theo lãnh đạo Bệnh viện Việt Đức, vướng mắc trong việc đấu thầu dẫn đến vật tư tồn kho sắp cạn kiệt buộc bệnh viện phải đưa ra quyết định không mong muốn nói trên.
 
Bệnh viện chật vật vì cạn vật tư y tế - Ảnh 2.
Bệnh nhân chờ đến lượt xạ trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Ảnh: HẢI YẾN
 
Bệnh nhân tăng vọt, thiết bị thiếu trầm trọng
Những ngày qua, tình trạng thiếu vật tư, trang thiết bị y tế, máy móc cũng đang xảy ra ở một số bệnh viện lớn trên cả nước, gây trở ngại rất lớn đến hoạt động khám chữa bệnh.
 
Một bác sĩ chuyên ngành tim mạch của Bệnh viện Bạch Mai xác nhận nhiều vật tư của bệnh viện không còn, trong khi bác sĩ phải tự chắp vá một số thiết bị để bảo đảm cho ca mổ. Một số vật tư trong phẫu thuật và điều trị các bệnh lý hàm mặt như nẹp vít, thuốc giảm đau, thuốc gây mê… cũng thiếu do vướng mắc đấu thầu.
 
PGS-TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, cho biết thiết bị y tế là vấn đề vô cùng khó trong giai đoạn hiện nay. Sau Tết, lượng bệnh nhân đến bệnh viện tăng đột biến, có những ngày lên tới 7.000 - 8.000 lượt người khám ngoại trú. Trong khi đó, hầu hết thiết bị của Bệnh viện Bạch Mai 10 năm qua thực hiện liên doanh liên kết nay đã hết hợp đồng, các thông tư về liên doanh, liên kết cũng hết hiệu lực. Các bệnh viện đang chờ thông tư mới, quy định mới nên chưa thể tái ký hợp đồng cũng như không thể ký hợp đồng mới được.
 
Tại Bệnh viện Chợ Rẫy - TP HCM, trong lúc chờ Bộ Y tế, Bộ Tài chính giải quyết khó khăn, vướng mắc khi thực hiện Nghị quyết 144 của Chính phủ về việc bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế và thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế thì hoạt động của bệnh viện này tiếp tục gặp nhiều khó khăn. Một bác sĩ chuyên khoa mạch máu của bệnh viện nói rằng do vật tư, hóa chất không đủ nên chỉ ưu tiên phẫu thuật sớm cho các trường hợp cấp cứu, bệnh nhân nặng, còn người bệnh mức độ từ nhẹ đến trung bình sẽ được dời mổ sau 1-2 tháng.
 
Cũng vì lý do này, tại nhiều khoa phòng của Bệnh viện Chợ Rẫy, nhất là những nơi sử dụng máy móc liên tục, việc điều trị của bệnh nhân bị gián đoạn. Tại Khoa Xạ trị, trong ngày 1-3, nhiều người đến nhập viện phải quay về, trong khi rất đông bệnh nhân chờ máy để xạ trị. Theo bác sĩ Nguyễn Văn Đô, Trưởng Khoa Xạ trị, mỗi ngày bệnh viện có khoảng 400 bệnh nhân ung thư cần xạ trị. Trong khi đó, tại khoa có 4 máy xạ trị gia tốc hiện đại nhưng chỉ có 2 máy đang hoạt động, 2 máy đã ngưng sử dụng gần 1 năm qua do hết thời gian bảo hành, đang chờ mua gói bảo trì nhưng vướng các thủ tục đấu thầu.
 
Cũng theo bác sĩ Đô, để bệnh nhân nhanh được xạ trị, các y, bác sĩ tại đây phải kéo dài thời gian làm việc từ 6 giờ hôm nay đến rạng sáng hôm sau. Nhờ vậy, số lượng bệnh nhân chờ xạ trị mỗi ngày còn khoảng hơn 100 ca; thời gian chờ từ 2-3 tuần. Bác sĩ Đô bày tỏ: "Tôi làm việc ở Bệnh viện Chợ Rẫy bao nhiêu năm, đây là lần đầu tiên việc sửa chữa máy móc gặp khó khăn đến như vậy".
 
Theo đại diện Bệnh viện Ung Bướu TP HCM, tình hình thiếu thiết bị, vật tư tiêu hao là vấn đề khó khăn chung của nhiều bệnh viện hiện nay. Trước mắt, bệnh viện vẫn có thể đáp ứng, duy trì chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân. "Chúng tôi có sự chuẩn bị dự báo nếu trong 3-4 tuần loại nào thiếu thì sẽ tích cực làm việc với bên cung ứng để làm sao có thể đáp ứng tốt trong công tác điều trị. Tuy nhiên, về lâu dài cũng cần phải có hướng giải quyết chung để việc chăm sóc cho người bệnh không bị gián đoạn" - đại diện Bệnh viện Ung Bướu nói. 
 
 
 
Vẫn chờ gỡ vướng
Đến chiều 1-3, lãnh đạo một số bệnh viện xác nhận vẫn chưa nhận được các văn bản liên quan đến việc tháo gỡ những vướng mắc về mua sắm, đấu thầu trang thiết bị y tế, hóa chất….
Trước đó, ngày 25-2, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà làm việc với lãnh đạo Bộ Y tế và một số bộ, ngành, bệnh viện trung ương về tháo gỡ vướng mắc liên quan đến mua sắm trang thiết bị y tế, hóa chất xét nghiệm, sinh phẩm chẩn đoán, vật tư tiêu hao, thuốc chữa bệnh… Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế phải chủ động đề xuất chính sách đặc biệt, cách làm đặc biệt, chủ động tham gia trực tiếp vào xây dựng các quy định có liên quan đến lĩnh vực y tế cả các bộ, ngành khác. Sau cuộc họp này, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan thông tin dự kiến cuối tháng 2 hoặc đầu tháng 3 này, khi các văn bản được ban hành thì những vấn đề bức xúc về thiếu trang thiết bị, vật tư y tế sẽ được giải quyết.
Ông Dương Đức Hùng, Chủ tịch Hội đồng Quản lý Bệnh viện Bạch Mai, cho biết những ngày qua, Chính phủ và các bộ, ngành đã nỗ lực vào cuộc để tháo gỡ khó khăn cho ngành y tế. Hy vọng tình trạng thiếu thuốc, hóa chất, vật tư và những vướng mắc về tài chính, đấu thầu thuốc… sẽ sớm được khắc phục.
 
 
. PGS-TS-BS TRẦN THỊ TRUNG CHIẾN, nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế:
Cần có Luật Đấu thầu riêng cho ngành y
Thời gian qua, ngành y gặp rất nhiều khó khăn, nguyên nhân chủ quan và khách quan, nhưng có phần là đội ngũ cán bộ quản lý của ngành, bệnh viện có tâm lý sợ sai, làm việc cầm chừng. Nguyên nhân là vì các vướng mắc về pháp lý đối với việc mua sắm, đấu thầu… Luật Khám, chữa bệnh (sửa đổi) sẽ có hiệu lực từ ngày 1-1-2024, nhưng các văn bản hướng dẫn chưa có cơ chế khẩn cấp thì rất khó thay đổi tình hình.
Hiện nay, Luật Đấu thầu chung không thể áp dụng đại trà cho ngành y tế được. Trong luật này cần có một chương riêng cho y tế hoặc y tế cần có một luật đấu thầu riêng với cơ chế đặc thù, phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay.
. GS-TS TRẦN BÌNH GIANG, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức:
Không thể "tay không bắt giặc"
Khi buộc phải hoãn mổ vì thiếu vật tư, hóa chất, rõ ràng người bệnh quá thiệt thòi, kể cả không phải bệnh cấp cứu nhưng họ cũng phải chịu đau đớn, chờ đợi lịch mổ. Thế nhưng, bác sĩ cũng không thể "tay không bắt giặc".
Chúng tôi vẫn chờ Chính phủ và Bộ Y tế giải quyết để sớm có vật tư, hóa chất khám chữa bệnh bình thường. Tuy nhiên, kể cả khi việc đấu thầu, mua sắm vật tư tiêu hao, hóa chất... diễn ra thuận lợi và nhanh chóng thì sớm nhất cũng phải khoảng 1 tháng, các hoạt động phẫu thuật của bệnh viện mới có thể trở lại bình thường.
N.Thuận - N.Dung ghi
 
 

Bài viết mới nhất của Ngành Bệnh viện - Thiết bị Y tế