70% bệnh nhân ung thư mắt phải khoét bỏ mắt vì đến viện muộn

Thứ tư, 22 Tháng 11 2023 15:07 (GMT+7)
Ung thư mắt đứng thứ 6 trong 10 bệnh ung thư hay gặp ở trẻ em. Bệnh có thể để lại biến chứng về mắt đến suốt đời nhưng lại được kiểm soát và chữa khỏi đến 95% nếu được điều trị sớm
 
Chiều 20-11, tại buổi ra mắt Đơn vị ung bướu mắt (Bệnh viện Mắt Trung ương), tiến sĩ - bác sĩ Phạm Thị Minh Châu, Phó trưởng Khoa mắt trẻ em cho biết ung thư mắt ở trẻ em gặp khá phổ biến, đứng thứ 6 trong 10 bệnh ung thư hay gặp ở trẻ.
 
Đây là căn bệnh do khối u bên trong nội nhãn, thường ở trẻ dưới 6 tuổi (95%). Bệnh thường có tính bẩm sinh, di truyền. Ở giai đoạn sớm, bệnh không biểu hiện đặc thù, nhưng khi xuất hiện lác mắt hoặc đốm trắng ở lòng đen (dân gian còn gọi là mắt mèo) nguy cơ khối u đã to.
 
70% bệnh nhân ung thư mắt phải khoét bỏ mắt vì đến viện muộn - Ảnh 1.
Bác sĩ tư vấn điều trị cho người mẹ có con bị ung thư mắt do di truyền từ mẹ
 
Trong thực tế điều trị, 70% trẻ không thể giữ lại mắt, giữ thị lực do đến viện muộn, khối u phát triển lớn phá vỡ nhãn cầu. Chỉ khoảng 30% trẻ được phát hiện sớm, giữ được mắt. Điều này nên thường tạo tâm lý tự ti cho trẻ mắc bệnh này.
 
"Với ung thư mắt, khi đã loại bỏ khối u, trẻ có cuộc sống hoàn toàn bình thường, khỏe mạnh. Nếu được điều trị và phát hiện sớm, tỉ lệ bảo toàn mắt và sống khỏe mạnh của bệnh nhân lên tới 95%"- bác sĩ Châu nói.
 
Theo bác sĩ Châu, những năm gần đây các kỹ thuật điều trị bảo tồn trên thế giới đã được áp dụng tại nhiều cơ sở y tế chuyên khoa mắt. Bệnh viện Mắt Trung ương đã phối hợp với các trung tâm ung bướu nhi thực hiện điều trị hóa chất toàn thân kết hợp tiêm hóa chất nội động mạch mắt nhằm tiêu diệt khối u, cố gắng giữ lại nhãn cầu, thị lực cho bệnh nhân. Đây là kỹ thuật hiện đại nhất hiện nay. Bệnh viện Mắt Trung ương là cơ sở duy nhất thực hiện kỹ thuật này. Nhiều bệnh nhân nặng, khó ở TP HCM cũng đã được gửi ra Hà Nội để điều trị.
 
Với phương pháp này, thay vì điều trị hóa chất toàn thân (khối u tiếp nhận ít hóa chất, hóa chất gây tác động tới toàn bộ cơ thể), hóa chất được bơm trực tiếp vào khối u, khiến khối u teo lại, bảo vệ thị lực trẻ. Đã có hơn 100 bệnh nhi được điều trị thành công.
 
70% bệnh nhân ung thư mắt phải khoét bỏ mắt vì đến viện muộn - Ảnh 3.
Đại diện Bộ Y tế tặng quà bệnh nhi bị ung thư mắt
 
"Điều trị ung thư mắt có kết quả rất tốt nên chúng tôi mong các gia đình nhận thức được nguy cơ để đưa trẻ đến bệnh viện khám sớm. Những người có yếu tố di truyền có thể phát hiện sớm từ khi mang thai bằng chọc ối, hay trước khi mang thai, thực hiện kỹ thuật IVF để loại trừ gen gây bệnh"- bác sĩ Châu nói.
 
PGS-TS Nguyễn Tuấn Hưng, phụ trách, điều hành Bệnh viện Mắt Trung ương cho biết việc dự phòng phát hiện sớm ung thư mắt ở Việt Nam hầu như chưa được người dân quan tâm, trong khi với bệnh lý thường gặp ở trẻ em là ung thư võng mạc thường có tính chất bẩm sinh, gia đình và di truyền.
 
Do đó, việc thành lập Đơn vị ung bướu mắt rất cần thiết, nhằm phát triển hơn các phương pháp điều trị bảo tồn nhãn cầu, bảo tồn thị lực tốt. Bên cạnh đó, đào tạo, chỉ đạo tuyến, tăng cường tuyên truyền, giáo dục nhằm phát hiện sớm và quản lý tốt các bệnh nhân ung thư mắt.
 
 

Bài viết mới nhất của Ngành Bệnh viện - Thiết bị Y tế